Thứ Sáu, 13/9/2024
Nông dân Vĩnh Phúc bắt nhịp với công nghệ 4.0

Hiểu rõ nho là giống cây đòi hỏi việc chăm sóc tỉ mỉ và phải có hệ thống mái che, có lượng nước tưới phù hợp cây mới phát triển tốt nên ngay khi bắt tay vào xây dựng mô hình, anh Dương Văn Hiệp, xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên đã lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt, vừa giúp tiết kiệm công lao động, vừa dễ điều chỉnh lượng nước và thời gian tưới, giúp cây sinh trưởng, phát triển tốt, đạt năng suất cao. 


 

Anh Hiệp cho biết: Hệ thống tưới nhỏ giọt giúp tiết kiệm từ 30 - 60% nước so với phương pháp tưới truyền thống. Với hệ thống này, người dân vừa có thể đưa nước, phân bón đến đúng vị trí cây trồng với liều lượng vừa đủ thông qua hệ thống van, đường ống, máy bơm, được kết nối và điều khiển qua hệ thống máy tính kiểm soát. Đặc biệt hơn, nhờ có đầu cảm ứng cắm vào đất và lắp đặt chung với hệ thống tưới nhỏ giọt, cây trồng sẽ hấp thu tối đa lượng nước được cấp; còn người dân sẽ tiết kiệm được điện năng, chi phí bảo trì hệ thống; năng suất, chất lượng cây trồng tăng. 

Theo đánh giá của các ngành chức năng, công nghệ số không chỉ được áp dụng trong sản xuất mà còn được bà con nông dân ứng dụng để giới thiệu, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm qua mạng xã hội và sàn giao dịch thương mại điện tử. Tiêu biểu như Hợp tác xã Nấm Tam Đảo, huyện Tam Đảo. Là đơn vị nuôi cấy thành công nấm Đông trùng hạ thảo được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Giấy chứng nhận bảo hộ thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đồng thời, được công nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn, sản phẩm OCOP, quà tặng du lịch Vĩnh Phúc, Hợp tác xã Nấm Tam Đảo đã chủ động phát triển các kênh quảng bá, giới thiệu sản phẩm thông qua các website, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội bên cạnh các hoạt động kết nối giao thương, xúc tiến thương mại trực tiếp.

Hiện Hợp tác xã duy trì 3 trang fanpage trên nền tảng mạng xã hội Facebook, gồm: Bảo tồn nấm Tam Đảo; Đông trùng hạ thảo Tam Đảo và Hợp tác xã nấm Tam Đảo…thu hút hàng nghìn lượt người theo dõi, tương tác; duy trì 3 website quảng bá các sản phẩm được tinh chế từ nấm Đông trùng hạ thảo đến khách hàng online. Bên cạnh đó, Hợp tác xã còn chủ động đầu tư kinh phí, bố trí nhân lực phát triển ứng dụng “Shop đặc sản Việt” trên các phần mềm điện thoại để người tiêu dùng tiện tra cứu, nhận các ưu đãi, phản ánh chất lượng dịch vụ, sản phẩm. Nhờ đó, doanh thu của Hợp tác xã tăng gấp đôi so với thời điểm chưa áp dụng bán hàng trên các nền tảng số…

Đồng hành cùng người nông dân, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến, xây dựng thương hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ truy xuất nguồn gốc, xây dựng thương hiệu sản phẩm thông qua các chương trình, đề án hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, OCOP, phát triển thương mại điện tử...Tính từ đầu năm đến nay, Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh hướng dẫn đăng ký trên 680 tài khoản và đưa thêm 36 sản phẩm đủ điều kiện, tiêu chuẩn lên sàn sàn thương mại điện tử Postmart.vn. Qua đó, giúp các hộ sản xuất, hợp tác xã nông nghiệp có thêm cơ hội để kết nối, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ; tỷ lệ hộ, hợp tác xã nông nghiệp có hoạt động sàn thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, chăn nuôi, kinh doanh trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. 

Hướng tới nền nông nghiệp 4.0, thời gian tới, Vĩnh Phúc sẽ đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho bà con nông dân về công nghệ số; nghiên cứu, thử nghiệm, chuyển giao, áp dụng các mô hình, giải pháp nông nghiệp số phù hợp với điều kiện của tỉnh. Đồng thời, triển khai thực hiện tốt các chính sách khuyến khích chuyển đổi số nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Trung ương, của tỉnh; xây dựng chính sách khuyến khích các tổ chức, người dân và doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyển đổi số ngành nông nghiệp và nông thôn. Phấn đấu đến năm 2025, 10% số hộ sản xuất nông nghiệp quy mô sản xuất nông sản hàng hóa được đào tạo, tập huấn kỹ năng số; 30% doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất hàng hóa được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và bảo đảm an toàn thông tin.

T.Thủy

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất