Thứ Sáu, 22/11/2024
“Dân vận khéo” làm thay đổi tư duy của người dân trong phát triển kinh tế ở Sông Lô

Thay đổi tư duy, nhận thức của người dân

Gần 10 năm về trước, Bạch Lưu được nhắc đến là xã miền núi khó khăn của huyện Sông Lô. Tỷ lệ hộ nghèo của xã cao, đời sống của người dân lạc hậu. Với mong muốn đem lại cho người dân một cuộc sống no đủ, góp phần làm thay đổi diện mạo địa phương, Đảng ủy, chính quyền xã Bạch Lưu chỉ đạo đẩy mạnh phong trào xây dựng mô hình “dân vận khéo” ở tất cả các lĩnh vực, trọng tâm là phát triển kinh tế.

Để mô hình “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế được nhân rộng, tạo sự lan tỏa sâu rộng, cấp ủy, chính quyền huyện Sông Lô tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện tốt các chủ trương, chính sách phát triển KT – XH của huyện.


 Gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu (Sông Lô) đầu tư xây dựng chuồng ấp nở trứng rắn với quy mô vài nghìn con

Huyện ủy chỉ đạo đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đổi mới nội dung tuyên truyền, vận động theo hướng gần dân, sát dân, lắng nghe, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, từ đó kịp thời tham mưu cho cấp ủy, chính quyền xây dựng mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực phát triển kinh tế phù hợp điều kiện thực tiễn ở địa phương.

Đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Bạch Lưu - La Trường Giang cho biết: Thông qua công tác tuyên truyền, vận động giúp người dân thay đổi thói quen sản xuất cũ. Nhiều người dân chuyển đổi từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang tập trung phát triển kinh tế vườn đồi, phát triển nông – lâm nghiệp quy mô hơn, kết hợp đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào sản xuất.

Những mô hình điển hình làm thay đổi diện mạo vùng quê

Đến nay, toàn huyện Sông Lô xây dựng được 99 mô hình “Dân vận khéo” trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Điển hình như các mô hình: Trồng cây ổi ở xã Đôn Nhân; thanh long ruột đỏ của 20 hộ dân thôn Cầu Gạo, xã Tân Lập; nuôi nhím, rắn ở xã Bạch Lưu; vận động nhân dân xuất khẩu lao động của xã Hải Lựu; phát triển làng nghề truyền thống mây, tre đan ở xã Cao Phong...

Đồng chí Nguyễn Bằng, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Sông Lô cho biết: "Nhờ xây dựng những mô hình, điển hình dân vận khéo trong lĩnh vực phát triển kinh tế, nhiều địa phương của Sông Lô đã bứt phá vươn lên, thay đổi diện mạo nhanh chóng".

Điển hình như xã Lãng Công, với địa hình đồi núi chia cắt nên đất ruộng, đất màu không nhiều, vì thế trước đây, cứ đến “tháng giáp hạt” nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh thiếu ăn. Trước tình hình trên, Đảng ủy, UBND xã Lãng Công chỉ đạo thành lập các tổ dân vận, xây dựng mô hình, điển hình dân vận trong phát triển sản xuất, kinh doanh, vận động người dân tham gia xuất khẩu lao động tại các thôn. Nòng cốt của các tổ dân vận là những già làng, người có uy tín trong cộng đồng, họ đã nỗ lực góp phần làm thay đổi tư duy, nhận thức của bà con trong xã.

Ngoài phát triển các mô hình kinh tế đồi rừng, đến nay, xã Lãng Công có hàng trăm hộ dân phát triển kinh doanh thương mại, dịch vụ, hơn 40 hộ gia đình có người đi xuất khẩu lao động. Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, tỉ lệ hộ nghèo giảm đáng kể.

Hay như xã Bạch Lưu rất thành công trong việc khuyến khích, hỗ trợ các hộ dân nhân rộng mô hình nuôi rắn. Đến nay, Bạch Lưu xây dựng hiệu quả mô hình nuôi rắn, thu hút hàng trăm hội viên nông dân đăng ký tham gia.

Ông Trần Văn Minh, hội viên nông dân thôn Xóm Làng, xã Bạch Lưu chia sẻ: Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong phát triển kinh tế ở địa phương, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi từ trồng lúa sang mô hình nuôi rắn. Với hơn 1.200 con rắn hổ mang, năm 2019, gia đình ông thu gần 500 triệu đồng từ bán trứng rắn, thịt rắn thương phẩm.

Không chỉ gia đình ông Minh, nhiều hộ dân xã Bạch Lưu sau khi được các tổ chức đoàn thể tuyên truyền, vận động đã tích cực chuyển đổi hướng phát triển kinh tế gia đình hiệu quả.

Thời gian tới, Ban Dân vận Huyện ủy Sông Lô tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức triển khai thi đua “Dân vận khéo” trong lĩnh vực kinh tế gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; thường xuyên kiểm tra, đánh giá chất lượng mô hình dân vận khéo trong lĩnh vực phát triển kinh tế để nhân rộng tại các địa phương.

(baovinhphuc.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi