Thứ Sáu, 27/12/2024
Xây dựng kết cấu hạ tầng - một trong ba đột phá chiến lược của nhiệm kỳ 2015 - 2020

 

Là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh, những ngày này, thành phố Vĩnh Yên trở nên đẹp hơn, khang trang hơn, từ trụ sở cơ quan, đơn vị đến các tuyến phố đều “khoác áo mới” với sắc cờ hoa, pano rực rỡ chào đón sự kiện quan trọng - Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 10 tới.

Còn nhớ, ngày mới tái lập tỉnh, Vĩnh Yên là đô thị nghèo, nhỏ bé với cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông chậm phát triển; đời sống, thu nhập của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp và kinh doanh, dịch vụ nhỏ, chưa có khu công nghiệp nào được hình thành. Để xứng tầm là đô thị hạt nhân của tỉnh, thành phố đã chủ động kiểm tra, rà soát, đánh giá hiện trạng đô thị để chỉ đạo sát sao đối với công tác quy hoạch, từ quy hoạch chung đến quy hoạch chi tiết, làm cơ sở cho việc triển khai các dự án đầu tư hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội cho khung đô thị thành phố. Từ năm 2016 đến nay, thành phố đã phối hợp với các sở, ngành tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt mới và điều chỉnh 65 đồ án quy hoạch; thực hiện phê duyệt, điều chỉnh 38 đồ án thuộc thẩm quyền. Trong đó, nhiều đồ án quan trọng được xem là “xương sống” cho phát triển đô thị Vĩnh Yên như: Quy hoạch phân khu A1, A2, A3, A4, A5 và B1, B2; điều chỉnh tổng thể xây dựng và phát triển đô thị Vĩnh Phúc trên địa bàn Vĩnh Yên đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành 17 đồ án quy hoạch 1/500 chỉnh trang, cải tạo, phát triển đô thị tại các khu vực trên địa bàn; xây dựng, ban hành quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc thành phố Vĩnh Yên…


 Kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng cơ sở kỹ thuật được xây dựng và nâng cấp
với nhiều công trình lớn tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Yên

Song song với công tác quy hoạch, UBND thành phố Vĩnh Yên đã tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, tạo nguồn lực bền vững cho đầu tư phát triển đô thị, kết hợp với huy động, vận động các nguồn vốn hợp pháp khác. Trong giai đoạn 2016 - 2020, toàn thành phố đã triển khai đầu tư mới gần 120 công trình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị với tổng mức đầu tư gần 2.300 tỷ đồng. Ngoài nguồn vốn từ ngân sách, thành phố còn thu hút nhiều nguồn vốn ngoài ngân sách như vốn vay ODA, ADB, WB, nguồn vốn xã hội hóa để triển các dự án trọng điểm về phát triển đô thị.

Khép lại nhiệm kỳ 2015 - 2020, kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng cơ sở kỹ thuật của thành phố Vĩnh Yên được xây dựng và nâng cấp với nhiều công trình lớn tạo điểm nhấn cho đô thị trung tâm của tỉnh như: Chợ Vĩnh Yên,  Trường THCS Vĩnh Yên, các công viên, vườn hoa, khu vui chơi giải trí. Diện mạo đô thị Vĩnh Yên hôm nay khác rất xa với Vĩnh Yên của nhiều năm về trước.

Về Vĩnh Tường hôm nay, đi trên những con đường trải thảm và đổ bê tông rộng thênh thang, sạch đẹp, chứng kiến các công trình trường, trạm, khu trung tâm văn hoá thể dục thể thao được xây dựng khang trang, hiện đại mới thấy hết thành quả có được sau những năm dài nỗ lực thực hiện công tác đầu tư và hoàn thiện hạ tầng của  địa phương.

Một trong những điểm nhấn nổi bật nhất là hệ thống giao thông của huyện đang dần tạo sự kết nối hợp lý giữa các vùng kinh tế trong huyện với các khu vực lân cận. Xác định giao thông là huyết mạnh của nền kinh tế, trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Vĩnh Tường chỉ đạo các ngành chức năng chủ động rà soát, lập và hoàn thiện quy hoạch hệ thống giao thông; xây dựng lộ trình cụ thể để ưu tiên bố trí, sử dụng hiệu quả nguồn vốn triển khai các tuyến giao thông trọng điểm, cấp bách trong từng giai đoạn gắn với thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Hiện nhiều tuyến đường trên địa bàn huyện đã được cải tạo, nâng cấp và đưa vào sử dụng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời, phục vụ thu hút đầu tư các dự án du lịch trọng điểm của tỉnh, phát triển các vùng thương mại dịch vụ, khu đô thị, cụm công nghiệp của huyện và khu vực lân cận như: Tuyến quốc lộ 2C cũ, đoạn từ cầu Vũ Di đến bến phà Vĩnh Thịnh, đường trung tâm huyện Vĩnh Tường - tuyến quốc lộ 2 đến quốc lộ 2C, đường cụm kinh tế - xã hội Tân Tiến-Thổ Tang kéo dài…

Trong 5 năm gần đây, UBND huyện Vĩnh Tường cũng đã phối hợp với các cấp, ngành lập, trình phê duyệt 4 đồ án Quy hoạch phân khu A2, A3, B3, B4; quy hoạch cải tạo chỉnh trang, phát triển đô thị tại thị trấn Vĩnh Tường, Thổ Tang; quy hoạch khu trung tâm thị trấn Thổ Tang; điều chỉnh quy hoạch chung thị trấn Tứ Trưng; khu chợ đầu mối nông sản thực phẩm, hệ thống kho vận và khu đô thị thương mại Vĩnh Tường; quy hoạch phân khu xây dựng Khu du lịch Đầm Rưng. Đặc biệt, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách ưu đãi của tỉnh, hiện 4 cụm công nghiệp của huyện đã có chủ đầu tư đầu tư hạ tầng với diện tích cho thuê 38,161 ha, thu hút một số doanh nghiệp vào đầu tư sản xuất. Mới đây nhất, tại Cụm công nghiệp Đồng Sóc, Công ty TNHH YPE Vina và Công ty TNHH Korea Circuit của Tập đoàn Young Poong đã chính thức bấm nút khởi công xây dựng 2 nhà máy với tổng vốn đầu tư giai đoạn I khoảng 270 triệu USD, dự kiến khi đi vào hoạt động sẽ thu hút khoảng 5.000 lao động.

Để sớm hoàn thành mục tiêu trở thành thị xã trong tương lai, Vĩnh Tường đang phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan liên quan tổ chức lập Đồ án quy hoạch đô thị Vĩnh Tường theo tiêu chuẩn đô thị loại IV. Đồng thời, rà soát quy hoạch và việc thực hiện quy hoạch của các xã, thị trấn để tổ chức lập, điều chỉnh phù hợp với quy hoạch chung của tỉnh, của huyện và thực tế phát triển của cơ sở, bảo đảm kết nối đồng bộ giữa các khu vực.

Không chỉ 2 địa phương kể trên, trên cơ sở quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt từ năm 2011, tỉnh ta đã xác định và kiên trì thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội gắn với phát triển đô thị, từ đó, ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết về phát triển đô thị, phát triển hạ tầng kỹ thuật khung và các chương trình, dự án trọng điểm. Trong đó, bước đột phá quan trọng là Nghị quyết 04 của BCH Đảng bộ tỉnh về tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2025. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2020 cơ bản hoàn thành hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc theo quy hoạch, đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng xã hội trọng điểm; đến năm 2025, tiếp tục đầu tư tập trung kết cấu hạ tầng đô thị Vĩnh Phúc cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại I theo hướng đồng bộ, hiện đại, trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Cụ thể hóa Nghị quyết 04, giai đoạn 2017 - 2020, toàn tỉnh đã bố trí hơn 8.300 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công cho hoàn thiện kết cấu hạ tầng đô thị; gần 6.000 tỷ đồng từ các nguồn ngân sách khác như: Tăng thu, tiết kiệm chi, cải cách tiền lương, đấu giá Khu công nghiệp Bá Thiện, nguồn ngân sách cấp huyện; gần 600 tỷ đồng vốn ngân sách Trung ương; hàng nghìn tỷ đồng nguồn vốn ODA và gần 33.000 tỷ đồng vốn doanh nghiệp đầu tư cho các khu công nghiệp, khu thương mại, dịch vụ, du lịch và các công trình hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến nay, Vĩnh Phúc đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa, chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện. Nhiều dự án được triển khai đang tạo điểm nhấn cho đô thị Vĩnh Phúc như: Đường giao thông đô thị kết hợp đê ngăn nước Đầm Vạc; đường vành đai 2 thành phố Vĩnh Yên đoạn từ Quốc lộ 2 đến đường Tôn Đức Thắng; cầu vượt đường sắt đường Nguyễn Tất Thành; đường vành đai 3; đường vành đai 4 tỉnh Vĩnh Phúc; khu công viên vui chơi giải trí thành phố Vĩnh Yên; công viên cây xanh huyện Lập Thạch, Tam Đảo, Yên Lạc; hệ thống chiếu sáng Quốc lộ 2B; dự án chỉnh trang đô thị Vĩnh Yên, Phúc Yên…

Hướng tới mục tiêu xây dựng thành phố Vĩnh Phúc đạt chuẩn đô thị loại I, giai đoạn 2021- 2025, tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục dành nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng xã hội hiện đại và đồng bộ, có chất lượng môi trường sống tốt, gắn với nông thôn mới kiểu mẫu, bảo đảm tính bền vững. Đồng thời, xây dựng mới và nâng cấp, cải tạo các tuyến tuyến đường quốc lộ, đường tỉnh qua đô thị, các đường nội thị chính trong quy hoạch phát triển giao thông thuộc hệ thống hạ tầng kỹ thuật khu đô thị Vĩnh Phúc; phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư, nhà ở cho thuê; mở rộng quy mô và loại hình sản phẩm đối với nhà ở cho công nhân.

Trước mắt, tỉnh sẽ tập trung xây dựng hệ thống giao thông theo nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội để phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế sẵn có của các khu vực theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh như: Mở rộng đường Vành đai 2, nâng cấp và cải tạo một số đoạn Vành đai 3, triển khai giai đoạn 2 Vành đai 4 đoạn Hương Canh - Bình Dương và tiến hành xây dựng Vành đai 5 đường Tây Thiên - Sông Lô; xây dựng mới cảng nội địa ICD tại huyện Bình Xuyên, các bến xe trên trục vành đai; xây dựng tuyến đường trục giao thông và cảnh quan Bắc - Nam đô thị Vĩnh Phúc, cầu Vĩnh Phú. Cùng với đó, tiếp tục làm mới và đầu tư giai đoạn 2 một số tuyến đường nội thị chính; hạ tầng khung đô thị đại học; đầu tư giai đoạn 2 các tuyến hạ tầng phục vụ phát triển du lịch danh thắng Tây Thiên, khu du lịch Bến Tắm; xây mới hạ tầng giao thông phục vụ du lịch sinh thái văn hóa dân tộc; đường kết nối trung tâm các huyện với các tuyến quốc lộ và trung tâm đô thị Vĩnh Phúc...

Tin tưởng rằng, với những giải pháp cụ thể, quyết liệt đã được đề ra, trong nhiệm kỳ mới, Vĩnh Phúc sẽ có thêm những bứt phá mới cho phát triển hạ tầng đô thị, góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, tạo nền tảng vững chắc để trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỉ XXI.

PV


Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất