Song hành cùng với những hỗ trợ của tỉnh, thời gian qua, các đơn vị, HTX, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP đã không ngừng nâng cao chất lượng, hoàn thiện mẫu mã, đa dạng hóa sản phẩm, nhằm từng bước xây dựng chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
|
Các sản phẩm OCOP được người dân tin tưởng lựa chọn |
Là tỉnh có nhiều thế mạnh về phát triển nông nghiệp, cùng với sự góp mặt của không ít làng nghề truyền thống, Vĩnh Phúc được biết đến với nhiều nông sản mang đặc trưng của từng địa phương như: Cá thính, thanh long (Lập Thạch), su su Tam Đảo, rắn Vĩnh Sơn (Vĩnh Tường), gạo Long Trì (Tam Dương)…
Nhằm phát huy tiềm năng vốn có, phát triển các hình thức tổ chức SXKD để sản xuất một số các sản phẩm truyền thống có lợi thế, đạt tiêu chuẩn, có khả cạnh tranh trên thị trường, những năm qua, tỉnh đã quan tâm triển khai thực hiện chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) . Theo đó, trên địa bàn tỉnh đã có 18 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 - 4 sao.
Chương trình OCOP được triển khai đã tạo điều kiện để các xã, thị trấn trong tỉnh khai thác thế mạnh của địa phương, đồng thời là cơ hội giúp các đơn vị có sản phẩm OCOP tham gia các chương trình quảng bá xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ.
Đơn cử trong tháng 5 vừa qua, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã phối hợp với phòng NN& PTNT huyện Bình Xuyên tổ chức Chương trình giới thiệu, quảng bá các sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản đảm bảo an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất trên địa bàn tỉnh với một quầy hàng tại thị trấn Hương Canh (Bình Xuyên).
Tại đây, các sản phẩm OCOP với chất lượng tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng như mật ong các loại của Công ty cổ phần ong Tam Đảo, Đạo Đức (Bình Xuyên), nấm đùi gà của công ty TNHH nấm Phùng Gia, Tam Hợp (Bình Xuyên), sữa chua Tam Đảo và bánh sữa đặc biệt Tam Đảo, xã Bồ Lý (Tam Đảo)…. được giới thiệu tới đông đảo người tiêu dùng. Dự kiến chương trình sẽ tiếp tục được triển khai trên địa bàn các huyện Lập Thạch, Yên Lạc, Vĩnh Tường.
Những hỗ trợ của tỉnh trong việc quảng bá, xúc tiến thương mại được xem là trợ lực rất lớn trong chặng đường tạo dựng chỗ đứng trên thị trường của các sản phẩm OCOP. Dù vậy, để xây dựng được chỗ đứng vững chắc, có khả năng cạnh tranh trên thị trường, thì không thể thiếu nỗ lực tự thân của các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất.
Là một trong những đơn vị tiêu biểu trong chương trình OCOP, Công ty cổ phần ong Tam Đảo, Đạo Đức (Bình Xuyên) hiện có 6 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 4 sao, đã tạo dựng được tên tuổi của mình trên thị trường với hơn 30 nhà phân phối, hơn 500 đại lý, cửa hàng bán lẻ trên toàn quốc. Đồng thời, sản phẩm của công ty cũng đã xuất khẩu thành công ra thị trường nước ngoài.
Để có được kết quả đó, trong những năm qua, công ty luôn chú trọng đầu tư công nghệ sản xuất, tiếp cận với công nghệ hàng đầu trong sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm ngành ong, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng hóa các sản phẩm. Đặc biệt cuối năm 2019, đầu 2020, trên cơ sở những sản phẩm đã có, công ty đã tập trung phát triển những dòng sản phẩm phục vụ du lịch, nhằm khai thác tối đa tiềm năng về quà tặng du lịch.
Khác với Công ty cổ phần ong Tam Đảo, HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, Bồ Lý (Tam Đảo) là đơn vị còn khá non trẻ. Tuy mới thành lập từ năm 2018 và bắt đầu đưa ra thị trường những sản phẩm đầu tiên năm 2019, HTX đã có 3 sản phẩm được chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chất lượng 3 sao là sữa chua, sữa chua nếp và bánh sữa đặc biệt Tam Đảo.
Có thể nói, với một tên tuổi còn khá mới mẻ như HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, việc được chứng nhận sản phẩm OCOP là dấu mốc quan trọng, giúp sản phẩm nâng cao uy tín của mình trên thị trường. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, bên cạnh việc đầu tư máy móc, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX cũng không ngừng thúc đẩy quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường.
Phó Giám đốc HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo Kim Thị Tân cho biết: Hiện, HTX đã tổ chức 3 điểm bán hàng trên địa bàn tỉnh, tại mỗi điểm đều tổ chức hoạt động ăn thử, nhằm hướng tới những khách hàng lần đầu tiên biết đến sản phẩm. Đồng thời thúc đẩy hoạt động bán hàng online. Theo đó, doanh thu HTX trong năm 2020 đã có sự nhích lên đáng kể so với thời gian đầu sản xuất, đạt mức doanh thu cao nhất 400 - 500 triệu đồng/tháng. 100% sữa nguyên liệu của các hộ thành viên được thu mua và chế biến.
Tin rằng, với sự hỗ trợ của tỉnh cùng sự chủ động của các doanh nghiệp, HTX, các cơ sở sản xuất, các sản phẩm OCOP của tỉnh sẽ có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường, tăng sức cạnh tranh và không ngừng mở rộng tiêu thụ.
PV