Việc sáp nhập phải đảm bảo đời sống cho dân
Sáp nhập thôn, tổ dân phố (TDP) là một trong những chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Tại tỉnh Vĩnh Phúc, theo số liệu từ Sở Nội vụ, toàn tỉnh có 1.379 thôn, TDP. Ngày 13/7/2019, HĐND tỉnh đã quyết nghị sáp nhập 274 thôn, TDP để thành lập 131 thôn, TDP (giảm được 143 thôn, TDP). Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh còn 1.236 thôn, TDP. Điều đáng ghi nhận là việc sáp nhập thôn, TDP được người dân tỉnh Vĩnh Phúc hưởng ứng, không có đơn thư khiếu nại.
Đồng chí Nguyễn Thanh Quang, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Chính quyền các cấp trong tỉnh Vĩnh Phúc đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, nêu cao trách nhiệm người đứng đầu và sự đồng thuận của nhân dân trong tổ chức triển khai sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp thôn, TDP chưa đảm bảo quy mô theo quy định để thành lập thôn, TDP mới. Qua đó, giúp tinh gọn bộ máy, giảm số người hoạt động không chuyên trách, phát huy vai trò của tổ chức tự quản trong cộng đồng dân cư. “Việc sắp xếp, sáp nhập phải đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, không gây xáo trộn, tạo thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống của nhân dân”.
|
Cán bộ, đảng viên xã Đông Cương, huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc họp bàn việc sáp nhập thôn
|
UBND các huyện, thành phố ở Vĩnh Phúc đã tích cực chỉ đạo triển khai, thực hiện đồng bộ các giải pháp để thống kê số liệu thôn, TDP trên địa bàn, tổng hợp các phương án sáp nhập; chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, xây dựng Đề án, thực hiện quy trình, hồ sơ sáp nhập thôn, TDP. Cùng với đó, các địa phương kiện toàn các chức danh trưởng thôn, tổ trưởng dân phố; sắp xếp và thực hiện các chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách; khắc phục tình trạng tồn tại, hạn chế trưởng thôn, tổ trưởng dân phố không phải là đảng viên… Đồng thời tiếp nhận những thông tin, ý kiến phản hồi của cán bộ, nhân dân về những khó khăn, vướng mắc để có những giải pháp, biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả.
“Sáp nhập thôn, TDP là bước đi quan trọng, song, đây cũng được xem là một hành trình nhiều khó khăn, nếu như không có được sự đồng thuận của nhân dân” - Đồng chí Nguyễn Văn Toản, Trưởng phòng Xây dựng chính quyền và Công tác thanh niên (Sở Nội vụ)
Đồng chí Nguyễn Thanh Quang cho biết: để việc sáp nhập thôn, TDP đạt hiệu quả và tạo sự đồng thuận cao từ người dân, Vĩnh Phúc chủ trương giữ nguyên không sáp nhập đối với thôn, TDP có địa bàn biệt lập không liền kề, cách trở giao thông gây khó khăn cho việc sinh hoạt cộng đồng hoặc một số tôn giáo và dân tộc thiểu số khác nhau có phong tục tập quán riêng biệt. Bên cạnh đó, những thôn, TDP chưa nhận được sự đồng thuận của người dân thì trước mắt không thực hiện sáp nhập; các cơ quan có thẩm quyền tiếp tục xem xét, vận động nhân dân để thực hiện sáp nhập theo quy định. Đối với thôn, TDP thuận lợi về vị trí địa lý phải sáp nhập nhưng khi triển khai đề án, tỷ lệ cử tri đồng ý dưới 50% thì đề nghị UBND huyện báo cáo Huyện ủy, Thành ủy chỉ đạo tiếp tục lấy ý kiến cử tri lần 2 và quán triệt giao nhiệm vụ cho Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn, tổ chức chính trị - xã hội quyết liệt vào cuộc hoàn thành việc sáp nhập. Đối với thôn, TDP không thuộc diện bắt buộc phải sáp nhập, Đảng ủy, UBND xã quyết tâm sáp nhập nhưng cử tri chưa đồng thuận cao thì giữ nguyên, không bắt buộc phải sáp nhập.
Linh hoạt trong sắp xếp, sáp nhập
Tại xã Hoàng Lâu (Tam Dương) - một trong những đơn vị được chọn thí điểm thực hiện Đề án sáp nhập, thành lập thôn mới, Đảng ủy, UBND xã đã quyết liệt vào cuộc, tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu, tạo sự đồng thuận, thống nhất thực hiện. Đến nay, địa phương đã hoàn thành việc sáp nhập, từ 12 thôn giảm còn 9 thôn. Bà Lê Thị Phương, người dân xã Hoàng Lâu chia sẻ: “Tôi thấy đây là chủ trương đúng, thể hiện sự quyết tâm cao của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong việc thực hiện tinh gọn, nâng cao hiệu lực bộ máy cơ sở và tiết kiệm nguồn ngân sách địa phương”.
Sau khi sáp nhập, toàn tỉnh Vĩnh Phúc còn 1.236 thôn, TDP, theo đó, giảm được 715 cán bộ hoạt động không chuyên trách của thôn, giảm trên 1,3 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước/tháng.
Thực tế, tại nhiều địa phương cho thấy, việc sáp nhập thôn, TDP đều được cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị ở cơ sở vào cuộc quyết liệt, tiến hành một cách thận trọng, kỹ lưỡng, đúng quy định pháp luật và thực hiện trên tinh thần dân chủ, công khai minh bạch, tạo sự đồng thuận của nhân dân. Sau sáp nhập, huyện Tam Dương giảm từ 145 thôn, TDP xuống còn 130 thôn, TDP. Qua đánh giá của UBND huyện Tam Dương, việc rà soát, xây dựng phương án tổ chức thực hiện sáp nhập, kiện toàn thôn, TDP trên địa bàn được thực hiện theo đúng trình tự quy định, hợp lý, khách quan, phù hợp với điều kiện của từng địa phương.
Ở một số địa phương gặp không ít trở ngại do địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, dân cư phân bố rải rác; phong tục tập quán, lối sống sinh hoạt không tương đồng với các thôn lân cận, do vậy khó thực hiện việc sáp nhập. Ngoài ra, vấn đề đặt ra đối với nhiều địa phương hiện nay chính là tài sản chung của nhân dân về nhà văn hóa. Bởi khi 2 thôn sáp nhập, tất yếu sẽ dư thừa một nhà văn hóa, trong khi đội ngũ cán bộ thôn tinh giản một nửa, dân số đông gấp đôi.
Việc lựa chọn nhân sự sau khi sáp nhập thôn, TDP cũng là bài toán không đơn giản đối với nhiều địa phương. Đồng chí Nguyễn Phùng Xuân, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Thịnh (Vĩnh Tường) cho biết: Trong công tác nhân sự sau khi sáp nhập thôn, địa phương tin rằng sẽ lựa chọn ra những cán bộ thôn vừa có tâm, vừa có tầm, có sức khỏe để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Với sự chủ động của các cấp, các ngành, tỉnh Vĩnh Phúc đã tạo được sự đồng thuận trong việc sáp nhập thôn, TDP. Một ví dụ điển hình là 2 thôn Móng Cầu và Làng Sen của xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch. Đối chiếu theo Thông tư số 14/2018/TT-BNV ngày 03/12/2018 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, thì 2 thôn này thuộc diện bắt buộc phải sáp nhập bởi có số hộ gia đình dưới 50% quy mô số hộ gia đình quy định. Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện, địa phương đã vấp phải sự phản đối khá gay gắt của người dân.
Đồng chí Hà Cương Quyết, Phó Chủ tịch UBND xã Thái Hòa cho biết: Đặc thù thôn Móng Cầu đa phần là công nhân Xí nghiệp thủy lợi Móng Cầu lên làm việc và định cư nên lối sống, cách sinh hoạt khác hẳn so với các thôn khác. Vì thế, lúc đầu người dân lo ngại việc sáp nhập sẽ ảnh hưởng đến một số quyền lợi cũng như những phong tục, tập quán riêng của mình nên không chấp thuận. Tuy nhiên, sau khi tuyên truyền, vận động, hiểu được cần thiết phải thay đổi để tránh cồng kềnh cho bộ máy nhà nước, kinh phí tiết kiệm sẽ đầu tư cho chính địa phương nên đa phần người dân đã đồng tình, ủng hộ.
Để cán bộ và nhân dân trong tỉnh đồng thuận, Thường trực Đảng ủy tại các địa phương đã xác định phải tìm ra giải pháp giải quyết thỏa đáng những vấn đề phát sinh mà nhân dân đưa ra. Các tổ chức đoàn thể, các chi bộ làm tốt công tác tuyên truyền đến các hộ, nhóm hộ, đoàn thể về chủ trương, lợi ích của việc sáp nhập. Với cách làm này, từ chỗ vấp phải nhiều ý kiến trái chiều, đến khi bắt tay vào thực hiện, 100% cán bộ, người dân đều nhất trí đồng thuận với việc sáp nhập các thôn trên địa bàn./.
Đức Tiến