Từ đầu năm 2022 đến nay, dòng vốn FDI và DDI đầu tư trên địa bàn tỉnh đã vượt chỉ tiêu đề ra mặc dù 2 năm qua bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19. Ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã đề ra nhiều giải pháp đồng bộ, linh hoạt, nhất là điều chỉnh các phương án xúc tiến đầu tư để thích ứng với tình hình thực tế; trong đó, tăng cường xúc tiến đầu tư tại chỗ. UBND tỉnh đã thành lập Tổ giúp việc trực tiếp giúp Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN, dự án, trong đó có các dự án FDI. Đồng thời, thành lập Tổ công tác đặc biệt nhằm chủ động tiếp cận, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của DN và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 để tham mưu giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ.
Đẩy mạnh giải quyết TTHC trực tuyến giúp người dân, nhà đầu tư, DN thuận lợi trong việc tiếp cận cơ chế, chính sách, giảm chi phí thời gian và các chi phí khác, đặc biệt là đối với các DN không thể trực tiếp thực hiện thủ tục đầu tư trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp. Hằng tháng, lãnh đạo tỉnh đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan liên quan, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án lớn, trọng điểm, có ảnh hưởng tới phát triển KT - XH, đặc biệt là các dự án đầu tư xây dựng hạ tầng các KCN, CCN; đẩy nhanh tiến độ đưa các dự án này đi vào hoạt động, làm cơ sở thu hút các dự án FDI, DDI theo định hướng của tỉnh.
|
Công nhân đang làm việc tại Công ty TNHH Partron Vina |
Nhờ đó, thu hút đầu tư trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2022 trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả quan trọng và tăng so với cùng kỳ năm 2021. Cụ thể về dự án FDI: Cấp mới 1 dự án với tổng vốn đầu tư 1,1 triệu USD; tăng vốn cho 4 lượt dự án với tổng vốn đầu tư 27,6 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn trong tháng 4 là 28,7 triệu USD; lũy kế đến hết tháng 4/2022, trên địa bàn cấp mới 7 dự án với tổng vốn đầu tư 124,5 triệu USD; tăng vốn cho 17 lượt dự án với tổng vốn đầu tư 87,44 triệu USD. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 211,94 triệu USD, bằng 82,54% so với cùng kỳ năm 2021.
Về dự án DDI, cấp mới 3 dự án với tổng vốn đầu tư 6.257,4 tỷ đồng; tăng vốn cho 1 lượt dự án với tổng vốn đầu tư 100,5 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn trong tháng 4 là 6.357,9 tỷ đồng. Lũy kế đến hết tháng 4/2022, trên địa bàn cấp mới 6 dự án với tổng vốn đầu tư 6.298,84 tỷ đồng; tăng vốn cho 5 lượt dự án với tổng vốn đầu tư 1.405,04 tỷ đồng. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng vốn là 7.703,46 tỷ đồng, bằng 151,95% so với cùng kỳ năm 2021.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn có những hạn chế trong thu hút vốn đầu tư FDI. Đó là: hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh mặc dù đã được quan tâm đầu tư trong những năm gần đây, nhưng vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư. Hệ thống giao thông ở khu vực gần các KCN cần được tiếp tục nâng cấp mở rộng để đáp ứng nhu cầu thu hút đầu tư. Tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, đặc biệt là công nhân kỹ thuật và kỹ sư ngày càng trở nên bức xúc trong điều kiện nhiều dự án FDI đặc biệt là các dự án lớn đi vào hoạt động. Tranh chấp lao động trong khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vẫn xảy ra, mâu thuẫn giữa chủ sử dụng lao động và người lao động, ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường đầu tư. Việc thu hút các dự án đầu tư công nghệ cao, chuyển giao công nghệ còn chậm, chưa tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều hạn chế, chậm được khắc phục. Nhiều KCN chưa bố trí đủ đất cho Nhà đầu tư hạ tầng triển khai dự án và giao đất cho các dự án quy mô lớn như cam kết. Sự chồng chéo, không thống nhất trong quy định pháp luật cũng là một rào cản khi nhà đầu tư nước ngoài tiếp cận Việt Nam nói chung và tỉnh Vĩnh Phúc nói riêng.
Để tiếp tục thu hút đầu tư, nhất là vốn đầu tư FDI, tỉnh đã có những giải pháp như: Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án KCN được Thủ tướng chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư. Huy động các nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng KT- XH thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư, trong đó trọng tâm là hạ tầng giao thông, điện, nước, viễn thông, hạ tầng xã hội tại các KCN, CCN, các khu đô thị, khu du lịch dịch vụ cao cấp; các dự án nhà ở xã hội cho công nhân, chuyên gia, người lao động trong các KCN.
Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến đầu tư, nhất là xúc tiến đầu tư tại chỗ. Tăng cường phối hợp, liên kết với các cơ quan Trung ương, các tỉnh bạn, các cơ quan quản lý nhà nước với các hiệp hội trong công tác xúc tiến đầu tư.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch lao động sang các ngành kinh tế có giá trị gia tăng cao. Nâng cao tỷ lệ lao động có đào tạo chuyên môn kỹ thuật, dạy nghề gắn với giải quyết việc làm. Xây dựng kế hoạch phát triển nguồn nhân lực đáp ứng đủ về số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu của các NĐT trong nước và nước ngoài.
Tăng cường thực hiện dịch vụ công cấp độ 3, mức độ 4 để giảm thiếu sự lây lan của dịch bệnh mà vẫn đảm bảo được việc thực hiện thủ tục hành chính không bị gián đoạn. Tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để DN đẩy nhanh tiến độ thực hiện của các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh; triển khai các chương trình, kế hoạch về cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xúc tiến đầu tư đã được phê duyệt.
Việt Anh