Thứ Sáu, 22/11/2024
Vĩnh Phúc phát triển 3 tiểu vùng kinh tế

 

Tiểu vùng I – tiểu vùng trung du, miền núi phía Bắc gồm các huyện: Lập Thạch, Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo và một phần phía Bắc huyện Bình Xuyên. Với quỹ đất lớn phục vụ cho phát triển công nghiệp, du lịch và nông nghiệp đa canh, tiểu vùng này đã và đang hình thành các khu công nghiệp lớn như: Khu công nghiệp Tam Dương I, Tam Dương II; khu công nghiệp Sông Lô, khu công nghiệp Lập Thạch; khu công nghiệp Thái Hòa – Liễn Sơn và các điểm du lịch dọc theo dãy núi Tam Đảo.

Tiểu vùng II – vùng trung tâm gồm khu vực chạy dọc theo quốc lộ 2A, đường quốc lộ 23 và đường sắt đô thị Hà Nội – Việt Trì, trong đó có thành phố Vĩnh Yên, trung tâm huyện Bình Xuyên và thành phố Phúc Yên. 10 năm qua, tiểu vùng này đã trở thành trung tâm phát triển công nghiệp, dịch vụ, văn hóa, thể thao, vui chơi giải trí của tỉnh với các khu công nghiệp lớn như: Khai Quang, Bình Xuyên I, Bá Thiện I, Bá Thiện  II, khu công nghiệp Thăng Long, khu công nghiệp Sơn Lôi và nhiều doanh nghiệp lớn đóng góp chủ lực cho thu ngân sách của tỉnh như Công ty Toyota Việt Nam, Honda Việt Nam, Piagio...

Tiểu vùng III – tiểu vùng đồng bằng gồm các huyện: Vĩnh Tường, Yên Lạc và nam Bình Xuyên. Những năm qua, tiểu vùng này chủ yếu tập trung phát triển nông nghiệp với thế mạnh là trồng trọt, chăn nuôi. Bên cạnh đó, đẩy mạnh phát triển các làng nghề tiểu thủ công nghiệp như làng nghề gỗ Thanh Lãng (Bình Xuyên), làng nghề gỗ Minh Tân, làng nghề mua bán sắt vụn Tề Lỗ, Đồng Văn (Yên Lạc). Bên cạnh phát triển nông nghiệp, hình thành các vùng sản xuất trồng trọt, chăn nuôi theo hướng tập trung, tiểu vùng này đang hình thành, phát triển các cụm công nghiệp như: Cụm công nghiệp Đồng Sóc (Vĩnh Tường), cụm công nghiệp Minh Phương (Yên Lạc)...

Theo đánh giá của UBND tỉnh, trên cơ sở xác định rõ đặc điểm, chức năng của từng tiểu vùng, Vĩnh Phúc đã xây dựng và triển khai nhiều kế hoạch, chương trình, dự án cụ thể, phù hợp nhằm khai thác và phát huy tốt thế mạnh của từng tiểu vùng. Nhờ đó, từ năm 2011 đến nay, kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc tiếp tục phát triển và tăng trưởng khá qua từng năm. Cụ thể, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng bình quân 7,43%/năm, trong đó, ngành công nghiệp, xây dựng tăng 10,9%/năm; ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản tăng 2,95%/năm; ngành dịch vụ tăng 7,6%/năm và thuế sản phẩm tăng 2,5%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản. Ước hết năm 2019, ngành công nghiệp – xây dựng chiếm 63,13%; ngành dịch vụ chiếm 29,42% và ngành nông – lâm nghiệp, thủy sản chiếm 7,45%. Thu nhập bình quân đầu người ước đạt 90,8 triệu đồng/người/năm, tăng 2 lần so với năm 2010 và cao hơn bình quân chung cả nước; năng suất lao động tăng từ 76 triệu đồng/người/năm 2010 tăng lên 162 triệu đồng/người/năm 2019. Đặc biệt, giai đoạn 2011-2020, sự lớn mạnh, phát triển nhanh của tiểu vùng II đã giúp sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm tới 97% giá trị tăng thêm của toàn ngành và khu vực FDI tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế, chiếm trên 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp.

Đối với tiểu vùng III, từ việc đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ mới trong trồng trọt, chăn nuôi, sản xuất nông nghiệp và cơ cấu giống, cây trồng, vật nuôi, mùa vụ chuyển dịch theo đúng hướng, góp phần đưa tỷ trọng trồng trọt giảm dần và tỷ trọng chăn nuôi tăng dần theo từng năm. Hiện hầu hết các địa phương đã đưa các giống lúa, rau củ quả chất lượng vào gieo trồng theo kỹ thuật mới đem lại hiệu quả kinh tế cao như bí đỏ cho thu nhập khoảng 34,7 triệu đồng/ha; ớt cho thu nhập 238 triệu đồng/ha. Nhiều địa phương đã hình thành các vùng sản xuất tập trung, tạo ra khối lượng sản phẩm lớn cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh như: Vùng chăn nuôi bò sữa tại Vĩnh Tường, Lập Thạch, Tam Đảo; chăn nuôi lợn quy mô lớn ở Yên Lạc, Lập Thạch; nuôi gia cầm ở Tam Dương, Tam Đảo...

Việc kinh tế - xã hội của 3 tiểu vùng phát triển đúng hướng đã tạo đà, nguồn nội lực quan trọng để Vĩnh Phúc tiếp tục đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị. Đến nay, tỉnh đã và đang tiếp tục đầu tư xây dựng, đưa các tuyến đường vành đai, đường hướng tâm và các tuyến đường nội thị vào sử dụng. Điều này không chỉ tạo thuận lợi cho việc đi lại, giao thương kinh tế giữa các địa phương trong và ngoài tỉnh mà còn từng bước góp phần hoàn thiện hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc, tạo tiền đề quan trọng cho việc xây dựng thành phố Vĩnh Phúc trong tương lai.

Đức Lâm

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi