Quá trình tôi công tác là quá trình mà tôi luôn cố gắng học hỏi, tích lũy thêm cho mình những kiến thức vềcông tác dân vận, bởi đó là nền tảng, là cốt lõi để bản thân tôi cũng như những người đã và đang công tác trong ngành dân vận hiểu và làm tốt nhiệm vụ của mình.
Cách đây hơn10 năm, lần đầu tiên tôi đọc bài báo “Dân vận”, được in trong cuốn sổ công tác, tôi bị cuốn hút một cách lạ kỳ bởi giọng văn và cách dẫn dắt rất “dân vận” của tác giả X.Y.Z (Bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh).
Tôi đọc lại tác phẩm, đọc lại nhiều lần, suy nghĩ cách dùng từ, đặt câu, sắp từng chữ, từng câu của Bác; chỉ với 612 từ, tôi bỗng thấy “tâm sáng, trí thông”, tôi nhận ra rằng, có quá nhiều giá trị cốt lõi của bài báo mà nếu hời hợt, qua loa, thì không thể hiểu một cách thấu đáo, tường tận. Và hình như mình hiểu công tác dân vận hơn khi mình đang làm công tác dân vận vậy thì nếu không phải là cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận, nếu hời hợt thiếu để tâm, liệu có thấu, có rõ vai trò, ý nghĩa và cách thức thực hiện công tác dân vận, như Bác nói, tất cả cán bộ phải làm công tác dân vận. Thực tế, trong nhiều năm qua, nhiều người, trong đó có cán bộ, đảng viên không biết, không hiểu nhiều về công tác dân vận. Thậm chí, có cán bộ đang làm công tác dân vận, vẫn không hiểu thực sự về công tác mình đang làm. Ngay đầu bài báo, Người viết “Vấn đề Dân vận nói đã nhiều, bàn đã kỹ nhưng vì nhiều địa phương, nhiều cán bộ chưa hiểu thấu, làm chưa đúng, cho nên cần phải nhắc lại”. Từng chữ, rất rõ ràng, nói thẳng vấn đề và rất thuyết phục mà Bác đặt ra 73 năm trước, thực tế cho thấy còn nhiều cán bộ hiểu chưa thấu, làm chưa đúng; dường như, hiện nay vẫn đang diễn ra, dường như đó cũng là lời tiên đoán của Bác mà đến hôm nay vẫn vẹn nguyên giá trị.
Những chỉ dẫn về công tác dân vận của Bác, sâu sắc mà giản dị, thể hiện phong cách viết báo của Người: Viết cho ai? Viết để làm gì? Viết cái gì? và Viết như thế nào?. Bài báo chia thành bốn mục lớn: I. Nước ta là nước dân chủ; II. Dân vận là gì?; III. Ai phụ trách dân vận?; IV. Dân vận phải thế nào? Mỗi mục đều rõ ràng, dễ hiểu, thể hiện rõ lối văn chính luận đại chúng. Bác Hồ của chúng ta đã không đưa bài viết này vào bất kỳ quyển sách hay hồ sơ nào mà phải là một bài báo, có lẽ vì Bác muốn nó được lan truyền rộng rãi, để nó phổ thông, đại chúng hơn, để nhiều người có điều kiện đọc, hiểu về công tác dân vận, cả cán bộ đảng viên, lẫn nhân dân.
Mở đầu bài báo, Bác chỉ rõ cho cán bộ, đảng viên về bản chất của Nhà nước ta: “Nước ta là nước dân chủ”. Nhờ bản chất tốt đẹp của Nhà nước mà Đảng ta đã hiệu triệu được toàn dân đứng lên một lòng theo Đảng tiến hành sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, xây dựng nhà nước mà người dân thực sự là chủ: Bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân.Như vậy, “Nước ta là nước dân chủ” chính là cơ sở, tiền đề, mục tiêu, có tính chất quyết định trong công tác dân vận.
|
Nghệ nhân hướng dẫn cách làm và giới thiệu nét đặc sắc của gốm Hương Canh
(Thị trấn Hương Canh, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc) cho khách du lịch
|
Bác nhắc tới vai trò của cán bộ chính quyền trước tiên, không phải ngẫu nhiên, mà rất có chủ đích, Bác rất xem trọng vai trò của của công tác dân vận chính quyền, để rồi 60 năm sau, có “Năm dân vận chính quyền”. Chính quyền không những chỉ phải làm dân vận mà còn có nhiều điều kiện làm công tác dân vận thuận lợi hơn. Theo Bác, công chức nhà nước là người thay mặt nhà nước trong ứng xử với nhân dân, thì chính đội ngũ công chức trong các cơ quan công quyền phải là người đầu tiên làm dân vận. Chính vì chưa nhận thức sâu sắc việc dân vận chính quyền trong công chức nhà nước, từ đó mới xảy ra tình trạng quan liêu, tham nhũng... Không phải nói lực lượng làm công tác dân vận chỉ là đội ngũ cán bộ chính quyền, mà coi nhẹ vai trò của các đoàn thể, mà ở đây Bác muốn nhấn mạnh lực lượng làm công tác dân vận phải rất đông đảo, với nhiều tổ chức, cá nhân cùng tham gia. Đó chính là sức mạnh nói chung, trên các phong trào cách mạng nói chung, trên các mặt trận và lĩnh vực cụ thể nói riêng, trong đó có lĩnh vực dân vận. Vì vậy, mấu chốt của vấn đề là xây dựng đội ngũ cán bộ hiện nay, không chỉ phải đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng về trình độ, năng lực mà phải có sự toàn tâm, toàn ý vì dân, vì nước. Đấy chính là tư tưởng của Bác, sức sống và hiệu ứng xã hội của một bài báo vẫn lan tỏa vô cùng lớn trong 73 năm qua, bởi chính sự gần gũi, mộc mạc, chân tình, vừa như là lời gửi gắm, động viên, vừa là lời nhắc khéo, sự chỉ dẫn đối với đội ngũ cán bộ.
Bác giải thích cặn kẽ “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Tôi thực sự thấm thía với cụm từ “không để sót một người dân nào”, bởi lực lượng cách mạng cần phải làm tốt công tác vận động nhân dân đứng về phía cách mạng và vận động cả người dân đang đứng phía đối lập về với cách mạng, để thực hiện thành công sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Người chỉ rõ ràng 4 bước quan trọng, nhất thiết phải làm trong công tác dân vận, đó là: Phải tìm mọi cách giải thích cho mỗi một người dân hiểu rõ ràng: Việc đó là lợi ích cho họ và nhiệm vụ của họ, họ phải hăng hái làm cho kỳ được; bất cứ việc gì đều phải bàn bạc với dân, hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân, cùng với dân đặt kế hoạch cho thiết thực với hoàn cảnh địa phương, rồi động viên và tổ chức toàn dân ra thi hành; trong lúc thi hành phải theo dõi, giúp đỡ, đôn đốc, khuyến khích dân; khi thi hành xong phải cùng với dân kiểm thảo lại công việc, rút kinh nghiệm, phê bình, khen thưởng. “Dân vận là phải đúng, phải khéo”, đúng là khoa học, khéo là nghệ thuật, trong đó nghệ thuật thể hiện qua văn hóa ứng xử một cách tinh tế với dân, làm sao để dân hiểu, dân tin, dân theo, dân giúp sức.
Bác còn nhấn mạnh “Dân vận là phải thật thà nhúng tay vào việc” tức là nếu rõ làm dân vận thì nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, chủ yếu là hành động, hành động phải qua suy nghĩ dẫn lối. Điều này cũng làm chúng ta phải suy nghĩ, trăn trở nhiều, bởi lẽ hiện nay, không ít cán bộ vẫn còn thói quen là tiếp dân theo quy định, định kỳ, đột xuất chứ không thực tâm lắng nghe dân, làm những gì dân mong mỏi, hoặc có làm nhưng chiếu lệ, không đi sâu, đi sát thực tế giải quyết những vấn đề mà dân cần, dân quan tâm; thực hiện nhiệm vụ tiếp dân của cán bộ chính quyền, mới thấy cán bộ tiếp dâncũng giải thích, cũng đã tiếp dân “đúng quy định” nhưng chưa tận tình. Với những vấn đề của dân không chú trọng, không trăn trở. Điều đó không vi phạm quy định nhưng chưa thật thà, chưa tận tâm.
Người thẳng thắn phê phán nhiều nơi đã mắc sai lầm rất to, rất có hại, đó là “xem khinh việc dân vận. Cử ra một ban hoặc vài người, mà thường cử những cán bộ kém rồi bỏ mặc họ. Vận được thì tốt, vận không được cũng mặc. Những cán bộ khác không trông nom, giúp đỡ, tự cho mình không có trách nhiệm dân vận”.
Cuối bài báo, Người khẳng định: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công. Thực tiễn cách mạng nước ta đã chứng minh “Dân ủng hộ nhiều thì thắng lợi nhiều, dân ủng hộ ít thì thắng lợi ít, dân ủng hộ giúp đỡ hoàn toàn thì thắng lợi và thành công hoàn toàn”. Rõ ràng, Bác khẳng định tính cần thiết phải làm công tác dân vận không chỉ vì Bác thấy rõ vai trò của nhân dân mà Bác rất tôn trọng nhân dân, yêu quý nhân dân. Bác từng khẳng định“Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh mẽ bằng lực lượng đoàn kết của dân”, và tận đến những giây phút cuối cùng của đời Bác, Bác còn hỏi về dân, về đời sống của dân, nhất là nông dân và nông thôn.
Đến nay, trong ngành Dân vận chúng ta, ai cũng biết bài “Dân vận”, đăng lần đầu tiên trên báo Sự thật, số ra ngày 15/10/1949; ở đó toát lên giá trị trường tồn về mẫu hình người cán bộ dân vận của Hồ Chí Minh đến nay vẫn còn nguyên giá trị trong 12 từ “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”. Với nhận thức và tình cảm với Bác và với tác phẩm “Dân vận”, với vai trò là đảng viên, là cán bộ trực tiếp làm công tác vận động quần chúng, phải thực hành “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” hết mình với công việc, với nhân dân.
Nhớ lời dạy ân cần của Bác “Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, tôi và những cán bộ làm công tác dân vận Vĩnh Phúc luôn ghi nhớ, vận dụng lời dạy của Bác vào thực tiễn công tác, thực hành điều Bác dạy nhuần nhuyễn và linh hoạt vào thực hiện nhiệm vụ được giao. Với riêng cá nhân tôi, đó luôn là kim chỉ nam soi đường cho mọi hành động trong việc thực hiện công tác dân vận, tôi luôn nhắc nhở bản thân phải không ngừng trau dồi, bồi đắp hơn nữa năng lực nghiệp vụ chuyên môn cũng như phẩm chất đạo đức, rèn đức bồi tài, để có thể ra sức đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của riêng ngành dân vận tỉnh nhà cũng như cả nước, và trên hết là sự phát triển tốt đẹp của đất nước.
Chặng đường hơn 10 năm công tác tại Ban Dân vận Tỉnh ủy đã hình thành trong tôi niềm tin vững chắc vào sự nghiệp dân vận trong 92 năm qua. Niềm tin ấy là luồng sinh khí tạo nên năng lượng tích cực trong tôi, trong mỗi người làm công tác dân vận, góp một phần nhỏ vào sự nghiệp phát triển chung của tỉnh nhà, làm cho Vĩnh Phúc dần lớn mạnh, vững bước hướng tới một đô thị hiện đại, thông minh, an lành, hòa nhịp cùng sự phát triển chung của đất nước trong giai đoạn mới./.
Nguyễn Tiến Đức - Ban Dân vận Tỉnh ủy Vĩnh Phúc