Thứ Năm, 26/12/2024
Thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn cả về bề rộng lẫn chiều sâu

 Chương trình khuyến công đã giúp cơ sở sản xuất kính nghệ thuật 3D của anh Mầu Văn Dũng, xã Cao Đại, huyện Vĩnh Tường vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định được thương hiệu, vị thế trên thị trường trong và ngoài tỉnh

Theo báo cáo của UBND tỉnh, giai đoạn 2014 - 2020, với nguồn vốn hỗ trợ 600 triệu đồng từ Chương trình Khuyến công quốc gia, Vĩnh Phúc đã thực hiện 1 mô hình trình diễn kỹ thuật tại Công ty cổ phần công nghệ LAVITECH; triển khai đề án hỗ trợ máy móc thiết bị sản xuất tôn của Công ty TNHH thương mại tôn Phương Nam. Ngoài ra, ngân sách địa phương đã dùng trên 30,1 tỷ đồng hỗ trợ đào tạo, truyền nghề may công nghiệp, đan lát, thêu ren đính cườm, nghề mộc, đan ghế nhựa cho trên 1.700 học viên; tổ chức 10 khóa bồi dưỡng quản trị kinh doanh, nâng cao năng lực quản lý và tuyên truyền về sản xuất sạch hơn với 1.050 người tham gia. Đồng thời, thực hiện, nghiệm thu 2 đề án mô hình trình diễn, 205 đề án hỗ trợ mua máy móc thiết bị sản xuất, sản xuất sạch hơn; hỗ trợ 40 đơn vị xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm, 2 cơ sở, doanh nghiệp đầu tư phòng trưng bày giới thiệu sản phẩm, 32 cơ sở công nghiệp nông tham gia “hội chợ triển lãm công nghiệp nông thôn”; hỗ trợ 3 cơ sở công nghiệp nông thôn gây ô nhiễm di dời vào cụm công nghiệp...  Thông qua các cơ chế, chính sách hỗ trợ theo chương trình khuyến công đã tạo điều kiện để doanh nghiệp, cơ sở công nghiệp nông thôn phát triển, mạnh dạn đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, từng bước tự động hóa quy trình sản xuất, giúp các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn mở rộng, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cải thiện đời sống xã hội ở địa phương, ổn định thu nhập cho người lao động. 

Xác định công nghiệp nông thôn là bộ phận không nhỏ của ngành công nghiệp tỉnh, giai đoạn 2020 - 2025, cùng với tăng cường tổ chức các hội nghị tập huấn, hội thảo, hội chợ, tham quan học hỏi kinh nghiệm, tỉnh Vĩnh Phúc đặt mục tiêu sẽ hỗ trợ 135 - 140 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật; 50 cơ sở xây dựng, đăng ký thương hiệu, thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm; hỗ trợ sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường 9 cơ sở công nghiệp nông thôn, cụm công nghiệp; tư vấn hỗ trợ cho 40 cơ sở công nghiệp nông thôn trong việc lập dự án đầu tư; makerting, quản lý sản xuất - tài chính - kế toán - nhân lực, thành lập doanh nghiệp, liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh…

Để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung huy động các nguồn lực cùng tham gia hoặc hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp và các dịch vụ khuyến công. Đặc biệt, sẽ tiếp tục hướng đến hỗ trợ đối tượng là các cơ sở công nghiệp nông thôn nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp khu vực nông thôn theo cả bề rộng và chiều sâu, góp phần tạo bước đột phá trong nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ở các địa phương. Đẩy mạnh hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa có quy mô, tập trung theo chuỗi giá trị, gắn sản xuất nguyên liệu với chế biến và tiêu thụ trên cơ sở phát huy lợi thế sản phẩm và lợi thế vùng, miền, phù hợp với nhu cầu thị trường; giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn mở rộng sản xuất kinh doanh, gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi