Nằm ở khu vực chuyển tiếp giữa vùng đồng bằng Sông Hồng với các tỉnh trung du miền núi phía Bắc, Vĩnh Phúc có nhiều lợi thế về mặt địa hình với những cảnh quan hấp dẫn để phát triển du lịch. Bên cạnh đó, hệ thống đền chùa, di tích, làng nghề trong tỉnh cũng trở thành điểm đến thú vị với du khách nội địa và quốc tế.
Những nỗ lực hiện tại
Ngành du lịch Vĩnh Phúc được xác định phát triển theo 3 hướng chính nhằm phát huy những thuận lợi về mặt tự nhiên và nhân văn của tỉnh: Du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ, hội nghị, hội thảo. Để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cho du lịch, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân, lãnh đạo các cấp ở Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện lĩnh vực này với những giải pháp đồng bộ.
|
Du lịch đang dần trở thành thế mạnh giúp Vĩnh Phúc phát triển kinh tế |
Hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch liên tục được đầu tư, nâng cấp. Về cơ bản, mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm. Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách. Bên cạnh đó, các đơn vị uy tín được lựa chọn để tư vấn, thiết kế, thi công nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh cũng tăng trưởng mạnh về số lượng. Tính đến tháng 3/2019, Vĩnh Phúc có 377 cơ sở lưu trú với trên 6000 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao (khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh và khu nghỉ dưỡng Đại Lải Flamingo) và 306 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia.
Bên cạnh đó, tỉnh còn phát triển đa dạng các loại hình du lịch: du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm, du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo, du lịch văn hóa..., trong đó, du lịch nghỉ dưỡng vào các ngày cuối tuần và du lịch lễ hội là hai loại hình thu hút được nhiều du khách nhất. Ngoài ra, một số tour, tuyến du lịch dù mới được đưa vào khai thác nhưng đã nhận được nhiều sự chú ý của du khách, đặc biệt là thanh niên và khách du lịch ngoại quốc như tour du lịch chinh phục ba đỉnh Tam Đảo trong một ngày, tham quan và trải nghiệm ở khu sinh thái vườn cò Hải Lựu, tham quan các làng nghề truyền thống…
Công tác quản lý và chính sách thu hút đầu tư cũng thể hiện sự chú trọng của lãnh đạo tỉnh đối với ngành du lịch. UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã thông qua nhiều dự án quy hoạch lớn như quy hoạch khu du lịch Tam Đảo, quy hoạch chung xây dựng phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo… Song song với việc chủ động dành quỹ đất cho các dự án, tỉnh chủ trương cải thiện chính sách và thủ tục hành chính theo hướng cởi mở, thông thoáng hơn để tạo lập một môi trường đầu tư thuận lợi nhằm khuyến khích, thu hút các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực du lịch và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các tỉnh lân cận, nhất là những địa phương có ngành du lịch phát triển để xây dựng những tour du lịch nội địa hấp dẫn du khách. Đồng thời, việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông ở các điểm du lịch cũng được chỉ đạo sát sao nhằm dẹp bỏ các tệ nạn và việc buôn bán kinh doanh trục lợi làm ảnh hưởng đến khách du lịch và danh tiếng của ngành du lịch tỉnh. Để nâng cao chất lượng dịch vụ theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn, tỉnh chủ trương tuyên truyền, nâng cao nhận thức và đào tạo kĩ năng, nghiệp vụ cho đội ngũ nhân lực làm du lịch, nhất là hướng dẫn viên và người dân sinh sống tại các điểm tham quan.
Với những nỗ lực đó, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn đối với khách du lịch cả trong và ngoài nước. Riêng Quý I năm 2019, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch. Theo dự tính, con số này sẽ đạt khoảng 6 triệu lượt trong năm 2019, trong đó có 43.500 lượt khách quốc tế, đem lại tổng doanh thu khoảng 1.910 tỉ đồng.
Tầm nhìn về tương lai
Đánh giá về hoạt động du lịch của tỉnh, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng những kết quả trên đây chỉ là các thành tựu bước đầu, hiệu quả vẫn chưa thực sự tương xứng với tiềm năng vốn có. Nhận thức rõ những hạn chế còn tồn tại như sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của địa phương chưa phong phú, một số loại hình du lịch chưa tạo được dấu ấn độc đáo để giữ chân du khách lưu trú trong thời gian dài và tăng mức chi tiêu dùng của khách du lịch…, ngày 31/8/2018, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Chương trình hành động số 41, bao gồm những định hướng và biện pháp để kiến tạo một môi trường du lịch an toàn, văn minh, thân thiện và phát triển bền vững. Theo đó, tỉnh sẽ tiếp tục nghiên cứu, cơ cấu lại ngành du lịch nhằm đảm bảo sự phát triển song song giữa việc khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của cảnh quan thiên nhiên và tài nguyên du lịch nhân văn và việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hoá cũng như bảo vệ tài nguyên và môi trường. Đồng thời, bên cạnh việc ưu tiên nguồn lực để đầu tư, phát triển hạ tầng cơ sở, mạng lưới giao thông, tỉnh cũng sẽ hoàn thiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút các nhà đầu tư và tiếp tục xúc tiến hoạt động quảng bá, hợp tác du lịch để ngày càng nhiều khách du lịch quốc tế biết tới và lựa chọn Vĩnh Phúc như một điểm đến không thể bỏ qua khi tới Việt Nam.
Cùng với các loại hình du lịch khác, du lịch làng nghề ở Vĩnh Phúc được xác định là một loại hình có nhiều tiềm năng, dễ dàng bắt kịp xu hướng tham quan kết hợp với trải nghiệm văn hóa của nhiều bạn trẻ và du khách quốc tế hiện nay. Tỉnh khuyến khích nghệ nhân, thợ thủ công ở các làng nghề thiết kế, sản xuất đồ thủ công mĩ nghệ và các sản phẩm lưu niệm để phục vụ nhu cầu của du khách, vừa đem lại giá trị kinh tế, vừa quảng bá hình ảnh của địa phương. Việc xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cải tạo môi trường, đào tạo nhân lực làm việc trong lĩnh vực dịch vụ du lịch… cũng được coi là những hoạt động cần thiết để phát triển loại hình này theo hướng bài bản, chuyên nghiệp hơn.
Vạch ra những định hướng và biện pháp ấy, lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc kì vọng đến năm 2020, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ chào đón khoảng 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa; năm 2030 thu hút 150.000 lượt khách quốc tế và 15,6 triệu lượt khách nội địa. Việc đẩy mạnh phát triển du lịch không chỉ giúp Vĩnh Phúc khai thác tốt tiềm năng của địa phương mà còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.
PV.