Thứ Năm, 26/12/2024
Vĩnh Phúc – điểm đến của các nhà đầu tư Hoa Kỳ, châu Âu

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đặt ra 19 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, trong đó có mục tiêu thu hút mới 1,3-1,5 tỷ USD vốn đầu tư các dự án FDI và 14.000-15.000 tỷ đồng vốn đăng ký từ các dự án DDI. Để thực hiện thắng lợi mục tiêu này, những năm qua, nhất là trong năm nay – năm cuối cùng thực hiện Nghị quyết Đại hội, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế, thu hút các dự án công nghiệp bằng các chương trình, đề án cụ thể. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng tiết giảm về thủ tục, thời gian giải quyết các thủ tục; vận hành tốt Trung tâm hành chính công tỉnh, huyện, bộ phận một cửa, một cửa liên thông. Cùng với đó, ưu tiên nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cải thiện môi trường đầu tư, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp phát triển theo phương châm “Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc”.

 


 

 

Trong hoạt động xúc tiến đầu tư, Vĩnh Phúc đã tổ chức nhiều buổi làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường đầu tư và các nhà đầu tư đang thực hiện dự án tại tỉnh để nắm bắt các thông tin nhu cầu đầu tư, từ đó xác định rõ các thị trường tiềm năng và nhà đầu tư mục tiêu để triển khai các hoạt động xúc tiến, tiếp cận là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan và từng bước hướng tới các thị trường có thế mạnh về vốn, công nghệ cao như Australia, New Zealand, Italia, Cộng hòa liên bang Đức, Hoa Kỳ...

Trên cơ sở xác định rõ các thị trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan chuyên môn thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung cơ sở dữ liệu phục vụ hoạt động xúc tiến đầu tư gồm: Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội; quy hoạch ngành, lĩnh vực; tiềm năng thế mạnh, chính sách ưu đãi, các dự án tỉnh kêu gọi đầu tư trên các phương tiện thông tin đại chúng; xây dựng và thiết kế mới bộ tài liệu xúc tiến đầu tư bằng 5 ngôn ngữ: Việt, Anh, Nhật, Hàn, Trung. Đồng thời, phê duyệt danh mục 75 dự án kêu gọi đầu tư theo hình thức đầu tư trực tiếp hoặc đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, du lịch - dịch vụ, nông nghiệp công nghệ cao.

Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức thành công 3 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại thị trường các nước: Nhật Bản, Hà Quốc, Hà Lan, Cộng hòa Liên Bang Đức, Séc và Hoa Kỳ. Tại các nước, Đoàn công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh đã phối hợp với chính quyền các địa phương, các doanh nghiệp tổ chức 6 hội thảo xúc tiến đầu tư, thu hút sự tham gia của gần 500 nhà đầu tư và gần 100 tổ chức, doanh nghiệp. Sự đổi mới trong công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư; công tác xây dựng cơ sở dữ liệu, các ấn phẩm, tài liệu giới thiệu về môi trường, các cơ chế chính sách hỗ trợ, khuyến khích, nhất là hoạt động chăm sóc tốt các nhà đầu tư tại chỗ đã giúp Vĩnh Phúc luôn là bến đỗ của các nhà đầu tư và là điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.139 dự án, trong đó có 384 dự án FDI, tổng vốn đăng ký 5,02 tỷ USD; 755 dự án DDI, tổng vốn đăng ký 80,9 nghìn tỷ đồng. Riêng năm 2019, toàn tỉnh thu hút 65 dự án FDI mới, điều chỉnh tăng vốn 41 lượt dự án FDI, với tổng vốn đầu tư 629,033 triệu USD, tăng 25% so với kế hoạch năm, tăng 84,7% so với cùng kỳ năm 2018. Đồng thời, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới cho 40 dự án DDI, điều chỉnh tăng vốn cho 8 dự án, tổng vốn trên 13.102 tỷ đồng, tăng 328,4% cùng kỳ năm ngoái và tăng 10.000 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2019 đề ra. Đặc biệt, sau 4 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI và sau 30 năm thực hiện chủ trương của Thủ tướng Chính phủ về thu hút đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc đã thu hút được thêm 772 dự án so với năm 2015. Riêng thu hút FDI đã có sự tăng mạnh cả về số dự án và vốn đầu tư, từ 26 dự án năm 2015 tăng lên 30 dự án năm 2016, 40 dự án năm 2017, 57 dự án năm 2018 và năm 2019, số dự án FDI đầu tư vào tỉnh cao hơn cả 2 năm 2015 và 2016 cộng lại.  

Những thế mạnh về vị trí địa lý, cơ chế chính sách, nguồn nhân lực và các hoạt động chăm sóc tốt các nhà đầu tư tại chỗ, năm 2019, Vĩnh Phúc đã đón tiếp và làm việc việc với 82 đoàn các đầu tư, doanh nghiệp, các tổ chức tư vấn đầu tư nước ngoài, 191 lượt tổ chức, cá nhân và nhiều đoàn doanh nghiệp trong nước đến tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh. Như vậy, tính bình quân ra, mỗi tháng tỉnh đón tiếp 9 đoàn. Điều đáng nói, cùng với các nhà đầu tư ở thị trường các nước truyền thống, mục tiêu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, số đoàn đến tìm hiểu cơ hội đầu tư từ các nước có thế mạnh về vốn, công nghệ ngày càng tăng.

Tại các khu công nghiệp, nếu trước đây, tỷ lệ lấp đầy còn thấp và tỉnh mới thu hút được các doanh nghiệp FDI thuộc các Tập đoàn lớn như: TALO, YCH, GSE&C (Singgapore), Kumho, Lotte (Hàn Quốc), Toyota, Honda (Nhật Bản)…thì nay, tỷ lệ lấp đầy diện tích đất công nghiệp bình quân đạt trên 72% và danh sách các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh đã lên con số 17, với nhiều nước có thế mạnh về vốn, công nghệ cao như: Hoa Kỳ, Cộng hòa Liên bang Đức, Italia, Australia, New Zealand.

Cụ thể, đến nay, Vĩnh Phúc có 47 dự án đầu tư của Nhật Bản, tổng vốn đầu tư 1.113,4 triệu USD; 180 dự án đầu tư của Hàn Quốc, tổng vốn đăng ký 1.718 triệu USD; 37 dự án đầu tư của Đài Loan, tổng vốn đầu tư trên 895 triệu USD; 45 dự án đầu tư của Trung Quốc, tổng vốn đăng ký 239,3 triệu USD; 11 dự án của Singapore, tổng vốn 314,4 triệu USD; 8 dự án của Thái Lan, tổng vốn đăng ký 118,7 triệu USD.

Đối với Hoa Kỳ và các nước châu Âu, mặc dù số dự án đầu tư vào tỉnh chưa vượt con số 10 song từ hoạt động quảng bá tốt hình ảnh, môi trường đầu tư và việc cụ thể hóa các nội dung, chương trình, ngay sau chuyến công tác xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh vào thị trường các nước này, trong tháng 9 và tháng 10/2019, Vĩnh Phúc đã đón 2 đoàn các nhà đầu tư lớn, có thế mạnh về vốn, công nghệ của Cộng hòa Liên bang Đức và Hoa Kỳ sang tìm hiểm cơ hội đầu tư vào lĩnh vực y tế, giáo dục, khách sạn, đô thị, nông nghiệp công nghệ cao...

Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, trong 2 năm 2018-2019, tỉnh thu hút được 2 dự án đầu tư của Hoa Kỳ tại khu công nghiệp Bá Thiện 2 gồm: Công ty TNHH thiết bị và sản phẩm an toàn Việt Nam chuyên sản xuất, gia công mũ bảo hiểm, các loại phụ kiện liên quan đến mũ bảo hiểm có tổng vốn đầu tư 10 triệu USD, dự kiến đi vào hoạt động từ tháng 1/2020; Công ty TNHH Weldex vina, chuyên sản xuất, gia công các loại đèn Led cho ô tô, tổng vốn đầu tư trên 5 triệu USD sẽ chính thức xuất lô hàng đầu tiên vào cuối tháng 11/2019. Tỉnh cũng thu hút được 2 dự án đầu tư của Hà Lan, tổng vốn đăng ký 33,7 triệu USD; 1 dự án của Cộng hòa Liên bang Đức, tổng vốn đầu tư trên 250.000 USD; 1 dự án của Pháp, vốn đầu tư trên 1 triệu USD; 1 dự án của Thụy Điển, vốn đầu tư 25 triệu USD; 2 dự án của Italia có vốn đầu tư trên 90 triệu USD; 1 dự án đầu tư của Liên bang Nga, vốn đầu tư trên 5 triệu USD.

Từ những thành công trong thu hút đầu tư, nền kinh tế của tỉnh có những phát triển vượt bậc. Đến nay, toàn tỉnh có gần 10.700 doanh nghiệp, vượt gần 700 doanh nghiệp so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; có 8/18 khu công nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đi vào hoạt động. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng tốt là động lực cho tăng trưởng chung của tỉnh, đưa quy mô GRDP vượt ngưỡng 100 nghìn tỷ đồng. Ước năm 2019, GRDP tăng 8,66%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tỷ trọng khu vực công nghiệp - xây dựng - dịch vụ chiếm 91,83%, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm xuống còn 8,17%; thu nhập bình quân đầu người đạt 90,5 triệu đồng/người/năm, tăng 21 triệu đồng/người/năm so với năm 2015.

Hướng đến trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020 nên trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, Vĩnh Phúc đặt mục tiêu: Đầu tư nước ngoài phải đóng vai trò làm cho nền kinh tế phát triển hài hòa theo cả chiều rộng và chiều sâu; trước mắt, đến năm 2020 là phát triển được khu vực đầu tư nước ngoài có tiềm lực cao hơn về công nghệ và sản xuất được một số công đoạn sử dụng công nghệ cao thay vì chỉ sản xuất lắp ráp, gia công và tăng giá trị tăng thêm của sản phẩm.

Đích đến đã rõ nhưng hành trình để đi và chạm được mục tiêu này là điều không hề đơn giản, bởi tất cả các địa phương trong cả nước đang chuyển động để cải thiện môi trường đầu tư, thu hút đầu từ và nhìn vào kết quả sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2016-2021 thì Vĩnh Phúc chưa đạt được mục tiêu đề ra và năm nay tiếp tục là một năm khó khăn để “lội dòng” về top 10 PCI.

Để đạt được các mục tiêu này, Vĩnh Phúc sẽ đổi mới hoạt động thu hút đầu tư, đảm bảo hài hòa các lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và người dân; nâng cao chất lượng dự án thu hút đầu tư mới theo hướng gia tăng hàm lượng công nghệ, lao động kỹ thuật; ưu tiên thu hút các ngành nghề đón đầu cách mạng công nghiệp 4.0 như: Công nghiệp ICT, kỹ thuật số, kỹ thuật nano, công nghệ sinh học, vật liệu mới thân thiện với môi trường, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội; các dự án có khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; các dự án trong các lĩnh vực công nghiệp điện tử, viễn thông, công nghiệp cơ khí, vật liệu xây dựng, vật liệu mới và công nghiệp hỗ trợ của ngành sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, điện tử; các dự án phát triển hạ tầng khu công nghiệp, dự án du lịch dịch vụ, trường đại học tầm cỡ quốc tế và các dự án đầu tư vào ngành dịch vụ như: tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, y tế, giáo dục - đào tạo. Cùng với đó, tập trung thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp, nâng cao tỷ lệ lấp đầy ở các khu công nghiệp. Gắn phát triển công nghiệp với bảo vệ môi trường; xử lý triệt để tình trạng ô nhiễm môi trường tại các khu, cụm công nghiệp. Từng bước hình thành các trung tâm công nghiệp theo vùng và khuyến khích thu hút các dự án công nghiệp phụ trợ của ngành sản xuất lắp ráp ô tô, phụ tùng ô tô, xe máy.

Trên cơ sở rà soát, cập nhật, bổ sung 60 dự án kêu gọi đầu tư và xác định thị trường trọng điểm để mở rộng địa bàn, hình thức thu hút đầu tư là các quốc gia thuộc liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, dự kiến trong năm 2020, ngân sách tỉnh sẽ dành trên 22,6 tỷ đồng cho các hoạt động xúc tiến đầu tư. Trong đó, dự kiến tổ chức 5 đoàn công tác xúc tiến đầu tư tại các nước: Ấn Độ, Nam Phi, Ixaren, Úc, New Zealand, Liên bang Nga, Belarus, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan.

Trong công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục làm tốt các hoạt động hỗ trợ phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh theo tinh thần Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Cùng với đó, duy trì cơ chế đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư. Rà soát, thu thập, cập nhật hệ thống dữ liệu về quy hoạch và tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng để phục vụ thu hút đầu tư. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng, trong đó, mọi thủ tục hành chính phục vụ cho hoạt động đầu tư sẽ đơn giản, gọn nhẹ, không làm tăng chi phí, không gây phiều hà, sách nhiễu cho nhà đầu tư.

Hướng tới các đối tác tiềm năng và cụ thể các nội dung sau 2 chuyến công tác xúc tiến đầu tư của lãnh đạo tỉnh tại các nước Hà Lan, Đức, Séc và Hoa Kỳ, ngày 27/11, Vĩnh Phúc sẽ tổ chức Hội thảo xúc tiến đầu tư với chủ đề “Vĩnh Phúc – điểm đến kinh doanh, đầu tư tiềm năng của các doanh nghiệp châu Âu và Hoa Kỳ”. Với các Biên bản ghi nhớ hợp tác dự kiến được ký kết tại hội nghị như: Biên bản ghi nhớ hợp tác – đầu tư với Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam; Biên bán ghi nhớ hợp tác – đầu tư với Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam; Biên bản ghi nhớ hợp tác - đầu tư với Phòng Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam, chắc chắn trong thời gian tới, dòng vốn đầu tư vào Vĩnh Phúc sẽ tăng mạnh không chỉ ở thị trường các nước tiềm năng, truyền thống mà cả ở các nước có thế mạnh về vốn, công nghệ như Hoa Kỳ, Pháp, Đức, Hà Lan...

Thanh Nga

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi