Thứ Tư, 13/11/2024
Xã Tứ Quận hưởng lợi từ Chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn

Xã có 1.973 hộ với 8.416 nhân khẩu. Nhằm nâng cao nhận thức của người dân về việc làm nhà tiêu hợp vệ sinh, Đảng ủy xã đã chỉ đạo MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, các thôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, tập quán sinh hoạt hàng ngày của người dân, đặc biệt là những thôn có đông đồng bào dân tộc thiểu số như: Đồng Trò, Cây Nhãn, Khe Đảng, Đồng Bài, Đồng Trằm... Ông Hoàng Văn Vụ, Trạm trưởng Trạm Y tế xã cho biết, trước đây nhiều hộ gia đình còn tình trạng nước thải vệ sinh xả trực tiếp ra ao, hồ. Những hộ có hệ thống bể chứa cũng chưa đảm bảo tiêu chuẩn nên gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước. Từ năm 2016, Trạm Y tế xã đã phối hợp với các đoàn thể vận động, khảo sát nhu cầu làm, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh của nhân dân; tổ chức dọn vệ sinh môi trường, đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh, đào hố chứa rác, làm mới nhà vệ sinh. Đặc biệt, năm 2018 khi Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả được triển khai trên địa bàn xã đã góp phần nâng cao tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Sau 1 năm triển khai đã có 100 hộ được hưởng lợi từ chương trình (mỗi hộ được hỗ trợ 1 triệu đồng làm nhà tiêu).


 Trưởng Trạm Y tế xã Tứ Quận (Yên Sơn) (thứ 2 từ trái sang) tuyên truyền xây nhà tiêu hợp vệ sinh tại thôn Lảm Lượng
Thôn Cây Nhãn trước đây có tỷ lệ hộ sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh thấp nhất xã, chiếm 61%. Thôn có 154 hộ, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, trên 40% là hộ nghèo nên trước kia đa số gia đình không quan tâm tới vấn đề nhà tiêu hợp vệ sinh hay không. Anh Tạ Văn Quang, Trưởng thôn nói, ban đầu, việc vận động người dân làm nhà tiêu hợp vệ sinh không dễ, vì khi ấy nhiều hộ dân còn phải sống trong những căn nhà ọp ẹp, nhà ở chưa xong thì lo gì đến nhà vệ sinh. Khi đến vận động, nhiều hộ vẫn chối đây đẩy, họ tìm đủ cớ để thoái thác, họ còn cho rằng, nhà tiêu được dựng xa nơi ở, chất thải chảy ra ao thì sẽ không lo ảnh hưởng tới sức khỏe; thậm chí, thói quen phóng uế bừa bãi ra môi trường vẫn còn khá phổ biến ở đây. Từ khi có cán bộ của Chương trình đến vận động và tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh đối với sức khỏe, lại được hưởng sự hỗ trợ từ nguồn vốn của chương trình; xã còn tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận thị trường vật liệu xây dựng nhà tiêu và cung cấp thông tin về bảo quản, sử dụng nhà tiêu nên nhiều gia đình dần thay đổi nhận thức, đã vay mượn thêm tiền để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh. Đến nay, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh có điểm rửa tay bằng xà phòng tại thôn đã đạt 99%. 

Bên cạnh đó, cán bộ Trạm Y tế xã, đội ngũ y tế thôn, bản đã hướng dẫn người dân cách sử dụng đối với 2 loại nhà tiêu tự hoại và nhà tiêu thấm dội nước. Đồng thời hướng dẫn cho bà con khi đi vệ sinh xong không được vứt giấy bừa bãi, phải luôn quét dọn nhà vệ sinh hàng ngày, rửa tay với xà phòng sau khi đi vệ sinh để không gây ô nhiễm môi trường và bảo đảm sức khỏe. Nhiều người sau khi được tuyên truyền đã hiểu tầm quan trọng của việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Bà Nguyễn Thị Nhi, thôn Lảm Lượng chia sẻ, ngày trước nhà vệ sinh của gia đình bà cũng cách xa chỗ ở nhưng được dựng tạm bợ bằng tre nứa lại không có hệ thống xử lý chất thải nên gây ô nhiễm môi trường. Năm 2018, khi Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả triển khai trên địa bàn xã bà đã quyết định làm nhà tiêu hợp vệ sinh 3 ngăn đúng quy định. Qua đó, góp phần bảo vệ sức khỏe cho các thành viên trong gia đình và giữ gìn vệ sinh môi trường. Từ ngày có nhà tiêu hợp vệ sinh, gia đình bà không còn mắc phải các bệnh như tiêu chảy, bệnh đường ruột, hạn chế được ruồi, muỗi phát triển...


 Cán bộ Trạm Y tế xã Tứ Quận (ở giữa) tuyên truyền về tầm quan trọng của việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh cho người dân thôn Cầu Trôi

Theo ông Hoàng Mạnh Hùng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, xã Tứ Quận (Yên Sơn) là một trong những xã triển khai hiệu quả Chương trình Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Chương trình đạt được kết quả như vậy là có sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, sự đồng tình ủng hộ từ nhân dân; trong đó Trạm Y tế xã là lực lượng tuyên truyền nòng cốt trong chương trình này. Công tác truyền thông được xã thực hiện bằng nhiều hình thức: Phát tờ rơi, tuyên truyền qua loa truyền thanh, tư vấn trực tiếp ở thôn bản, hộ gia đình. Xã chú trọng tuyên truyền tới hộ nghèo giúp nâng cao nhận thức về việc xây nhà tiêu hợp vệ sinh và được hưởng hỗ trợ nguồn vốn xây dựng từ Chương trình. Chương trình đã góp phần nâng cao sức khỏe cho người dân, bảo vệ môi trường trên địa bàn. 

Với những cách làm cụ thể, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác xây nhà tiêu hợp vệ sinh, 10 năm trở lại đây trên địa bàn xã không có ổ dịch như: Tiêu chảy, tả, lỵ bùng phát. Xã phấn đấu hết năm 2020 đạt 100% hộ trên địa bàn sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. 

Vương Hằng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất