Thứ Sáu, 22/11/2024
Không phai mờ giá trị văn hóa người Cờ Lao

Vẻ mộc mạc về nơi sống

Ở miền đá Hà Giang, cộng đồng dân tộc Cờ Lao là một trong những dân tộc rất ít người, sinh sống rải rác ở các huyện Hoàng Su Phì, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc. Đến các bản: Phìn Sư, Tà Chải, Khu Trù Sán, Túng Quá Lìn (xã Túng Sán, Hoàng Su Phì) có thể dễ dàng bắt gặp những bản làng người Cờ Lao nằm nép mình bên sườn đồi xen lẫn giữa những thửa ruộng bậc thang và những đồi chè xanh mướt dưới chân dải núi Tây Côn Lĩnh.


 Phụ nữ Cờ Lao thu hái chè Shan tuyết cổ thụ

Nhà ở truyền thống của người Cờ Lao có cấu trúc 3 gian 2 trái, mái thấp lợp gianh hoặc bằng móng vầu, vách đan bằng tre; mỗi ngôi nhà đều có 2 cửa ra vào. Hiện nay, thực hiện chính sách hỗ trợ của Nhà nước, hầu hết các gia đình đã lợp bằng tấm Pro-xi măng, ghép ván xung quanh nhà, song về cơ bản vẫn giữ nguyên hình dáng của ngôi nhà truyền thống.

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Min Phà Dù, thôn Phìn Sư, ngôi nhà thơm mùi gỗ mới được dựng giữa bốn bề là ruộng bậc thang. Đon đả pha trà mời khách, ông Dù hồ hởi chia sẻ: “Bây giờ họ làm nhà xây, nhà sàn bê tông nhiều lắm, nhưng gia đình tôi vẫn quyết định làm nhà gỗ truyền thống của dân tộc mình. Ngày trước mình sinh ra và lớn lên trong ngôi nhà gỗ, bây giờ muốn lưu giữ lại kiến trúc nhà ở truyền thống của dân tộc cho đời con, đời cháu của mình”.

Bức tranh văn hóa sinh động

Người Cờ Lao cũng có trang phục đặc trưng, không pha trộn với các dân tộc khác. Trong bộ váy áo mang sắc xanh đặc trưng, các thiếu nữ Cờ Lao trông xinh đẹp và duyên dáng. Giữa cuộc sống hiện đại, người Cờ Lao vẫn luôn có ý thức coi trọng và gìn giữ trang phục truyền thống của dân tộc mình. Những ngày lễ tết hay những dịp cưới hỏi, người Cờ Lao đều mặc trang phục truyền thống. Nam mặc áo tứ thân, khuy vải, làm từ vải mộc nhuộm lá chàm; nữ mặc áo dài tứ thân, xẻ tà 2 bên, cài cúc chéo, trang trí những khoanh vải nhiều màu ở ống tay và phần trên của ngực áo kết hợp với váy hoặc quần dài cùng màu, tạo nên nét đẹp duyên dáng, dịu dàng. Ngày nay, ít nhà tự trồng được bông làm vải thủ công, phần lớn các chị, các mẹ mua vải sẵn ngoài chợ về may vá theo kiểu dáng truyền thống.

Cùng với nét đẹp trong trang phục, người Cờ Lao còn lưu giữ một kho tàng âm nhạc dân gian đồ sộ, gồm những bài hát dân ca được truyền miệng trong cộng đồng. Khách đến nhà, bên bếp lửa ấm cúng, các thiếu nữ Cờ Lao thẹn thùng cất lời ca mời rượu: “Một chén rượu/ Đầy lại đầy hơn/ Nhờ anh nói hộ lòng em/ Đang tràn đầy nhiều điều như mười chén rượu/ Rượu ở trên môi, tâm sự ở trong tim…”. Các chàng trai khi gặp cô gái mình thương cũng sẽ mượn lời ca, tiếng hát để thổ lộ tâm tình: “Bố mẹ nói anh không theo hàng lối/ Quyền cao chức trọng anh chẳng mơ/ Chỉ mong về sau có em giúp anh mọi sự...”. Cứ như thế, âm nhạc luôn hiện hữu trong đời sống của người Cờ Lao, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu và được các thế hệ luôn trân trọng gìn giữ, lưu truyền.


 Người Cờ Lao luôn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc

Người Cờ Lao có nhiều lễ hội, trong đó đặc trưng nhất là lễ cúng Hoàng Vần Thùng – Thành Hoàng của làng, người có công khai thiên lập địa và giúp nhân dân trong vùng mở mang khai khẩn ruộng nương, đánh đuổi thú dữ, kẻ thù để giành lại cuộc sống bình yên cho dân làng. Lễ cúng thường được tổ chức vào tháng 7 âm lịch hàng năm, diễn ra tại miếu Thành Hoàng được lập trên đỉnh núi cao nhất của dải núi Tây Côn Lĩnh. Trước khi cúng tế, các gia đình trong làng sẽ góp gà, lợn, gạo, rượu, bánh, hoa quả… để thầy cúng tiến hành lễ tế. Kết thúc phần lễ, các gia đình quây quần bên mâm cơm và những chén rượu nồng. Các nghệ nhân, chàng trai cô gái lại có dịp trổ tài trên các loại nhạc cụ truyền thống, thi hát dân ca, hát đối đáp giao duyên và tham gia các môn thể thao truyền thống, tạo nên một không khí sôi động, thể hiện tính gắn bó, đoàn kết trong cộng đồng.

Người Cờ Lao tôn trọng hôn nhân một vợ, một chồng. Đây là cơ sở để duy trì bền chặt các thế hệ trong một gia đình. Giữa nhịp sống hiện đại, sự giao thoa văn hóa diễn ra ngày càng phổ biến, nhưng các thế hệ tộc người Cờ Lao vẫn luôn có ý thức trong việc gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc mình. Trong mỗi nếp nhà nhỏ xinh nép mình giữa những thửa ruộng bậc thang uốn lượn, các thiếu nữ Cờ Lao miệt mài khâu vá trang phục truyền thống và những làn điệu dân ca vẫn vang vọng khắp các nương chè: “Người thương ơi, nếu có nhớ đến em thì hãy lên đỉnh núi cao nhất của dãy Tây Côn Lĩnh/ Sẽ gặp em trong muôn ngàn sắc hoa của núi rừng quê hương…”./.

(langvietonline.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi