Thứ Hai, 23/12/2024
Nghề làm gốm đỏ Vĩnh Long

Người Vĩnh Long sống với đất và đẻ ra làng nghề gạch ngói

Thiên nhiên ban tặng cho người Vĩnh Long một tài nguyên đất sét và dĩ nhiên là nó không giống ai, không vùng đất nào có nó. Người Vĩnh Long sống với đất và đẻ ra làng nghề gạch ngói. Làng nghề này đã có cách nay hơn một thế kỷ, lúc đó là chuyên làm gạch ngói, như gạch tàu, gạch thẻ (gạch tiểu), ngói âm dương một loại ngói còn thấy ở các đình chùa. Khoảng năm 1960, làng gạch bắt đầu cơ giới hóa, sản xuất bằng máy gạch ống, gạch tàu, gạch thẻ  cho đến năm 1980 có một công ty người Đức đến vùng này sản xuất gốm để xuất khẩu thì các chủ lò tại địa phương mới cho người đi Bình Dương, Biên Hòa học làm nghề gốm. Về kỹ thuật thì giống nhau nhưng về sản phẩm thì gốm đỏ Vĩnh Long là loại đặc trưng mà các tỉnh miền Đông không sản xuất được vì khác nguyên liệu. Bao thế hệ sáng tạo và đúc kết thành một kỹ thuật nung đất tuyệt vời: lò gạch. Nhiên liệu nung từ sản phẩm đặc trưng của vùng lúa nước: trấu. Người Vĩnh Long có nền văn hóa đặc thù đồng bằng. Màu đặc trưng của gốm Vĩnh Long là màu của rơm rạ. Điều thật kỳ lạ hay nói đúng hơn là một phát minh thầm lặng của bao thế hệ: lò gạch Vĩnh Long, đốt trấu quê mình, và đất Vĩnh long chỉ kết khối ở nhiệt độ 9000 C.

Nghề sản xuất gốm ở Vĩnh Long mang nét đặc trưng riêng có, không lẫn với những nghề truyền thống khác. Mỗi gia đình cũng có thể là một tổ hợp, một xưởng sản xuất tách biệt. Có những xưởng thuê tới mấy chục lao động. Ngày nay, người dân Vĩnh Long không còn nung gốm bằng lò than thủ công như trước. Họ nung gốm bằng lò gas, sấy sản phẩm gốm bằng điện. Thức thời hơn, một số người có tiền đã từ bỏ nghề làm gốm vất vả, chuyển ngay sang một hình thức kinh doanh mới: mở cửa hàng, đại lý giới thiệu và bán các sản phẩm gốm của làng để ăn hoa hồng. Từ một làng nghề truyền thống, Vĩnh Long nhanh chóng trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước.

 
Nhãn hiệu tập thể Gốm đỏ Vĩnh Long được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận ngày 08-6-2011 là một tin vui cho các nhà sản xuất gốm. Để có kết quả này, ngành gốm đỏ Vĩnh Long đã trải qua một quá trình phát triển dài. Từ chỗ sản xuất gạch, ngói là chính, đến năm 1983, nghề gốm ở Vĩnh Long manh nha hình thành. Khi đó, chỉ có một doanh nghiệp thí điểm đầu tư sản xuất gốm bằng lò dài với chất đốt là gỗ tạp. Tuy nhiên, mãi 10 năm sau đó, tức năm 1993, gốm đỏ của Vĩnh Long mới ký kết được hợp đồng xuất khẩu. Nhãn hiệu tập thể Gốm đỏ Vĩnh Long là tiền đề để giúp cho ngành gốm đỏ đi xa hơn trong thời gian tới.

“Vương quốc gạch ngói”

Từ xuất phát ấy đến năm 1995, Vĩnh Long có hơn 900 lò gạch tròn năng suất 20.000 viên gạch ngói qui chuẩn cho một chu kỳ 2 tháng, với tổng sản lượng 500 triệu viên/năm. Năm 1997 đánh dấu thời điểm quan trọng cho sự phát triển của nghề gốm đỏ Vĩnh Long. Lần đầu tiên 3 doanh nghiệp sản xuất gạch ngói trên địa bàn thành phố Vĩnh Long và huyện Long Hồ nghiên cứu sản xuất gốm bằng lò nung gạch kiểu tròn truyền thống. Chất đốt cũng là trấu nên việc sản xuất gốm có hiệu quả và tiết kiệm hơn. Tỷ lệ hao hụt khi nung từ chỗ trên 50%, giảm chỉ còn 10 – 20%. Từ đây mở ra một cơ hội mới cho ngành gốm đỏ Vĩnh Long phát triển mạnh hơn về số lượng và chất lượng, vươn ra thị trường thế giới.

Đến năm 2002, tỉnh Vĩnh Long có hơn 80 doanh nghiệp tham gia sản xuất gốm, cao điểm có đến 120 doanh nghiệp với qui mô sản xuất lớn nhỏ khác nhau. Nhiều doanh nghiệp lớn có đến 70, 80 lò nung. Sản xuất gốm đỏ đã góp phần lớn trong việc giải quyết lao động và chiếm tỷ trọng lớn trong giá trị sản xuất công nghiệp của địa phương.

Nghề sản xuất gốm tại Vĩnh Long phát triển mạnh mẽ đến những năm 2007 - 2008. Nhiều doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất, tự nghiên cứu cải thiện qui trình làm ra sản phẩm. Chủng loại sản phẩm cũng có sự phát triển đa dạng với hai dòng sản phẩm chính là gốm trang trí sân vườn và gốm xây dựng, nội thất. Ngoài sản phẩm gốm đỏ truyền thống, các nghệ nhân, các doanh nghiệp đã nghiên cứu sản xuất gốm men, gốm đen, gốm giả đồng, v.v…

Toàn tỉnh Vĩnh Long hiện có khoảng 2.800 miệng lò của 1.326 cơ sở sản xuất gạch ngói và gốm mỹ nghệ xuất khẩu. Riêng nghề gốm mỹ nghệ xuất khẩu, trên địa bàn tỉnh có khoảng 800 miệng lò của 126 cơ sở, với các loại hình: một công ty cổ phần, một công ty TNHH, 56 doanh nghiệp tư nhân và 58 cơ sở sản xuất, kinh doanh, tập trung tại huyện Măng Thít, Long Hồ và thị xã Vĩnh Long. Có đến Vĩnh Long mới thấy hết được sự kỳ diệu của đất và đôi bàn tay tài hoa của người thợ gốm. Gốm đất Vĩnh Long với màu đỏ tự nhiên đã trở thành dòng sản phẩm đặc trưng, được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng... Dân gian thường gọi là “Vương quốc gạch ngói”. Từ cầu Mỹ Thuận nơi sông Tiền tách dòng Cổ Chiên, kéo dài 30 cây số đến vàm sông Mang Thít, trên 1.000 lò gạch mọc lên như một thành phố cổ.

Nghề sản xuất gốm đã giải quyết việc làm cho hàng chục ngàn lao động có thu nhập ổn định và là chiếc nôi đào tạo nên những người thợ có tay nghề cao, tâm huyết với nghề. Sản phẩm của làng nghề đã có mặt tại các nước châu Âu, châu Mỹ, châu Úc và một số nước châu Á: Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Nhật Bản… sản lượng ngày càng tăng. Bằng việc tìm thị trường, khai thác và tổ chức lại sản xuất theo hướng công nghiệp, đa dạng các mặt hàng, nhất là chất lượng và mẫu mã là điều kiện quyết định để gốm sứ Vĩnh Long ngày càng được vươn xa… Theo Sở Công Thương tỉnh Vĩnh Long: Gốm đất đỏ Vĩnh Long mang tính đặc thù một phần ở những kiểu dáng, thể hiện được nét tài hoa của người thợ thủ công vựa lúa phía Nam, đặc thù chính ở chỗ những sản phẩm gốm đất nung không men có màu đỏ hồng, xen lẫn các mảng loang trắng bạc, tạo nên sự hấp dẫn độc đáo đối với khách hàng từ nhiều nước châu Âu, châu Mỹ…

Vẫn còn những bất cập mà làng nghề gốm Vĩnh Long phải phấn đấu vượt qua: gốm Vĩnh Long chưa có thương hiệu mạnh, công nghệ nào cho đất, vấn đề xúc tiến thương mại,… nhưng những lò gốm ở Vĩnh Long vẫn ngày đêm đỏ lửa để tạo ra những sản phẩm đẹp, độc đáo nhằm giới thiệu, quảng bá sản phẩm của mình đến với khách hàng khắp nơi, mang tâm hồn Việt và văn hóa phương Đông tới thị trường trong và ngoài nước. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, làng nghề gốm đỏ Vĩnh Long sẽ sánh vai với các làng gốm trong cả nước sẵn sàng hội nhập kinh tế quốc tế, mang nét tài hoa, mang tâm hồn Việt, mang nét văn hóa phương Đông đến với bạn bè trên thế giới.

(thegioidisan.vn)

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi