Thứ Bảy, 20/4/2024
Tích cực thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

UBND tỉnh cũng ban hành Quyết định số 2696 phê duyệt Đề án hoàn thiện chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2021-2025, đồng thời, ban hành Quyết định số 2635 phê duyệt Kiến trúc ICT phát triển đô thị thông minh tỉnh Vĩnh Phúc phiên bản 1.0. Đầu năm 2022, UBND tỉnh ban hành Chỉ thị số 04/CT-UBND về thúc đẩy chuyển đổi số tỉnh Vĩnh Phúc, Quyết định số 488/QĐ-UBND giao chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số cho các thủ trưởng cơ quan, chủ tịch UBND huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, cùng nhiều văn bản khác để chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, hướng dẫn phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.


 Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh ứng dụng CNTT trong tiếp nhận, giải quyết các thủ tục hành chính

Ban Thường vụ tỉnh ủy xác định chuyển đổi số là động lực phát triển toàn diện của tỉnh, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong lãnh đạo của các cấp ủy đảng, trong toàn bộ hoạt động của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân để thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững. 

Xác định hành động đầu tiên trong chuyển đổi số là chuyển đổi nhận thức, UBND tỉnh yêu cầu người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị phải thay đổi hướng đến phương pháp quản lý mới dựa trên các nền tảng số, dữ liệu số, hình thành cơ sở khoa học để dẫn dắt tổ chức thành công trong chuyển đổi số. Trước mắt, chủ động tự nghiên cứu, học tập các quan điểm, định hướng, văn bản, tài liệu, thông tin về chuyển đổi số; đồng thời, phổ biến cho cán bộ trong cơ quan, đơn vị để có sự nhận thức đúng, quyết tâm, đồng lòng thực hiện chuyển đổi số.

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của tỉnh ủy và UBND tỉnh, các cấp, các ngành, các tổ chức trên địa bàn đã tỉnh tích cực thực hiện chuyển đổi số và cũng đạt được một số kết quả bước đầu.

Ngay từ đầu năm, Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc đã ban hành kế hoạch triển khai thực hiện với các nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể về chuyển đổi số. Để thanh niên tiếp cận, khai thác và tham gia vào quá trình chuyển đổi số, trên cơ sở các nhiệm vụ Trung ương Đoàn, Tỉnh ủy, UBND tỉnh giao, Tỉnh đoàn đã ban hành kế hoạch; thành lập Tổ chuyển đổi số tham mưu BTV Tỉnh đoàn trong công tác chỉ đạo và quyết định chương trình hợp tác, cơ chế phối hợp với các đơn vị để thực hiện thành công các nhiệm vụ chuyển đổi số trong đoàn viên thanh niên, tổ chức đoàn các cấp; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đoàn viên, thanh viên về chuyển đổi số.

Trong đó, Tỉnh đoàn sẽ đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm; số hóa phần mềm quản lý nghiệp vụ đoàn viên, thúc đẩy chuyển đổi số trong công tác đoàn và phong trào thanh thiếu nhi; tổ chức đại hội thanh niên không giấy tờ, quét mà QR đọc tài liệu; số hóa việc học tập các nghị quyết, tài liệu, văn bản các cuộc họp; vận hành các trang thông tin điện tử trên các Fanpage, Zalo; tổ chức các cuộc thi, hội nghị, hội thảo theo hình thức livestream hoặc sử dụng các phần mềm online kết nối với các cơ sở đoàn..

Tiên phong trong chuyển đổi số, tháng 4/2022, Trung tâm dịch vụ việc làm thanh niên đã phối hợp với Công ty cổ phần cung ứng nhân lực chất lượng cao CLC triển khai ứng dụng i-HR trong tư vấn hướng nghiệp, giới thiệu việc làm cho thanh niên tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2022-2026 nhằm tạo sự tương tác trực tiếp, trực tuyến 24/7, kết nối nhanh chóng 3 bên: Người lao động - doanh nghiệp - cơ sở giáo dục.

Cùng bắt nhịp với chuyển đổi số, bên cạnh việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thời gian qua, một số hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cũng đã bắt đầu tận dụng mạng xã hội Zalo, facebook, xây dựng website bán hàng, tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử để quảng bá, tìm kiếm thị trường, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng một cách nhanh nhất.

Hiện có khoảng 30 hợp tác xã nông nghiệp đang thực hiện ứng dụng một hoặc một số loại công nghệ cao trong sản xuất và quản lý như: Lắp đặt hệ thống tưới tự động, công nghệ nhà lưới, nhà kính, nhà màng có hệ thống điều khiển bán tự động, dán tem truy xuất nguồn gốc; sử dụng các phần mềm quản lý kế toán, kê khai thuế, thư điện tử, lưu trữ dữ liệu, chữ ký số, camera giám sát hành trình...  Bên cạnh 1.400 sản phẩm nông nghiệp của 82 doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất đã được kết nối, quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên 2 sàn thương mại điện tử Postmart.vn và Voso.vn, nhiều hợp tác xã đã chủ động chia sẻ quá trình sản xuất, chế biến và thông tin về sản phẩm qua mạng xã hội, đồng thời, xây dựng, đăng ký tên miền cho website riêng để quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm.

Đồng hành cùng các hợp tác xã, tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, OCOP, phát triển thương mại điện tử…

Ngoài ra, hệ thống ngân hàng, các đơn vị cung cấp điện, nước, dịch vụ thiết yếu trong đời sống sinh hoạt cũng đã tích cực, tiên phong trong việc phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng phương thức thanh toán qua tài khoản hoặc các ví điện tử như Momo, Zalo Pay hay Viettel Money, góp phần mở rộng độ bao phủ, tăng tỷ lệ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh, tạo nền tảng để phát triển kinh tế số, xã hội số.

Đến nay, 100% các siêu thị, trung tâm thương mại có thiết bị thanh toán - POS không dùng tiền mặt; 55% người từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt mà sử dụng qua các kênh thanh toán điện tử. Toàn tỉnh hiện có 6.066 doanh nghiệp sử dụng nền tảng hóa đơn điện tử; trong hoạt động sản xuất kinh doanh nhiều doanh nghiệp thực hiện đặt hàng hoặc nhận đơn hàng thông qua các ứng dụng thương mại điện tử.

Trong phát triển kinh tế số, mục tiêu đến năm 2025, tỉnh phấn đấu tối thiểu có 1 doanh nghiệp công nghệ số/1.000 dân; trên 75% doanh nghiệp cung cấp dịch vụ và tham gia vào các giao dịch điện tử trên môi trường mạng; 100% các xã, phường, thị trấn ứng dụng thương mại điện tử phục vụ giao dịch nông, sản phẩm, hàng hóa. Kinh tế số chiếm trên 25% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 15%; năng suất lao động tăng bình quân trên 11%. Đến năm 2030, tỷ trọng kinh tế số chiếm 35% GRDP của tỉnh; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt trên 30%; năng suất lao động tăng bình quân trên 13%.

Để đạt mục tiêu đề ra, tỉnh đang thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Tài nguyên và môi trường, quy hoạch đô thị, du lịch, y tế, giáo dục, giao thông vận tải và logistics, hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, công nghiệp, nông nghiệp, tài chính - ngân hàng, thông tin và truyền thông, năng lượng; qua đó hình thành thị trường để phục vụ các doanh nghiệp trên địa bàn. Đồng thời, đầu tư, hình thành khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung; nâng cấp hạ tầng và nền tảng số cho các khu công nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh nhằm nâng cao chất lượng, dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế để thu hút các tập đoàn, các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông. Phát triển doanh nghiệp công nghệ số, chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang làm sản phẩm theo định hướng “Make in Viet Nam” - sáng tạo tại Việt Nam, thiết kế tại Việt Nam và sản xuất tại Việt Nam tại các khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, đóng góp vào phát triển kinh tế số. Cùng với đó, phát triển thương mại điện tử, đưa hạ tầng bưu chính số trở thành một bộ phận trong hệ thống logistics về thương mại điện tử, đồng thời hỗ trợ bán sản phẩm, hàng hóa tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp nhằm thúc đẩy phát triển làng nghề truyền thống và ngành nông nghiệp, để mỗi xã nông thôn mới thành một siêu thị nông sản trực tuyến. Hỗ trợ chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, làng nghề truyền thống cung cấp sản phẩm, dịch vụ trên các nền tảng số, để tái cấu trúc, nâng cao năng lực nội tại của doanh nghiệp, làng nghề.

Đức Anh

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất