Thứ Bảy, 20/4/2024
Vĩnh Phúc- vóc dáng tỉnh công nghiệp

Thực hiện quan điểm xuyên suốt, quy hoạch đầu tư xây dựng hạ tầng phải đi trước một bước; tập trung phát triển mạnh công nghiệp để công nghiệp là nền tảng, động lực của nền kinh tế và tăng thu ngân sách; phát triển các ngành dịch vụ, vừa làm đòn bẩy kinh tế, vừa tạo sức tăng trưởng, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển nông nghiệp, nông thôn và nâng cao đời sống nông dân là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, cùng với sự đồng lòng, chung sức của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc và sự bứt phá của cộng đồng doanh nghiệp sau 22 năm tái lập, Vĩnh Phúc đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đáng tự hào. Từ một địa phương thuần nông trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp (mô hình cơ cấu kinh tế của tỉnh hiện nay là công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp).


 Vĩnh Phúc là trung tâm sản xuất ô tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

Kinh tế của tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ, giai đoạn hiện nay, tăng trưởng bình quân đạt hơn 15%, cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước. Thu ngân sách nhà nước tăng nhanh, từ một tỉnh phụ thuộc vào ngân sách Trung ương, đến năm 2004,Vĩnh Phúc tự cân đối được và có điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009, thu ngân sách vượt mốc 10 nghìn tỷ đồng; năm 2014, vượt mốc 20 nghìn tỷ đồng; năm 2016, đạt mốc 30 nghìn tỷ đồng. Những năm gần đây, dù tình hình kinh tế còn khó khăn nhưng tổng thu ngân sách hàng năm của tỉnh đạt hơn 33 nghìn tỷ đồng; 6 tháng đầu năm 2019, đạt gần 16 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh những thành tựu nổi bật về tăng trưởng kinh tế, sau 22 năm tái lập, các lĩnh vực văn hóa, xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ. Giáo dục, đào tạo có những bước phát triển tích cực, chất lượng, nhiều học sinh của tỉnh đạt giải cao trong các kỳ thi quốc gia, quốc tế. Chất lượng khám chữa bệnh không ngừng được cải thiện, nâng cao. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, quan tâm thường xuyên…từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn.

Những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế, xã hội chính là những việc làm thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh dâng lên Bác Hồ kính yêu nhân Kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Người (1969 - 2019) và khắc ghi lời căn dặn khi Người về thăm tỉnh.

Đạt được những kết quả đáng tự hào trên, tỉnh có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về thu hút đầu tư. Tỉnh ban hành nhiều chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư, cải cách thủ tục hành chính; dành nhiều nguồn lực để quy hoạch, đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng tại các khu, cụm công nghiệp, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn... Từ chỗ chỉ có một khu công nghiệp với quy mô 50 ha, đến nay, tỉnh đã quy hoạch 18 khu công nghiệp, được Thủ tướng Chính phủ đưa vào danh mục phát triển khu công nghiệp của cả nước đến năm 2020 với tổng diện tích hơn 5.200 ha.

Với phương châm, tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp cũng là thành công của tỉnh, các cấp chính quyền, ngành chức năng luôn đồng hành, chia sẻ, tháo gỡ khó khăn cùng doanh nghiệp để các dự án đầu tư triển khai thuận lợi.

Toàn tỉnh hiện có hơn 10.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 93 nghìn tỷ đồng, trong đó có hàng trăm doanh nghiệp của gần 20 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Nhiều doanh nghiệp lớn vào đầu tư và sản xuất ra những sản phẩm chủ lực, đóng góp lớn cho ngân sách, gia tăng giá trị xuất khẩu cho tỉnh như: Toyota, Honda, Piaggio, Deawoo bus, Prime... đồng thời tạo việc làm cho hàng chục nghìn lao động địa phương.

Trong phát triển nông nghiệp, nông thôn, tỉnh đã ban hành Nghị quyết 10/NQ-TU về chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp giai đoạn 2001 - 2005 và Nghị quyết 03/NQ-TU về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006 - 2010, định hướng đến năm 2020. Với nhiều cơ chế, chính sách và cách làm hay, hiệu quả, tạo sự bứt phá trong sản xuất nông nghiệp. Thực tế, nhiều vùng sản xuất hàng hóa, chăn nuôi tập trung được hình thành; các mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị xuất hiện khai thác giá trị kinh tế các sản phẩm có tính đặc thù của từng địa phương, góp phần nâng cao giá trị gia tăng trên một đơn vị diện tích canh tác.

Thành công trong phát triển nông nghiệp, nông thôn không chỉ đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi lao động nông thôn mà còn tạo thuận lợi trong việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới. Tính đến hết tháng 6/2019, toàn tỉnh có 104/112 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, 3/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, mang lại diện mạo mới cho nông thôn của tỉnh.

Những thành quả đạt được sau 22 năm tái lập tỉnh là nền móng vững chắc để tỉnh tiếp tục giành thêm nhiều thành tựu to lớn hơn nữa trên tất cả các lĩnh vực phát triển kinh tế, đời sống xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, tạo thế và lực mới cho giai đoạn phát triển tiếp theo. Phấn đấu đến năm 2020, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp, trở thành một trong những trung tâm công nghiệp, du lịch của vùng và cả nước, trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ XXI.

Phạm Vấn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất