Thứ Sáu, 22/11/2024
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh: Khi thói quen cũng là rào cản
Cùng với nguồn lực hỗ trợ, cần tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Cách trung tâm huyện gần 90km, Pa Ham là một trong những xã nghèo nhất nhì của huyện Mường Chà (Điện Biên). Toàn xã có 572 hộ/2.819 nhân khẩu (gồm dân tộc Thái và dân tộc Mông) thì có hơn một nửa hộ thuộc diện nghèo. Do địa bàn rộng, dân cư thưa, trình độ dân trí hạn chế, giao thông đi lại hiểm trở, đa số người dân sống bằng nghề trồng lúa nước và nương với kỹ thuật canh tác lạc hậu; cùng với đó, tập quán du canh, du cư còn nặng nề đã làm cho con đường thoát nghèo của người dân đã khó lại càng khó hơn.

Theo ông Lò Văn Hơn, Phó Chủ tịch UBND xã Pa Ham, dù nỗ lực nhưng xã gặp rất nhiều khó khăn trong xây dựng NTM. Bên cạnh các chỉ tiêu “cứng” thì nhiều chỉ tiêu khác Pa Ham cũng rất khó thực hiện; nhất là tiêu chí về môi trường. Hiện, toàn xã có hơn 40% hộ dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, đặc biệt là 4 bản vùng cao hầu như chưa có gia đình nào có nhà tiêu. Cuộc sống người dân còn rất nghèo nên để đầu tư xây dựng nhà tiêu như đúng quy chuẩn là điều khó thực hiện.

Không chỉ riêng Pa Ham mà theo kết quả điều tra thực trạng kinh tế-xã hội 53 DTTS, tính đến tháng 8/2015, tỷ lệ hộ DTTS sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 27,9%. Đáng chú ý, trong 53 DTTS, thì có đến 12 DTTS có tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh từ 10% trở xuống; đặc biệt, tỷ lệ này ở đồng bào dân tộc Xinh Mun chỉ đạt 2,3%, dân tộc Chứt 3,3%, dân tộc La Hủ 2,7%,…

Theo lý giải của đại diện chính quyền các địa phương, kinh tế khó khăn là một trong những nguyên nhân khiến nhiều gia đình không có điều kiện để xây nhà tiêu hợp vệ sinh. Dù Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường đã bố trí nguồn hỗ trợ, nhưng kinh phí còn thấp nên không đáp ứng được nhu cầu thực tế tại địa phương. Ngoài ra, thói quen lạc hậu trong hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân ở những địa bàn đặc thù cũng là “điểm nghẽn” trong nỗ lực bảo đảm vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống.

Chính bởi vậy, việc tuyên truyền cho người dân biết về tầm quan trọng của vệ sinh môi trường sống, đặc biệt là xử lý chất thải hộ gia đình có ý nghĩa rất quan trọng trong mục tiêu thay đổi hành vi vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường. Nhưng truyền thông như thế nào để đạt hiệu quả là một việc không hề dễ dàng.

Theo bà Nguyễn Thị Liên Hương, Giám đốc Ban Quản lý Dự án thành phần vệ sinh nông thôn và thay đổi hành vi về vệ sinh thì công tác truyền thông nếu được thực hiện tốt có thể phát huy nội lực trong nhân dân, đẩy lùi một số tập quán lạc hậu, từ đó công tác giữ gìn vệ sinh môi trường cũng sẽ được quan tâm hơn. Vì vậy, việc truyền thông cần gần gũi, sâu rộng và có sự tham gia của nhiều lực lượng, đoàn thể.

Được biết, tại 21 tỉnh triển khai Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” giai đoạn 2016-2020, Trung tâm Y tế dự phòng được giao làm đầu mối để tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn, tuyên truyền thay đổi về vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường.

Sau khi được phổ biến, tham gia tập huấn tuyến tỉnh, các huyện, xã tiếp tục triển khai truyền thông tại cơ sở, đến từng thôn, bản tuyên truyền, vận động với sự giúp sức của cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng nhằm hướng tới mục tiêu thay đổi hành vi: Các thành viên trong gia đình rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, đi tiêu trong các nhà tiêu cải thiện và chấm dứt việc đi tiêu bữa bãi, nâng cấp hoặc xây mới nhà tiêu hợp vệ sinh.

Hồng Anh

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi