Sáng 27/9, UBND tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2010- 2020.
|
Đồng chí Nguyễn Văn Trì trao Cờ thi đua cho 5 tập thể có thành tích xuất sắc trong xây dựng NTM |
Đến dự, có các đồng chí: Phạm Huy Giang, Ủy viên Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, Phó Trưởng Ban Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương; Trần Văn Vinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc; Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo báo cáo tại Hội nghị: Để thực hiện chương trình đạt được những kết quả tích cực, giai đoạn 2010-2020 tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng, các địa phương trong tỉnh đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với các nội dung hình thức phong phú, đa dạng... để tạo phong trào thi đua sôi nổi, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của đông đảo của người dân. Trong 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, tỉnh Vĩnh Phúc đã huy động tổng nguồn lực để đầu tư với số tiền là gần 12.897 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương của tỉnh gần 7.846 tỷ đồng, chiếm gần 61%; phần còn lại do ngân sách Trung ương là 0,78%, nguồn tín dụng là 25,5%, vốn của người dân và cộng đồng, vốn lồng ghép... Người dân trên địa bàn tỉnh còn đóng góp hàng chục ngày công lao động để xây dựng đường làng, ngõ xóm, nhà văn hóa...
Nhờ tập trung các nguồn lực to lớn cùng với sự ủng hộ nhiệt tình của đông đảo người dân, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở Vĩnh Phúc đã đạt được những kết quả tích cực. Đến hết năm 2015, Vĩnh Phúc đã có 68/112 xã đạt chuẩn NTM, đạt 60,7%. Đến tháng 9/2019, Vĩnh Phúc có 109/112 xã đạt chuẩn NTM. Tỉnh Vĩnh Phúc phấn đấu đến hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn NTM. Trong 10 năm thực hiện Chương trình, toàn tỉnh đã cứng hóa được 528km đường từ trung tâm xã đến đường huyện; 724km đường trục thôn ngõ xóm; 716km trục chính nội đồng được cứng hóa. Toàn tỉnh có 100% kênh mương loại I, loại II được kiên cố hóa; trên 300 công trình đầu mối, trạm bơm, hồ đập được đầu tư, cải tạo, nâng cấp. Hệ thống lưới điện nông thôn được hoàn thiện, đáp ứng nhu cầu sản xuất và sinh hoạt của người dân. Toàn tỉnh đã xây mới thêm 2.035 phòng học kiên cố; 109/112 xã đã có trung tâm văn hóa, thể thao xã đạt chuẩn. Vĩnh Phúc đã có 65/66 chợ trong quy hoạch được hoàn thành và đưa vào sử dụng...
Cơ sở hạ tầng nông thôn phát triển toàn diện đã tạo đà cho người dân tỉnh Vĩnh Phúc sản xuất, đặc biệt là áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp khá phổ biến. Điều này góp phần giải phóng sức lao động người dân nông thôn, tăng năng suất lao động trong nông nghiệp, giúp người dân hình thành các vùng sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung. Thúc đẩy phát triển kinh tế nông nghiệp, sản xuất hàng hóa an toàn, chất lượng, đảm bảo nhu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng ngày càng cao.
Tham luận tại hội nghị, các đại biểu tập trung làm rõ kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc; chia sẻ bài học kinh nghiệm cũng như những cách làm hay của địa phương trong tuyên truyền, vận động nhân dân, huy động nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, thống nhất cao với các mục tiêu, giải pháp trọng tâm trong thời gian tới: Phấn đấu đến năm 2020, có 9/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; 18 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 2 xã đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu, 26 thôn dân cư đạt chuẩn thôn dân cư nông thôn kiểu mẫu. Đến hết năm 2025, toàn tỉnh có 1 huyện đạt chuẩn huyện nông thôn mới kiểu mẫu, 50% số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Trì, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tăng cường kiểm tra, giám sát trong quá trình triển khai thực hiện. Tập trung nghiên cức và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nông nghiệp để đạt hiệu quả kinh tế cao hơn. Tiếp tục huy động và sử dụng các nguồn lực đầu tư cho chương trình NTM hiệu quả và duy trì, giữ vững các tiêu chí, đặc biệt là hướng tới xây dựng NTM kiểu mẫu. Đẩy mạnh thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với xây dựng NTM để tạo bước đột phá trong phát triển sản xuất nông nghiệp nông thôn; đổi mới hình thức sản xuất cho phù hợp với xu thế hội nhập; nâng cao giá trị và sự cạnh tranh của sản phẩm hàng hóa nông nghiệp, tiếp tục nâng cao đời sống khu vực nông thôn... Phát triển các sản phẩm thế mạnh của từng địa phương, xây dựng thương hiệu, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm...
Tại Hội nghị, có 5 tập thể được UBND tỉnh tặng Cờ thi đua xuất sắc; 47 tập thể, cá nhân nhận Bằng khen của UBND tỉnh.
Huy Phượng