Thứ Ba, 10/9/2024
Vĩnh Phúc tận dụng tiềm năng đưa du lịch trở thành thế mạnh phát triển kinh tế

Tỉnh Vĩnh Phúc có 4 loại địa hình thuận lợi cho phát triển du lịch là: Núi, đồi, đồng bằng và sông hồ, tạo ra một lượng tài nguyên du lịch vô cùng phong phú mà nhiều tỉnh không có. Nhiều năm qua, tỉnh đã sớm khai thác thế mạnh này, đặc biệt nổi bật lên các địa danh du lịch điểm hấp dẫn với cả du khách trong và ngoài nước như Tam Đảo, Tây Thiên, Đại Lải, Đầm Vạc, sông Hồng, Sông Lô…

Riêng Quý I năm 2019, tỉnh đã tiếp nhận khoảng 1,7 triệu lượt khách du lịch. Theo dự tính, con số này sẽ đạt khoảng 6 triệu lượt trong năm 2019, trong đó có 43.500 lượt khách quốc tế, đem lại tổng doanh thu khoảng 1.910 tỉ đồng.


 Thị trấn Tam Đảo - một trong những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Phúc

Nhằm khai thác tốt các thế mạnh, tiềm năng du lịch của tỉnh, Tỉnh ủy Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy về phát triển dịch vụ, du lịch giai đoạn 2011 - 2020, với mục tiêu tạo bước đột phá về phát triển các ngành dịch vụ, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, ưu tiên phát triển các ngành Dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao.

Trên tinh thần nghị quyết 01, nhiều chính sách, cơ chế, đề án của các ngành để phát triển du lịch được ban hành. Vĩnh Phúc đã ban hành 21 cơ chế chính sách, đề án của các ngành để thúc đẩy phát triển dịch vụ, du lịch. Công tác quy hoạch được chú trọng, hoàn thành và phê duyệt 58 quy hoạch; triển khai lập 194 đồ án quy hoạch...

Trong đó, có nhiều đồ án lớn như: Quy hoạch vùng tỉnh, quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch phân khu theo quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, quy hoạch phân khu các khu chức năng hành lang kinh tế, quy hoạch khu du lịch Tam Đảo, quy hoạch chung xây dựng phát triển du lịch, dịch vụ khu vực chân núi Tam Đảo… làm cơ sở cho công tác thu hút các nguồn lực đầu tư vào phát triển du lịch, dịch vụ. Cùng với đó, hệ thống các cơ sở lưu trú, dịch vụ du lịch cũng từng bước được đầu tư, nâng cấp cả về số lượng và chất lượng.

Hiện nay, trong giai đoạn phát triển mới, Vĩnh Phúc đang tập trung phát triển du lịch theo ba hướng chính: Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch sinh thái rừng; du lịch văn hoá, lịch sử, thắng cảnh, làng quê, làng nghề; du lịch công vụ mua sắm, hội nghị, hội thảo.

Tuy nhiên, thực tế ở Vĩnh Phúc mới chỉ có loại hình du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần và du lịch lễ hội thu hút được nhiều du khách. Quá trình tìm hướng đi trong phát triển du lịch còn gặp không ít khó khăn. Việc không có sản phẩm du lịch, quà lưu niệm đặc trưng, không chỉ làm cho địa phương mất đi nguồn thu không nhỏ mà còn bỏ lỡ cơ hội quảng bá hình ảnh Vĩnh Phúc thông qua chính đồ lưu niệm.

Thống kê chưa đầy đủ cho thấy, trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc có 19 làng nghề truyền thống được công nhận với đa dạng các ngành nghề từ mây tre đan, gốm, chạm khắc đá, mộc…, một số làng nghề nổi tiếng, sản phẩm được nhiều khách hàng ưa chuộng như Mây tre đan Triệu Đề (huyện Lập Thạch), gốm Hương Canh (thị trấn Bình Xuyên), mật ong, ba kích (Tam Đảo), các sản phẩm từ rắn của Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), cá thính Lập Thạch… Các làng nghề truyền thống đã tạo ra nhiều loại sản phẩm thủ công độc đáo nhưng vẫn chưa có chỗ đứng tại các điểm du lịch.

Từ thực trạng trên, để tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ cho du lịch, góp phần phát triển kinh tế và cải thiện đời sống của nhân dân, lãnh đạo các cấp ở Vĩnh Phúc đã quan tâm đầu tư phát triển toàn diện lĩnh vực này với những giải pháp đồng bộ. Như mạng lưới giao thông kết nối các khu du lịch đã được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì, sửa chữa nhằm hạn chế các sự cố và tình trạng tắc nghẽn vào mùa cao điểm; Hệ thống điện chiếu sáng, cấp thoát nước, mạng internet cũng được lắp đặt, phủ sóng ở các khu vực miền núi để đảm bảo chất lượng dịch vụ, đáp ứng nhu cầu của du khách.

Tỉnh cũng đã khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư, phát triển khu, điểm du lịch của tỉnh; hỗ trợ phát triển du lịch cộng đồng; có cơ chế hỗ trợ các cơ sở sản xuất sản phẩm, sản vật đặc trưng của tỉnh, quà tặng lưu niệm. Đồng thời, tăng cường liên doanh, liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành hoạt động theo chuỗi sản phẩm ở trong và ngoài tỉnh, xây dựng các tour du lịch có sức thu hút, hấp dẫn khách du lịch đến Vĩnh Phúc; khuyến khích các cơ sở, đơn vị kinh doanh du lịch tăng cường đào tạo và thu hút nguồn nhân lực du lịch chất lượng, góp phần đưa du lịch Vĩnh Phúc ngày càng phát triển bền vững.

Ngoài ra, tỉnh đã lựa chọn các đơn vị uy tín để tư vấn, thiết kế, thi công nhằm phát triển, hoàn thiện cơ sở vật chất ở các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Tam Đảo, Đại Lải, Tây Thiên… Hệ thống khách sạn, nhà nghỉ trên địa bàn tỉnh cũng tăng trưởng mạnh về số lượng. Tính đến tháng 3/2019, Vĩnh Phúc có 377 cơ sở lưu trú với trên 6000 phòng, trong đó có 2 khách sạn 5 sao (khu nghỉ dưỡng FLC Vĩnh Thịnh và khu nghỉ dưỡng Đại Lải Flamingo) và 306 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn quốc gia.

Việc đẩy mạnh phát triển du lịch không chỉ giúp Vĩnh Phúc khai thác tốt tiềm năng của địa phương mà còn tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho hàng nghìn người lao động trực tiếp và gián tiếp trong lĩnh vực này, đóng góp vào sự phát triển kinh tế chung của toàn tỉnh.

Vĩnh Phúc kì vọng đến năm 2020, các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh sẽ chào đón khoảng 50.000 lượt khách quốc tế và 6,5 triệu khách nội địa; năm 2030 thu hút 150.000 lượt khách quốc tế và 15,6 triệu lượt khách nội địa./.

Hoàng Phong

 

 

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất