Thứ Bảy, 28/12/2024
Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc 60 năm thực hiện lời căn dặn của Bác

Sau 29 năm hợp nhất với tỉnh Phú Thọ, ngày 6/11/1996, tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá IX đã ra Nghị quyết về việc tách tỉnh Vĩnh Phú thành 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Phú Thọ. Tỉnh Vĩnh Phúc được tái lập và đi vào hoạt động từ ngày 01/01/1997.

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn luôn đoàn kết, chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, phát huy truyền thống cách mạng, phát huy lợi thế, sáng tạo, đổi mới, nỗ lực, quyết tâm vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

- Về phát triển kinh tế

Kinh tế của tỉnh có sự thay đổi mạnh mẽ, có năm tăng trưởng trên 20%. Trong giai đoạn 1997-2021, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh đạt khá cao, bình quân tăng 13,4%/năm, trong đó ngành công nghiệp - xây dựng tăng 20,13%/năm (riêng công nghiệp tăng 21,44%/năm), ngành dịch vụ tăng 9,72%/năm và ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 4,85%/năm; riêng năm 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng 8,29% (đứng thứ 9 cả nước); năm 2022, vượt qua nhiều khó khăn, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, kinh tế - xã của tỉnh phục hồi ấn tượng, tăng trưởng mạnh mẽ, dự kiến cả 17/17 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh đề ra; tốc độ tăng trưởng kinh tế ước đạt 9,54%, là mức cao nhất từ năm 2014 đến nay, cao hơn bình quân chung cả nước (ước tăng 8%).

Cơ cấu kinh tế của tỉnh có sự chuyển dịch tích cực. Khu vực công nghiệp và xây dựng giữ vai trò đầu tàu trong tăng trưởng kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh. Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm. Ước năm 2022, tỷ trọng khu vực công nghiệp ‑ xây dựng chiếm khoảng 64,43%, tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm khoảng 28,72% và khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm khoảng 6,85%.

Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh tăng trưởng rõ rệt theo từng năm, từng giai đoạn: Năm đầu mới tái lập chỉ đạt 114 tỷ đồng và từ khi tái lập tỉnh đến nay, mặc dù nhiều thời điểm gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu và khu vực, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh... nhưng Vĩnh Phúc luôn nằm trong TOP các địa phương trong cả nước có số thu cao nhất, là một trong 16 tỉnh có điều tiết về Ngân sách Trung ương và tỷ lệ điều tiết của tỉnh khá cao (47%). Trong giai đoạn 2016-2021, số thu ngân sách của tỉnh bình quân hằng năm đạt từ 32-33 nghìn tỷ đồng, đặc biệt năm 2019 đạt trên 35 nghìn tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 mặc dù tác động của đại dịch Covid-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt 32,59 nghìn tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 27,86 nghìn tỷ đồng); năm 2021 đạt 33.077 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 28.410 tỷ đồng) và năm 2022, ước tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt 35.700 tỷ đồng, tăng 8,5% so với năm 2021 và cao nhất từ trước nay (trong đó thu nội địa đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 6,2%).

GRDP bình quân đầu người liên tục tăng trưởng, vượt mức bình quân của cả nước; năm 2020 đạt 105,5 triệu đồng/người/năm (tương đương 4.500 USD), cao gấp 1,73 lần so với mức trung bình của cả nước (2.779 USD), đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc Vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng vị trí thứ 10/63 tỉnh/thành phố cả nước; năm 2021, đạt 115,12 triệu đồng/người/năm (khoảng trên 4.800 USD), cao gấp 52,81 lần so với GRDP bình quân đầu người năm 1997 (năm 1997 đạt 2,18 triệu đồng/người/năm); năm 2022 ước đạt khoảng 127,9 triệu đồng/người/năm, dự kiến tiếp tục nằm trong top 10 địa phương có GRDP bình quân đầu người cao nhất cả nước.

Công tác thu hút đầu tư, xúc tiến, cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Phương châm của tỉnh là“Tất cả các nhà đầu tư đến Vĩnh Phúc đều là công dân của Vĩnh Phúc, sự thành công của các nhà đầu tư cũng là thành công của Vĩnh Phúc. Đặc biệt, ngày 01/9/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 01-NQ/TU về một số giải pháp cơ bản cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2021 nhằm nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Đồng thời, UBND tỉnh triển khai và duy trì thường xuyên chương trình “Lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc gặp gỡ với doanh nhân hằng tuần” nhằm tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trên địa bàn. Môi trường đầu tư kinh doanh thường xuyên được cải thiện và được các nhà đầu tư đánh giá cao. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI của Vĩnh Phúc có sự bứt phá ngoạn mục. Từ vị trí xếp hạng 43/63 tỉnh, thành năm 2012, Vĩnh Phúc đã vươn lên vị trí thứ 4/63 tỉnh, thành trong năm 2015 và vị trí thứ 5/63 tỉnh, thành trong năm 2021.

Kết quả thu hút đầu tư của tỉnh tăng rất cao, năm 1998, trên địa bàn tỉnh mới chỉ thu hút được 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI). Dự kiến năm 2022 toàn tỉnh thu hút được 453 triệu USD vốn FDI (đạt 107% kế hoạch) và 12.500 tỷ đồng vốn DDI, vượt mục tiêu kế hoạch đề ra. Lũy kế đến hết năm 2022, dự kiến trên địa bàn tỉnh có 1.278 dự án, trong đó, có 450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư 7,53 tỷ USD và 828 dự án DDI với tổng vốn đầu tư 125 nghìn tỷ đồng.

Về phát triển doanh nghiệp, Vĩnh Phúc đã có những bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997, toàn tỉnh chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng; năm 2021 có trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 141 lần so với năm 1997) với số vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng; năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 1.300 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 21 nghìn tỷ đồng. Lũy kế đến hết năm 2022, toàn tỉnh ước có khoảng 13.500 doanh nghiệp đăng ký kinh doanh với tổng số vốn đăng ký trên 160 nghìn tỷ đồng, trong đó có khoảng 9.500 doanh nghiệp thực tế hoạt động (tương đương trên 70% doanh nghiệp đăng ký thành lập) đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng, thu ngân sách và giải quyết việc làm cho nhân dân trong tỉnh.

Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nông thôn mới được quan tâm đầu tư, từng bước hoàn thiện

Đô thị Vĩnh Phúc phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng. Diện mạo đô thị văn minh, hiện đại, thành phố trực thuộc Trung ương đang dần hiện hữu. Toàn tỉnh đã có gần 30 đô thị, trong đó, thành phố Vĩnh Yên là đô thị loại II giữ vai trò trung tâm kinh tế - văn hóa - chính trị của tỉnh; thành phố Phúc Yên là đô thị loại III và các đô thị khác thuộc các huyện. Nhiều dự án lớn, trọng điểm của tỉnh không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng của Nhân dân mà còn tạo điểm nhấn quan trọng trong không gian đô thị Vĩnh Phúc.

Bộ mặt nông thôn có nhiều khởi sắc, xây dựng nông thôn mới được chú trọng và đã đạt được những kết quả quan trọng. Tỉnh đã sớm hoàn thành công tác quy hoạch xây dựng nông thôn mới từ năm 2011; huy động cả hệ thống chính trị, các tổ chức và người dân cùng tham gia xây dựng nông thôn mới. Đến hết năm 2021, toàn tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, có 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 53 thôn đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu, 4/9 đơn vị cấp huyện được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có 61 sản phẩm được cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.

Hạ tầng giao thông thường xuyên được đầu tư, nâng cấp. Các tuyến đường quốc lộ đều được nhựa hóa 100%; các tuyến đường tỉnh lộ, huyện lộ đều được cứng hóa 100% và các tuyến đường từ trung tâm hành chính tỉnh đến trung tâm huyện đều được mở rộng, cải tạo nâng cấp. Các tuyến giao thông nông thôn năm 1997 mới cứng hoá đạt 2,6% đến nay đã kiên cố hóa đạt 95% và giao thông nội đồng cứng hóa đạt 65%.

Hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tiếp tục được quan tâm đầu tư. Số lượng khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh phát triển mạnh, thời điểm tái lập tỉnh mới chỉ có 1 khu công nghiệp Kim Hoa với quy mô 50ha; lũy kế đến hết năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 16 KCN được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích đất quy hoạch là 3.110,25 ha. Cơ bản các KCN đã đi vào hoạt động có hệ thống hạ tầng kỹ thuật đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư như: Khu công nghiệp Bá Thiện, Bá Thiện II, Bình Xuyên II, Thăng Long Vĩnh Phúc... Toàn tỉnh hiện có 16 cụm công nghiệp, tổng diện tích 423,974 ha được UBND tỉnh giao chủ đầu tư xây dựng, kinh doanh.

Hạ tầng du lịch nhất là ở các khu du lịch trọng điểm như: Tam Đảo, Khu danh thắng Tây Thiên, Đại Lải… được đầu tư, nâng cấp. Hệ thống giao thông kết nối các khu du lịch cơ bản được hoàn thiện và thường xuyên bảo trì. Các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, lễ hội tâm linh, du lịch cộng đồng (homestay), du lịch kết hợp với hội nghị, hội thảo (du lịch MICE), du lịch nghỉ dưỡng cuối tuần, du lịch nông thôn… đã và đang được phát triển. Lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng tại tỉnh tăng đáng kể, năm 1997 toàn tỉnh đón 45 nghìn lượt khách (trong đó khách quốc tế 2,5 nghìn lượt; khách nội địa 42,5 nghìn lượt). Năm 2022, ước đạt 8,2 triệu lượt, tăng hơn 4 lần so với năm 2021 (trong đó, khách quốc tế khoảng 73,5 nghìn lượt, khách nội địa khoảng 8,13 triệu lượt khách); doanh thu du lịch ước đạt 3.282 tỷ đồng, tăng 2 lần so với năm 2021.

- Về văn hóa – xã hội

Các lĩnh vực văn hóa – xã hội của tỉnh tiếp tục phát triển, từng bước kết hợp hài hòa với tăng trưởng kinh tế.

Sự nghiệp giáo dục và đào tạo không ngừng phát triển cả về quy mô, chất lượng và hiệu quả giáo dục, đáp ứng nhu cầu học tập của Nhân dân và yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phục vụ sự nghiệp phát triển của tỉnh. Hệ thống mạng lưới trường lớp từ mầm non đến trung học phổ thông được quy hoạch, đầu tư cơ bản hoàn chỉnh. Cơ sở vật chất, thiết bị dạy học được trang bị đồng bộ theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Vĩnh Phúc luôn được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Chất lượng giáo dục toàn diện chuyển biến tích cực, các chỉ số chung của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Vĩnh Phúc có nhiều học sinh đạt huy chương trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước.

Sự nghiệp y tế, công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân được chú trọng, có nhiều tiến bộ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế được quan tâm đầu tư. Tỉnh đã đầu tư xây dựng và hoàn thành một số công trình lớn như: Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản ‑ Nhi quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện. Mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được củng cố và hoàn thiện. 100% trạm y tế xã: có bác sỹ làm việc, có nữ hộ sinh hoặc y sỹ sản nhi và đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã. Năm 2022 ước đạt 14,4 bác sỹ/vạn dân. Công tác phòng chống dịch bệnh, giám sát dịch bệnh được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, thực hiện ở cả 3 tuyến, các dịch bệnh nguy hiểm được khống chế kịp thời.

Công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo, an sinh xã hội và đền ơn đáp nghĩa được tỉnh đặc biệt quan tâm, duy trì thường xuyên và đạt được nhiều kết quả tích cực. Bình quân hằng năm Vĩnh Phúc giải quyết việc làm cho trên 20 ngàn lao động, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội và góp phần vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. Năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều của tỉnh ước còn 1,08%. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. Chính sách đối với người có công, hộ nghèo, người nghèo... được thực hiện tốt. Các phong trào từ thiện, nhân đạo, đền ơn đáp nghĩa được tổ chức thường xuyên và thu hút sự hưởng ứng của xã hội. Công tác bảo trợ xã hội được quan tâm. Đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội tăng nhanh. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế năm 2022 ước đạt 94,65% dân số.

Hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ngày càng phát triển, góp phần làm phong phú đời sống tinh thần của Nhân dân. Nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể mang đậm bản sắc văn hóa Vĩnh Phúc đã được nghiên cứu, sưu tầm và từng bước được hệ thống hóa. Toàn tỉnh hiện có 1.303 di tích, di chỉ, đình, đền, chùa, miếu; trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt (di tích danh thắng Tây Thiên - Tam Đảo, kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, đình Thổ Tang), 65 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 446 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Năm 2009, UNESCO đã đưa ca trù vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp;  năm 2015 trò chơi kéo song Hương Canh được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Năm 2018, tháp gốm men chùa Trò (chùa Trò, xã Yên Phương, huyện Yên Lạc) được công nhận là bảo vật quốc gia. Năm 2019, nghi lễ rước nước thờ thần linh thiêng tại đền Ngự Dội, hát Soọng cô, Trống quân Đức Bác tình tứ, giao duyên được ghi danh văn hóa phi vật thể quốc gia… thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan, nghiên cứu.

Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng cơ quan văn hóa đã nhận được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, đơn vị và sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân. Năm 2022, ước toàn tỉnh có 92% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa; 93% thôn, tổ dân phố văn hóa và trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa.

Hoạt động thể thao quần chúng ngày càng phát triển. Tỷ lệ người dân tham gia luyện tập thể thao thường xuyên đạt 53%. Chất lượng thể thao thành tích cao ngày càng được nâng lên và đạt những kết quả đáng khích lệ. Năm 2022, Vĩnh Phúc đoạt 83 huy chương tại các giải đấu trong nước, quốc tế, trong đó có 26 huy chương vàng; đặc biệt, tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công 2 môn Muay và Golf thuộc khuôn khổ Đại hội thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Seagame 31) tại tỉnh, các vận động viên của tỉnh tham gia đội tuyển quốc gia đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với thành tích 6 huy chương vàng.

- Về quốc phòng an ninh, luôn được củng cố, tăng cường, an ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội đảm bảo. Hàng năm, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân vững chắc. Triển khai mạnh mẽ các biện pháp đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội; tăng cường công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; góp phần đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông trên địa bàn. Phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” gắn với các phong trào thi đua yêu nước thường xuyên được đổi mới về nội dung, hình thức, biện pháp triển khai. Vĩnh Phúc đã hoàn thành việc bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã tại 120/120 xã, thị trấn.

- Về công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị

Tỉnh uỷ luôn coi trọng công tác xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh, đặc biệt đã xây dựng, củng cố sự đoàn kết, thống nhất trong tổ chức Đảng, trong cán bộ, đảng viên.

Công tác tư tưởng, giáo dục lý luận chính trị, tuyên truyền được quan tâm, chất lượng, hiệu quả được nâng lên. Đảng bộ đã tạo được sự thống nhất về tư tưởng và hành động, qua đó tạo được sự đồng thuận trong Nhân dân, động viên cổ vũ các tầng lớp nhân dân thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Hệ thống tổ chức Đảng từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, dân chủ được mở rộng và phát huy, nguyên tắc tập trung dân chủ được giữ vững. Tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng đạt trong sạch vững mạnh ngày một tăng. Tỷ lệ đảng viên đủ tư cách hoàn thành tốt nhiệm vụ năm sau cao hơn năm trước. Công tác phát triển Đảng được coi trọng. Hệ thống tổ chức đảng ngày càng phát triển, củng cố, kiện toàn, khi mới tái lập tỉnh có 474 tổ chức cơ sở đảng với 3,7 vạn đảng viên, đến nay, đã phát triển, kiện toàn được 625 tổ chức cơ sở đảng, với gần 7,3 vạn đảng viên. Việc rà soát, sàng lọc, đưa đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng được thực hiện nghiêm túc.

Công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong Đảng được chú trọng với phương châm không ngại va chạm, không có “vùng cấm”, đã có những tác dụng thiết thực trong việc cảnh tỉnh, giáo dục và răn đe đối với các biểu hiện vi phạm; có hiệu quả rõ nét trong việc nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên trong việc chấp hành và tổ chức thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước; giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật Đảng, có hiệu quả tích cực trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí.

Công tác dân vận từng bước được đổi mới theo hướng sát dân sát cơ sở, động viên các tầng lớp nhân dân phát huy khối đại đoàn kết toàn dân chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, hăng hái thi đua phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết, gắn bó giữa Đảng, chính quyền và Nhân dân.

Với những thành tích xuất sắc đạt được, từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Vĩnh Phúc vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất năm 2007, Huân chương Hồ Chí Minh năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhất (lần 2) năm 2015, Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2017, Huân chương Lao động hạng Nhất (lần thứ 2) năm 2020 và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đây không chỉ là niềm tự hào, còn là động lực to lớn để Đảng bộ, Nhân dân trong tỉnh tiếp tục phấn đấu đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong thời gian tới.

 

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi