Thứ Năm, 26/12/2024
Tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2021 cao nhất trong 10 năm trở lại đây

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Vĩnh Phúc 6 tháng đầu năm 2021 ước tăng 14,21% so với cùng kỳ năm 2020, là mức tăng trưởng cao nhất so với cùng Đồng bằng sông Hồng và cao thứ 3 toàn quốc (chỉ thấp hơn Hòa Bình, Nình Thuận), đồng thời là mức tăng cao nhất của tỉnh kể trong 10 năm trở lại đây. Trong đó, ngành công nghiệp - xây dựng tăng cao (+21,98%); ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 5,78%; ngành dịch vụ tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2020.

Sáu tháng đầu năm 2020, tỉnh Vĩnh Phúc chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch COVID-19 tăng trưởng kinh tế âm 0,05%; tuy nhiên sáu tháng cuối năm đã có sự phục hồi, các ngành kinh tế đã có sự tăng trưởng trở lại tạo đà phát triển cho những tháng đầu năm 2021.

Nếu so sánh tốc độ tăng trưởng bình quân 6 tháng đầu năm giai đoạn 2020-2021 chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 (đạt 6,76%) với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2019 (đạt 8,07%) thì có thể thấy nền kinh tế tỉnh đã có sự phục hồi mạnh mẽ và gần lấy lại được đà tăng tưởng như giai đoạn trước đây.

Một số tín hiệu lạc quan 6 tháng đầu năm 2021

Hoạt động sản xuất kinh doanh 4 tháng đầu năm trên địa bàn tỉnh diễn ra trong trạng thái bình thường, các chỉ số sản xuất công nghiệp, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, xuất nhập khẩu, thu ngân sách... đều đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ (Chỉ số sản xuất công nghiệp 4 tháng tăng 23,09%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 29,25%; xuất khẩu tăng 53,94%; nhập khẩu tăng 27,82%; thu ngân sách nhà nước đến 15/4 tăng 21,47%) công tác thu hút vốn đầu tư và phát triển doanh nghiệp cũng đạt được kết quả khả quan.


 


Sang tháng 5, mặc dù dịch COVID-19 bùng phát trở lại trên địa bàn tỉnh, các ngành kinh doanh thương mại, dịch vụ bị ảnh hưởng do thực hiện các biện pháp cách ly, phòng dịch, nhưng hoạt động sản xuất công nghiệp tại các doanh nghiệp vẫn được duy trì, chỉ một vài doanh nghiệp bị ảnh hưởng và phải điều chỉnh kế hoạch sản xuất. Các chỉ số về kết quả SXKD trong tháng tăng thấp so với tháng trước nhưng vẫn tăng cao so với cùng kỳ.

Điểm đáng ghi nhận là ngành công nghiệp của tỉnh có tốc độ tăng cao +23,26%; đóng góp vào tăng trưởng chung 9,71 điểm %. Trong đó các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực của tỉnh đều có mức tăng khá, cụ thể: Ngành sản xuất xe có động cơ là điểm sáng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của tỉnh, giá trị tăng thêm tăng 45,63%, đóng góp 2,06 điểm % vào mức tăng chung; ngành sản xuất linh kiện điện tử vẫn giữ được đà tăng trưởng, các DN tiếp tục nhận được các đơn hàng của đối tác lớn, giá trị tăng thêm tăng 31,67% so cùng kỳ, đóng góp 5,01 điểm% tăng; Ngành xe máy sản lượng sản xuất xe vẫn đạt mức tăng 7,71%.


 



Ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn duy trì ổn định và tăng trưởng khá, cơ cấu cây trồng hàng năm chuyển dịch tích cực sang các loại cây trồng có năng suất, chất lượng, giá trị cao hơn như rau, lúa chất lượng... chăn nuôi phát triển, đàn lợn phục hồi, đàn gia cầm tăng khá.

Ngành dịch vụ là ngành chịu ảnh hưởng nhiều nhất của dịch COVID-19, tuy nhiên lượng hàng hóa thiết yếu trên thị trường vẫn được đảm bảo đầy đủ. Do 4 tháng đầu năm các ngành dịch vụ phát triển ổn định nên bình giá trị tăng thêm 6 tháng ngành dịch vụ vẫn tăng 7,54% so với cùng kỳ.

Để đạt được mục tiêu tăng trưởng 8,5-9% theo kế hoạch đề ra trong tình hình dịch COVID-19 diễn biến khó lường, 6 tháng cuối năm cần có sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp các ngành, sự quyết tâm của cộng đồng doanh nghiệp, sự ủng hộ của người dân, đảm bảo “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội.

PV

Gửi cho bạn bè