Thứ Sáu, 13/9/2024
Phát huy dân chủ, tạo niềm tin trong nhân dân

 Quang cảnh buổi đối thoại|

Cùng dự buổi đối thoại có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành, huyện, thành phố và 135 đại biểu đại diện các tầng lớp nhân dân trong tỉnh.

Tạo buổi đối thoại, thông tin nhanh về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết: Tình hình kinh tế - xã hội của Vĩnh Phúc năm 2019 tiếp tục phát triển tích cực ở hầu hết các lĩnh vực với 13/13 chỉ tiêu kinh tế - xã hội, môi trường đạt và vượt kế hoạch; tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng 8,05%; thu hút đầu tư tăng cao, trong đó, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI tăng 27,2%, vốn đầu tư trong nước DDI tăng 154,2% so với năm 2018; thu ngân sách Nhà nước đạt trên 32.000 tỷ đồng; 100% các xã trên địa bàn tỉnh hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm.

Thông tin khái quát tình hình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019, định hướng nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì cho biết: Kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2019 tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt hơn 8%, vượt mục tiêu đề ra. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, thu hút đầu tư tăng 27% so với kế hoạch, cao nhất từ trước đến nay. Các lĩnh vực văn hóa - xã hội được quan tâm đầu tư; an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội bảo đảm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế, yếu kém như: Tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách chưa thực sự bền vững; cải cách hành chính chưa đáp ứng nhu cầu phát triển; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều vướng mắc; tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư nhiều dự án còn chậm. Tình trạng thiếu giáo viên, chất lượng nguồn nhân lực y tế không đồng đều; tình trạng khiếu kiện có biểu hiện gia tăng, hiệu quả giải quyết chưa cao; hoạt động các loại tội phạm cơ bản được kiềm chế song vẫn tiềm ẩn phức tạp, chất lượng tăng trưởng và sức cạnh tranh các sản phẩm thấp; cơ cấu ngành lĩnh vực, các thành phần kinh tế phát triển chưa đồng đều; phát triển du lịch chưa tương xứng với tiềm năng…

Năm 2020, Vĩnh Phúc sẽ tập trung cao độ phấn đấu hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 2020. Thực hiện đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng; khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nhiều ngày lễ lớn của đất nước, của tỉnh và cũng là năm cuối thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2015 – 2020. UBND tỉnh đã đặt ra mục tiêu trọng tâm là: Khai thác, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Cùng với phát triển kinh tế, tập trung phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Phấn đấu GRDP tăng 8-8,5%; tổng thu ngân sách đạt 33.500 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 29.350 tỷ đồng. Đồng thời, thu hút 550 triệu USD vốn FDI, 5.500 tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI; giải quyết việc làm mới cho 22.000 lao động, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1%. Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện một số dự án du lịch trọng điểm; đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp, nông thôn. Tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên môi trường; bảo đảm an sinh xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Đẩy mạnh việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế; tăng cường bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội…

Sau khi nghe báo cáo của UBND tỉnh, đại diện nhân dân các huyện, thành phố đã đặt hơn 20 câu hỏi đối với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền của tỉnh liên quan đến các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường; giao thông vận tải; nông nghiệp và phát triển nông thôn; lao động, thương binh và xã hội; nội vụ; công tác xây dựng Đảng. Trong đó, có nhiều vấn đề bức xúc đang đặt ra ở cơ sở đòi hỏi sớm được giải quyết như: Tình trạng các bãi rác tại nhiều địa phương đang bị quá tải, kinh phí hạn hẹp không đủ để xử lý, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng cần đầu tư xây dựng nhà máy rác thải để đảm bảo công tác vệ sinh môi trường; việc các doanh nghiệp sau khi hết hạn khai thác khoáng sản không thực hiện nội dung đóng cửa mỏ để bàn giao đất cho địa phương quản lý; tuyến đường QL2 chạy qua huyện Vĩnh Tường hẹp, lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông; một số khu công nghiệp chậm đầu tư xây dựng…

Tiếp thu những ý kiến và trả lời những câu hỏi của nhân dân, tại buổi đối thoại, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trực tiếp giải đáp câu hỏi của đại diện nhân dân theo các nhóm vấn đề, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Trì nhấn mạnh, đây là những vấn đề tỉnh rất quan tâm và đang chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với địa phương, đơn vị liên quan giải quyết trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, có những vấn đề chưa thể giải quyết ngay được mà cần có lộ trình cụ thể theo đúng quy định pháp luật và thực tiễn của địa phương.

Trả lời câu hỏi của cử tri về việc thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng trên địa bàn trong những năm qua, đồng chí Hoàng Thị Thúy Lan cho biết: Trong những năm qua, tỉnh đã thực hiện rất nhiều biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo nhằm ngăn chặn tình trạng tham nhũng. Theo chủ trương của Trung ương, Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện các cuộc thanh, kiểm tra; rà soát các kết luận thanh tra, kiểm toán để có giải pháp khắc phục triệt để những sai phạm. Hằng năm, Tỉnh ủy đều giao cho Ban Nội chính Tỉnh ủy tiến hành rà soát, thống kê những kết luận của các bộ, ngành Trung ương để kiểm điểm, khắc phục. Bên cạnh đó, Vĩnh Phúc cũng rất quyết liệt trong việc thanh, kiểm tra vi phạm. Năm 2019 các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh đã tiến hành 223 cuộc thanh kiểm tra, phát hiện, xử lý hơn 900 cá nhân, tổ chức vi phạm… Nhờ đó, công tác chống tham nhũng tại tỉnh đã đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt, quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của tỉnh là sẽ không có vùng cấm trong xử lý vi phạm, nhất là hành vi tham nhũng. Tất cả các tập thể, cá nhân để xảy ra sai phạm sẽ được đưa ra xử lý nghiêm theo đúng quy định.

Tại buổi đối thoại, Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan cũng làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến công tác xây dựng Đảng, nhất là những khó khăn trong phát triển đảng viên ở cơ sở. Đồng chí khẳng định sự sống còn của Đảng phụ thuộc vào công tác phát triển đảng viên, vì vậy, MTTQ và các tổ chức đoàn thể, chính trị xã hội cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động gắn với làm tốt công tác quản lý đảng viên, đổi mới, nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt chi bộ, từ đó, tạo niềm tin của quần chúng nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Tại hội nghị, các vấn đề nêu ra của cử tri đã được lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh trả lời và giải đáp. Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Thị Thúy Lan ghi nhận, đánh giá cao những ý kiến tham gia góp ý tại buổi đối thoại, đồng thời phân tích thêm những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, nhất là những tồn tại, hạn chế. Đồng chí mong muốn sau hội nghị này, các địa phương sẽ tổ chức các cuộc đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến, kiến nghị của nhân dân và kịp thời giải quyết. Theo đó, UBND tỉnh, cần tập trung rà soát các ý kiến, kiến nghị của nhân dân, đặc biệt là các ý kiến, kiến nghị còn tồn đọng lâu dài chưa được giải quyết như: Đất dịch vụ, giải phóng mặt bằng, triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh… Quyết liệt chỉ đạo cải cách hành chính, có cơ chế cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời đến các tầng lớp nhân dân. MTTQ tỉnh và các đoàn thể cần tiếp tục phát huy tốt vai trò vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước và của địa phương.

Đồng chí mong các tầng lớp nhân dân trong tỉnh tiếp tục đồng thuận, chấp hành nghiêm những chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tập trung phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng trên cơ sở phát huy vai trò, trách nhiệm của mỗi thành viên trong gia đình; khơi dậy và giữ gìn truyền thống đạo lý gia đình, tình làng nghĩa xóm; tích cực tham gia phong trào bảo vệ an ninh tổ quốc, có trách nhiệm chung với cộng đồng. MTTQ các tổ chức chính trị - xã hội chủ động hướng về cơ sở, lắng nghe tâm tư nguyện vọng, ý kiến của nhân dân; tuyên truyền, vận động, giải thích để người dân hiểu đúng, tạo sự đồng thuận với những chủ trương phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, tích cực tham gia góp ý cho Đảng, chính quyền để giám sát đối với hoạt động của cơ quan Nhà nước và việc chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng trong sạch, vững mạnh./.

PH

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất