Thứ Hai, 23/12/2024
Dân ca - tiếng lòng của đồng bào Giáy

Dân ca dân tộc Giáy rất phong phú về nội dung, hát về tình yêu đôi lứa, hát về các loài hoa, hát về đám cưới, hát bên mâm rượu, ca ngợi công đức cha ông, bố mẹ... Điều bao trùm lên tất cả là ở chỗ, dân tộc Giáy cho rằng dân ca là một cái gì đó tinh tuý, tốt đẹp, tạo cho cuộc sống vui tươi, lành mạnh, trẻ trung, sôi nổi, ấm cúng, bình yên của cuộc sống con người. Dân ca dân tộc Giáy hình thành và quy định thành những loại bài hát, những cuộc hát.

Hát bên mâm rượu (Vươn ná láu)

Đối tượng hát bên mâm rượu thường có là nhà có việc vui, mời khách đến ăn mừng, giữa buổi tiệc, chủ có thể gợi ý cho khách hát bằng cách đem một khay rượu hồng (các chén rượu màu hồng) đặt vào giữa mâm (mâm được xem là mâm chính của bữa tiệc). Mâm được gia chủ đặt khay rượu, mỗi người phải uống một chén (nhấp môi, chứ không uống cạn). Rồi lời hát của một hoặc hai ba người trong mâm được cất lên.


 Nam nữ người Giáy hát đối đáp giao duyên

Hát trước quan khách (Vươn ná srú ná srảy)

Cuộc hát này gồm cả nội dung, hình thức của cuộc hát "Bên mâm rượu" và có thêm các bài hát ngợi ca công đức của vua quan.

Bạn bè hát với cô dâu trong đám cưới (Vươn xóng háu xịp nghì pịt prạc)

Đối tượng chính là cô dâu, do đó các bài hát do con trai hát hay con gái hát và có cả bà mẹ của cô dâu hoặc các bạn nam nữ thay mặt bà mẹ hát thì đều căn dặn người con gái khi đã đi làm dâu con thì không được mải vui chơi nữa, mà phải chăm làm, phải chịu thương chịu khó...

Hát trao dâu (Vươn chao pắư)

Cuộc hát này diễn ra với đối tượng là đại diện nhà trai với đại diện nhà gái trong đám cưới. Nội dung của các bài hát trao dâu nói lên tình cảm của cha mẹ, anh chị em, họ hàng đối với cô dâu khi về nhà chồng. Đối với những giờ nhà gái ra về khác nhau, người Giáy đều có những bài hát tương ứng. Ví như trong trường hợp nhà gái ra về vào giờ sửu thì sẽ hát: Giờ sửu là giờ con trâu/ Bốn chân đỡ bồ thóc/ Đó mới là giờ tốt/ Con xuất giá theo chồng.


 Nam nữ người Giáy hát đối đáp giao duyên

Hát tiễn đường (Vươn srỏng răn)

Vùng miền núi, người ta đi hàng ngày đường mới đến chợ và mỗi vùng lại họp chợ phiên vào một ngày khác nhau. Song cái rất riêng của chợ phiên miền núi là không phải ai đi chợ cũng mua và bán, có tới ba phần tư số người đi chợ chơi với đúng nghĩa của từ này, là đi gặp người thân, gặp bạn bè... Trong số đó, mười phần thì thanh niên chiếm chín phần, cho nên các chàng, các nàng gặp nhau là tìm cách "làm quen" với nhau và khi tan buổi chợ họ tìm cách được tiễn nhau bằng các bài dân ca.

Hát ống hát (Vươn boọc vươn)

Đây là cuộc hát "tâm tình" của đôi lứa. Sau khi thu hoạch lúa xong, vào khoảng tháng Chạp hoặc tháng Tết âm lịch, trên những thửa ruộng trước làng, đêm đến là từng đôi hoặc từng nhóm rủ nhau ra cánh đồng để nói lời yêu thương, tâm tình bằng lời hát qua 2 ống được nối bằng một sợi chỉ.

Hát ban đêm (Vương chang hằm)

Dạng hát này là phổ thông nhất và cũng có thể coi đây là sự biểu hiện trung tâm của dân ca dân tộc Giáy. Cuộc hát được tổ chức khi làng có con gái hoặc con trai làng khác đến. Đêm hát được mở đầu bằng bài "Xin mở cửa" và xin phép chủ nhà, xin phép người già, xin phép bạn bè trong cuộc. Sau giai đoạn này thì cũng đã đến nửa đêm nên người ta hát những bài về "nửa đêm", tiếp đó là những bài về "gà gáy" và hát những bài về "trời sáng", rồi những bài hát "chia tay". Người ta lại hẹn khi "mặt trời lặn, sao lên" sẽ lại gặp nhau.Đêm thứ hai sẽ không có giai đoạn đầu nữa, mà có thể đi thẳng vào chuyện "hai ta" với các bài "bạn cũ, hát những bài "trao nhẫn, vòng, khăn áo" lưu niệm làm tin, các bài hát "thề nguyền không quên nhau", "thề nguyền sống với nhau"... Vật kỷ niệm, vật làm tin được trao vào nửa đêm là nhẫn, là vòng tay, là khăn. Những thứ đó nếu vì một lý do nào đó mà không thực hiện được lời thề trên thì người ta mãi mãi cất kỹ đáy rương, chỉ khi nào "đóng nắp ván thiên" mới cho vào cùng.


 Hát trao dâu

Yếu tố tạo nên đời sống tinh thần của một con người thì nhiều, song với dân tộc Giáy có thể nói dân ca là cái chủ đạo. Trong cuộc sống hàng ngày, tiếng hát luôn gắn bó với con người của họ. Người con của dân tộc Giáy được sống trong dân ca, tắm trong dân ca của dân tộc mình từ khi lọt lòng, rồi nằm trên lưng mẹ, trong lòng bà để đứa trẻ thôi khóc hoặc ngủ. Ông bà, bố mẹ, anh chị nó đều ru nó bằng dân ca. Dân ca thực sự đã hun đúc nên tâm hồn, tình cảm, cách sống và mối quan hệ tốt đẹp trong dân tộc Giáy./.

(langvietonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi