Thứ Sáu, 27/12/2024
Tạo đột phá thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp bền vững

Mới đây, trong chương trình chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Nhật Bản Suga Yoshihide, tỉnh Vĩnh Phúc đã trao giấy chứng nhận đầu tư trị giá 100 triệu USD cho Công ty TNHH Toto Việt Nam (Công ty vốn đầu tư của Nhật Bản) triển khai hoạt động sản xuất tại Khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc.

Đây không chỉ thể hiện hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư của tỉnh mà còn là khởi đầu đầy hứa hẹn của Vĩnh Phúc ngay từ đầu nhiệm kỳ 2020- 2025. Hiện, Vĩnh Phúc đang là 1 trong 4 địa phương có cơ sở hạ tầng và các điều kiện phục vụ cho phát triển công nghiệp tốt nhất cả nước và luôn nằm trong top đầu các tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp.


 Công ty TNHH Jahwa Vina (KCN Khai Quang) đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm, trở thành nhà cung cấp linh kiện uy tín cho hãng điện thoại Samsung

 Xác định “Phát triển công nghiệp làm nền tảng, phát triển dịch vụ du lịch là mũi nhọn và coi nông nghiệp và phát triển nông thôn là nhiệm vụ quan trọng”, những năm qua, tỉnh đã tập trung khai thác tiềm năng, lợi thế, phát huy mọi nguồn lực; đẩy mạnh thực hiện cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh cởi mở, thông thoáng, có tính hấp dẫn và cạnh tranh, nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, coi đó là động lực chính để phát triển kinh tế, tăng nguồn thu ngân sách, đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, nông thôn, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Với phương châm “Các nhà đầu tư ở Vĩnh Phúc là công dân của Vĩnh Phúc, thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”, tỉnh quyết liệt trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; Nghị quyết số 01 của BTV Tỉnh ủy và Đề án của UBND tỉnh về cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; duy trì đối thoại thường xuyên giữa lãnh đạo UBND tỉnh, các sở, ban, ngành với doanh nghiệp, nhà đầu tư; tăng cường đào tạo nghề phục vụ nhu cầu tuyển dụng lao động cho các doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo tính minh bạch, lành mạnh và công bằng, nhằm đạt mục tiêu “3 tốt” của Vĩnh Phúc gồm: Môi trường pháp lý tốt và toàn diện; hạ tầng kỹ thuật tốt;phục vụ doanh nghiệp tốt.

Hàng năm, UBND tỉnh tổ chức các đoàn công tác xúc tiến đầu tư nước ngoài do các đồng chí lãnh đạo tỉnh làm Trưởng đoàn. Bên cạnh việc duy trì mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các thị trường truyền thống như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, tỉnh hướng tới các thị trường mới có thế mạnh về vốn và công nghệ như: Châu Âu, Hoa Kỳ.

Tổ chức các hội thảo chia sẻ định hướng chiến lược mở rộng thị trường thu hút đầu tư, được các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Châu Âu đánh giá cao và cho rằng, định hướng thu hút đầu tư của Vĩnh Phúc hiện nay hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển chung để có thể tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, đặc biệt là trong bối cảnh Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh Châu Âu và Việt Nam( EVFTA) đã có hiệu lực.

Sự đổi mới trong công tác nghiên cứu, đánh giá tiềm năng thị trường, xu hướng đầu tư; ban hành kịp thời các cơ chế chính sách hỗ trợ, nhất là các hoạt động chăm sóc các nhà đầu tư tại chỗ đã giúp Vĩnh Phúc là điểm sáng của cả nước trong thu hút đầu tư vốn FDI.

Giai đoạn 2015-2020, tỉnh thu hút được 2,86 tỷ USD vốn đầu tư từ các dự án FDI và trên 56 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư từ các dự án DDI, cao gấp hơn 4 lần về thu hút vốn DDI và cao gấp 2,1 lần về thu hút vốn FDI so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra; triển khai xây dựng thêm 3 KCN (Thăng Long Vĩnh Phúc, Bá Thiện 2, Đồng Sóc); đồng thời cho chủ trương xây dựng 4 KCN lớn: Sông Lô, Nam Bình Xuyên, Thái Hòa- Liễn Sơn, Lập Thạch 1 và 2 để đón làn sóng dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cần... đưa Vĩnh Phúc tiếp tục là địa chỉ tin cậy của các tập đoàn kinh tế hàng đầu thế giới.

Lũy kế ước hết năm 2020, trên địa bàn tỉnh có hơn 1.100 dự án đầu tư, gồm 447 dự án FDI, tổng vốn đăng ký hơn 6 tỷ USD; 798 dự án DDI, tổng vốn đăng ký trên 96.000 tỷ đồng. Trong đó, có sự hiện diện của nhiều tập đoàn toàn cầu như: Toyota, Honda, Sumitomo (Nhật Bản); Piaggio (Italia); De Heus (Hà Lan); Daewoo; Partron Vina, Haesung Vina, Cammsys (Hàn Quốc); Prime Group (Thái Lan); Weldex (Hoa Kỳ)…

Bên cạnh nhà đầu tư nước ngoài, Vĩnh Phúc cũng nhận được sự quan tâm lớn của nhiều doanh nghiệp tên tuổi trong nước, điển hình như: FLC, VinGroup, SunGroup, Công ty Hồng Hạc Đại Lải, Sông Hồng Thủ đô, Thép Việt Đức… tất cả những nhà đầu tư này đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ tại Vĩnh Phúc.

Kết quả này cho thấy sức hấp dẫn của môi trường đầu tư cũng như tiềm năng phát triển của Vĩnh Phúc rất lớn. Năm 2019, thu ngân sách của tỉnh chạm mốc 35.029 tỷ đồng, đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, là 1 trong 16 tỉnh, thành phố có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương lớn nhất, lên đến 47%, đứng thứ 2 miền Bắc sau thành phố Hà Nội. Riêng năm 2019, giá trị sản phẩm linh kiện điện tử chiếm tỷ trọng gần 40% giá trị ngành công nghiệp của tỉnh.

Để tạo đột phá trong nhiệm kỳ mới với mục tiêu đến năm 2025, Vĩnh Phúc là tỉnh công nghiệp phát triển, đồng thời là một trong những trung tâm công nghiệp, dịch vụ, du lịch của vùng và cả nước. Trong đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng 8,5 - 9,0%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt khoảng 130 - 135 triệu đồng; thu ngân sách nhà nước tăng bình quân 6 - 8%/năm, quan điểm của tỉnh là đổi mới mạnh mẽ tư duy; khơi dậy mọi tiềm năng, nguồn lực, tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững; lấy công nghiệp làm nền tảng, động lực phát triển kinh tế chủ yếu của tỉnh.

Hiện, tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn nghiên cứu xây dựng chiến lược đầu tư thời gian tới; chi phí đầu tư kinh doanh của tỉnh so với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ để đề xuất cơ chế giảm chi phí đầu tư kinh doanh cho doanh nghiệp khi đầu tư vào tỉnh, tạo lợi thế cạnh tranh để thu hút đầu tư.

Trước mắt, tỉnh thực hiện tốt công bố, công khai các thông tin về đất đai; đẩy mạnh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư; khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ, duy trì phát triển các ngành sản xuất và lắp ráp ô tô, xe máy, linh kiện điện tử, các sản phẩm điện tử hoàn chỉnh, công nghiệp công nghệ cao là công nghiệp mũi nhọn; xây dựng chính sách ưu tiên thu hút đầu tư các dự án có tổng mức đầu tư lớn, sản xuất sản phẩm có giá trị gia tăng và hàm lượng công nghệ cao, quy mô sử dụng đất và lao động thấp. Cùng với đó, quy hoạch và đầu tư hạ tầng KCN công nghệ cao, hướng đến xây dựng Trung tâm đổi mới, sáng tạo, đưa Vĩnh Phúc trở thành trung tâm công nghiệp điện tử của cả nước.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất