Thứ Sáu, 22/11/2024
Vĩnh Phúc: đẩy mạnh quảng bá sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử

Thành lập từ năm 1957, đến cuối năm 2014, Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý, xã Phú Xuân, huyện Bình Xuyên chính thức chuyển đổi sang mô hình hợp tác xã kiểu mới theo Luật Hợp tác xã năm 2012. Hiện Hợp tác xã có 6 tổ sản xuất, thu hút gần 460 hộ thành viên tham gia, đạt 100% số hộ trên địa bàn xã; canh tác trên diện tích 150 ha, trong đó lúa là cây trồng chủ lực và chiếm tới 98% diện tích. Là hợp tác xã dịch vụ từ khâu giống đến phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dịch vụ khuyến nông, các sản phẩm nông nghiệp của hợp tác xã được sản xuất theo quy trình VietGAP, bảo đảm môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm.


 Sau nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm, gạo ngon Phú Xuân
tiếp tục được người tiêu dùng đón nhận



Cũng nhờ sự trợ giúp của các cấp chính quyền và ngành chức năng trong tìm kiếm thị trường, thiết kế bao bì, nhãn mác, năm 2021, gạo ngon Phú Xuân đã được công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Đến nay, sản phẩm gạo của hợp tác xã đã được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến, đón nhận. Ngoài việc liên kết làm nguyên liệu chính cho các sản phẩm chế biến từ gạo của Công ty cổ phần thực phẩm Điện Biên, hiện sản phẩm gạo ngon Phú Xuân đã có mặt hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước với giá bán 20.000 đồng/kg.

Bên cạnh kênh phân phối truyền thống, hiện sàn thương mại điện tử đang từng bước trở thành một kênh phân phối mới, hiệu quả trong tiêu thụ nông sản, góp phần hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế nông nghiệp phát triển theo hướng hiện đại, phù hợp với xu thế thị trường, tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp một cách nhanh nhất. Từ giữa năm 2021, Sở Công thương đã giúp đỡ chúng tôi toàn bộ trong việc xây dựng kế hoạch, triển khai đưa sản phẩm gạo ngon Phú Xuân lên sàn thương mại điện tử. Thực tế, việc đưa sản phẩm lên sàn đã hỗ trợ tích cực cho hợp tác xã trong việc quảng bá, giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và mở rộng thị trường. Từ khi tham gia sàn, sản lượng bán ra và doanh thu của hợp tác xã tăng lên đáng kể. 

Để tiếp tục đẩy mạnh quảng bá thương hiệu sản phẩm, hợp tác xã đang được hỗ trợ đưa sản phẩm lên sàn thương mại Postmart.vn. Đến nay, Bưu điện tỉnh đã hỗ trợ hợp tác xã về công nghệ, lấy thông tin sản phẩm, hướng dẫn lập tài khoản đăng ký, tạo mã giao dịch, hòm thư điện tử và tài khoản ngân hàng… Tất cả các khâu đã hoàn tất chuẩn bị đưa sản phẩm gạo ngon Phú Xuân lên sàn thương mại. Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Lê Thị Hương phấn khởi: “Chúng tôi là người nông dân nên việc ứng dụng công nghệ thông tin và giới thiệu sản phẩm trên mạng internet còn nhiều hạn chế, nhưng được sự hỗ trợ từ các ngành chức năng, các khâu thực hiện đã rất trơn tru, hiệu quả. Thêm một kênh quảng bá sản phẩm, tôi hy vọng thêm nhiều người biết đến và gạo Phú Xuân sẽ “đắt hàng” hơn.”

Để xây dựng thương hiệu bền vững, thời gian tới, Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Nhân Lý tiếp tục duy trì, nâng cao chất lượng sản phẩm gạo. Đồng thời, liên kết với các địa phương lân cận sản xuất lúa theo quy trình VietGAP; đưa sản phẩm vào các hệ thống siêu thị; triển khai thêm các sản phẩm khác từ gạo như rượu, dấm, mì gạo để nâng cao giá trị gạo ngon Phú Xuân; phối hợp với các đơn vị, các ngành chức năng đưa thêm sản phẩm rau an toàn lên sàn thương mại điện tử; giải quyết việc làm cho lao động dư thừa ở nông thôn, nâng mức thu nhập của mỗi thành viên trên 60 triệu đồng/người/năm.

Sau nhiều nghiên cứu, tìm tòi và ứng dụng vào thực tiễn, năm 2011, công thức sản xuất thức ăn sinh học thảo dược của kỹ sư Tạ Hùng Đậu, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố Phúc Yên được Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

Anh Đậu cho biết, thức ăn sinh học anh nghiên cứu có thành phần là các loại ngũ cốc, men tiêu hóa vi sinh và thảo dược trong tự nhiên như kim ngân, thổ phục linh, nghệ đỏ… Những thành phần này giúp vật nuôi tăng sức đề kháng, khả năng tiêu hóa và hấp thu chất dinh dưỡng tốt hơn. Lợn được nuôi bằng thức ăn sinh học thảo dược có chất lượng thịt vượt trội so với các loại thịt lợn khác đang bán trên thị trường.

Để khẳng định chất lượng, từ năm 2007 đến nay, hằng năm anh đều gửi mẫu thịt từ lợn sử dụng cám sinh học đi kiểm tra tại Viện Công nghiệp thực phẩm Hà Nội và kết quả cho thấy, 100% chỉ tiêu phân tích thịt lợn đều đạt tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn CODEX (tiêu chuẩn 7046-2002 dựa trên nền tiêu chuẩn quốc tế). Trong đó, hàm lượng các hóa chất độc hại như chì, kẽm, thủy ngân, asen, cadimi, dư lượng kháng sinh thấp hơn quy chuẩn cho phép từ 10 - 50 lần. Cũng qua phân tích tại Trung tâm Quan trắc tài nguyên và môi trường tỉnh, chất thải từ lợn sử dụng thức ăn sinh học giảm ô nhiễm môi trường 60% so với sử dụng thức ăn thông thường khác.


 Anh Đậu thực hiện dán tem nhãn cho sản phẩm xúc xích thảo dược



Hiện anh Đậu đang duy trì hoạt động trang trại chăn nuôi lợn với công suất trên 100 con lợn/lứa, giải quyết việc làm cho 4 lao động thường xuyên. Cơ sở sản xuất gia đình anh cung cấp ra thị trường 3 sản phẩm gồm: Thịt lợn thảo dược, giò thảo dược và xúc xích thảo dược. Anh cũng đang hoàn thiện thủ tục đăng ký nhãn hiệu gà thịt thảo dược.

Nói về tính ưu việt của sàn thương mại điện tử, kỹ sư Tạ Hùng Đậu cho biết: “Đây là xu hướng phát triển tất yếu của nền kinh tế số, kinh tế hiện đại. Việc đưa sản phẩm hàng hóa lên sàn thương mại điện tử giúp khách hàng có thể mua sản phẩm một cách thuận tiện, nhanh chóng kể cả trong bối cảnh hạn chế đi lại do dịch bệnh, đồng thời, tạo thêm kênh quảng bá, giới thiệu, góp phần mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm.”

Tuy nhiên, cũng theo kỹ sư Đậu, việc quảng bá sản phẩm cần đi đôi với bảo đảm và nâng cao chất lượng, có như vậy mới tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng và phát triển sản phẩm theo hướng bền vững. Phấn khởi trước sự hỗ trợ của các ngành chức năng trong việc chuẩn bị đưa sản phẩm từ thịt lợn thảo dược lên sàn thương mại điện tử, anh cho biết: “Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử đã được tôi ấp ủ từ lâu với mục đích để nhiều người biết đến thương hiệu thịt lợn thảo dược của gia đình. Sau nhiều nỗ lực nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm và được sự hỗ trợ của các ngành chức năng, sản phẩm thịt lợn thảo dược, giò thảo dược và xúc xích thảo dược đang chuẩn bị đưa lên sàn Postmart.vn. Đây sẽ là kênh bán hàng hiệu quả, thúc đẩy tôi tiếp tục xây dựng và khẳng định thương hiệu sản phẩm.”

Theo thống kê, toàn tỉnh hiện có 15 mô hình chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn; 130 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân đã có sản phẩm được chứng nhận an toàn thực phẩm, VietGap, OCOP từ 3 sao trở lên bảo đảm yêu cầu có thể tham gia giao dịch trên sàn thương mại điện tử. Hiện có khoảng 32.000 hộ nông dân được tạo tài khoản bán hàng, hơn 200 tài khoản thanh toán trực tuyến được tạo lập và trên 1.400 sản phẩm nông nghiệp được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn.

Việc quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp các hộ sản xuất nông nghiệp hạn chế tình trạng ùn ứ sản phẩm khi cao điểm thu hoạch, ổn định giá thành, mở rộng kênh tiêu thụ hiệu quả, bền vững mà còn đảm bảo nhu cầu tiêu dùng của thị trường, từng bước đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Hồng Yến

Gửi cho bạn bè

Các tin khác