Để thực hiện mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp Vĩnh Phúc theo hướng phát triển toàn diện, nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao nông thôn hiện đại và nông dân thông minh, chuyển đổi số đang được xác định là một trong những giải pháp quan trọng nhằm khắc phục những khó khăn, tồn tại của ngành Nông nghiệp tỉnh nhà.
|
Công ty TNHH Nấm Phùng Gia ứng dụng tự động hóa điều tiết nhiệt độ, ẩm độ trong sản xuất nấm ăn công nghệ cao |
Nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số theo Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Căn cứ vào tình hình thực tiễn của tỉnh, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Vĩnh Phúc đã chủ động xây dựng kế hoạch với các chỉ tiêu cụ thể như: 100% dịch vụ công trực tuyến cung cấp ở mức độ 4 được xác thực một lần; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến trên tổng số hồ sơ đạt 30%; tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến với Cổng Dịch vụ công của tỉnh; 80% hồ sơ công việc được xử lý trên môi trường mạng; bảo đảm an toàn thông tin mạng theo mô hình 4 lớp; hoàn thành xác định cấp độ an toàn hệ thống thông tin; trên 80% cán bộ, công chức, viên chức của Sở được tập huấn, bồi dưỡng về kỹ năng số, trong đó, 10% được tập huấn, bồi dưỡng về chuyên sâu kỹ năng phân tích và xử lý dữ liệu… Cùng với đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đề ra là phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, ứng dụng các tiến bộ công nghệ trong hoạt động quản lý nguồn nước, phát triển biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm hướng đến ngành nông nghiệp thông minh; ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp tập trung vào sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh.
Đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, ngay những tháng đầu năm, Sở đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và doanh nghiệp, người dân về tính cấp thiết của chuyển đổi số; giao người đứng đầu cấp ủy, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc chịu trách nhiệm trực tiếp về kết quả chuyển đổi số tại đơn vị thuộc lĩnh vực phụ trách. Đồng thời, đẩy mạnh số hóa kết quả giải quyết thủ tục hành chính; kết nối chia sẻ cơ sở dữ liệu ngành theo dạng dữ liệu mở tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong quá trình tiếp cận; ưu tiên ứng dụng công nghệ số trong quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chỉ dẫn địa lý, hướng dẫn, khuyến khích nông dân thực hiện thương mại điện tử trong nông nghiệp, tập trung vào sản phẩm OCOP, sản phẩm chủ lực của tỉnh…
Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, tính đến đầu tháng 10/2022, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thành 17/19 chỉ tiêu, nhiệm vụ chuyển đổi số được giao trong năm 2022. Trong đó, điểm nhấn là hạ tầng công nghệ thông tin từng bước được đầu tư, nâng cấp, hoàn thiện; 100% cơ quan, đơn vị trực thuộc đã triển khai chữ ký số, chứng thực số và tất cả các văn bản đi, đến đã thực hiện theo quy trình và ký số qua phần mềm quản lý văn bản và điều hành của sở; các thủ tục hành chính được cải cách, đơn giản, công khai minh bạch, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Đặc biệt, tỷ lệ các hộ chăn nuôi, trồng trọt ứng dụng công nghệ thông tin, giao dịch thương mại điện tử, phát triển nông nghiệp công nghệ cao ngày càng tăng. Đến nay, đã có gần 150 gian hàng nông sản của các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất được đăng ký trên các sàn thương mại điện tử.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là những kết quả bước đầu, để thực hiện thành công nhiệm vụ chuyển đổi số, bên cạnh những giải pháp đang thực hiện, thời gian tới, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về các hoạt động của ngành; tạo điều kiện cho mọi thành phần trong xã hội đều có thể cập nhật thông tin và tham gia vào các hoạt động ứng dụng công nghệ số trong quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; quản lý, giám sát nguồn gốc. Cùng với đó, tiếp tục đề xuất, có thêm các cơ chế, chính sách phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, tạo đột phá nông nghiệp thông minh 4.0; xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, ứng dụng các thiết bị cảm biến và thiết bị thông minh được kết nối và điều khiển tự động trong suốt quá trình sản xuất… Qua đó, tạo sự thay đổi từ nhận thức đến hành động về chuyển đổi số của cơ quan, đơn vị thuộc ngành và tổ chức, cá nhân tham gia chuỗi giá trị nông nghiệp, từng bước hoàn thành mục tiêu nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao nông thôn hiện đại và nông dân thông minh.
BP