Thứ Sáu, 22/11/2024
Khởi sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Thay đổi toàn diện

Tỉnh Vĩnh Phúc hiện có hơn 30 dân tộc cùng sinh sống, trong đó, đồng bào DTTS chiếm 4,7% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung ở khu vực ven dãy núi Tam Đảo và núi Sáng của 5 huyện, thành phố gồm: Tam Đảo, Lập Thạch, Sông Lô, Bình Xuyên, Phúc Yên.

Đến nay, tỉnh không còn xã đặc biệt khó khăn, 37/40 xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội tại các xã từng bước được hoàn thiện, đồng bộ; tốc độ tăng trưởng kinh tế giữ mức ổn định; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng; thu nhập bình quân trên đầu người tại các xã vùng DTTS và miền núi của tỉnh đạt 37,2 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 5,7%; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có những bước tiến đáng kể; an sinh xã hội cơ bản được đảm bảo; tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững…

Tại xã Lãng Công (Sông Lô), cảm nhận thấy rõ rệt sự đổi mới của một vùng đất khó. Từ một địa phương thuần nông, đất đồi rừng chiếm hơn 60% tổng diện tích, cơ sở hạ tầng thiếu đồng bộ, đến nay, Lãng Công đã trở thành một trong những địa phương phát triển nhất của huyện Sông Lô.


 Đường giao thông nông thôn xã Đại Đình, huyện Tam Đảo được bê tông hóa theo tiêu chuẩn NTM

Đồng chí Lê Hồng Công, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Xã Lãng Công có hơn 8.000 nhân khẩu, trong đó có 11,2% dân số là đồng bào dân tộc Dao. Những năm qua, các chính sách đặc thù cho vùng DTTS và miền núi được triển khai đã đem lại nguồn lực to lớn, giúp xã hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Theo đó, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từng bước được đồng tư đồng bộ, tạo điều kiện để nhân dân các dân tộc trên địa bàn xã phát triển sản xuất, kinh doanh, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng ngành thương mại - dịch vụ.

Tận dụng thế mạnh có 1.200ha đồi rừng, Đảng ủy, chính quyền xã đã tuyên truyền, khuyến khích người dân phát triển kinh tế vườn đồi, phát triển nông - lâm kết hợp, đưa những loại cây có giá trị kinh tế cao vào trồng. Trong sản xuất nông nghiệp, xã chủ trương dồn thửa, đổi ruộng, vận động nhân dân tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm tăng năng suất, chất lượng…

Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã giảm xuống còn 2,6%, thu nhập bình quân đầu người tăng từ 15 triệu đồng (2011) lên 33 triệu đồng (2019); tỷ lệ gia đình văn hóa hàng năm đạt trên 87%; chất lượng giáo dục các cấp luôn nằm trong tốp đầu của huyện….

Với sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, đồng bào DTTS tại nhiều địa phương đã thay đổi cách nghĩ, cách làm, đẩy mạnh phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.

Đồng chí Trần Quốc Bình, quyền Chủ tịch UBND xã Đại Đình (Tam Đảo) cho biết: “Đại đình là nơi có nhiều công trình văn hóa tâm linh tiêu biểu của tỉnh, tận dụng thế mạnh địa phương, nhiều bà con đồng bào DTTS đã mạnh dạn đầu tư phát triển thương mại - dịch vụ, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế và nâng cao thu nhập. Trong sản xuất nông nghiệp, bà con đã áp dụng KHKT, chuyển đổi cơ cấy cây trồng, vật nuôi, phát triển các vùng trồng cây dược liệu... Đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã đạt 42 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 3,2%”.

Từ những chính sách quan tâm của tỉnh

Giai đoạn 2014 - 2019, tỉnh đã đầu tư 10,8 tỷ đồng thực hiện các dự án thuộc Chương trình 135 gồm: Hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng; hỗ trợ phát triển sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ cơ sở và cộng đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh quan tâm triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ DTTS nghèo và hộ nghèo ở khu vực đặc biệt khó khăn; thực hiện chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào DTTS...

Theo đó, đã có 4 công trình cấp nước sạch sinh hoạt tập trung tại vùng đồng bào DTTS được bàn giao và đưa vào sử dụng; 413 hộ DTTS nghèo được hỗ trợ cải tạo nguồn nước, mua vật dụng phục vụ nước sinh hoạt với kinh phí hơn 530 triệu đồng; 409 hộ DTTS được hỗ trợ kinh phí từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để phát triển sản xuất; gần 10.000 lượt hộ nghèo được hỗ trợ tư liệu sản xuất...

Nhằm tạo điều kiện để bà con vùng DTTS và miền núi được tiếp cận với các dịch vụ y tế, chăm sóc sức khỏe, trong 5 năm qua, tỉnh đã cấp miễn phí gần 350.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người DTTS sinh sống ở vùng khó khăn, người nghèo ở vùng dân tộc và miền núi của tỉnh với tổng kinh phí hơn 200 tỷ đồng; tổ chức khám chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho hơn 100.000 lượt người.

Hệ thống các thiết chế văn hóa, thể thao vùng DTTS và miền núi được quan tâm đầu tư; các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS được quan tâm gìn giữ, khôi phục, góp phần xây dựng đời sống văn hóa cơ sở.

Cùng với việc đầu tư cơ sở vật chất cho các trường học, những chính sách về hỗ trợ kinh phí học tập cho học sinh người đồng bào DTTS và khu vực miền núi; tuyên dương giáo viên, học sinh tiêu biểu là người DTTS... tiếp tục được tỉnh quan tâm thực hiện, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đạo tạo, cũng như nguồn nhân lực vùng đồng bào DTTS.

Hướng tới sự phát triển bền vững vùng DTTS và miền núi, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung nguồn lực đẩy mạnh phát triển hạ tầng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; huy động và lồng ghép các nguồn lực để thực hiện tốt các chính sách đặc thù, các chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, nhất là ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo còn cao; xây dựng cơ chế, chính sách ưu tiên các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư phát triển kinh tế - xã hội ở địa bàn dân tộc; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vùng DTTS và miền núi; làm tốt công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, đãi ngộ cán bộ là người DTTS…

Hoàng Trang

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi