Thứ Sáu, 27/12/2024
Xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu: Khi Nghị quyết đi vào cuộc sống

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết 19, tại Kỳ họp thứ 10, HĐND tỉnh khóa XVII đã thông qua 2 nghị quyết, gồm: Nghị quyết số 06/2023/NQ-HĐND, ngày 5/5/2023 về việc Ban hành Quy định một số chính sách đặc thù hỗ trợ xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030; Nghị quyết số 08/NQ-HĐND, ngày 5/5/2023 về việc thông qua Đề án xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2023 - 2030. Xây dựng LVHKM là chủ trương tiên phong, sáng tạo, mang tính đột phá, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của tỉnh đối với sự nghiệp văn hóa và đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, với quan điểm nhất quán “Mọi người dân Vĩnh Phúc đều được hưởng thành quả từ sự phát triển”.


 Mô hình trồng sen tại xã Phú Đa (huyện Vĩnh Tường)

 

Đây là chủ trương đúng đắn, thể hiện tư duy đổi mới, sáng tạo, quyết tâm cao của tỉnh trong việc khai thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh của địa phương, nhằm thu hút nguồn lực phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân trên địa bàn tỉnh. Kết quả thực hiện chủ trương xây dựng LVHKM sẽ tạo ra bước đột phá trong bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, gắn với phát triển kinh tế, nâng cao chất lượng đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân. LVHKM trên địa bàn tỉnh trở thành nơi đáng sống, phát triển đồng bộ, toàn diện, bền vững về kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và quốc phòng an ninh; giữ được sự cân bằng sinh thái, hài hòa với thiên nhiên, bản sắc văn hóa dân tộc; người dân có cuộc sống ổn định, ấm no, hạnh phúc.

Thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 16/3/2023 của BTV Tỉnh ủy, các cấp ủy đã tổ chức quán triệt, tuyên truyền, phổ biến Nghị quyết đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch, đề án để cụ thể hoá nhiệm vụ của địa phương, đơn vị thực hiện Nghị quyết. Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện xây dựng LVHKM tỉnh do đồng chí Bí thư Tỉnh ủy là Trưởng Ban. Các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố của tỉnh đã ban hành kế hoạch, thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc triển khai thực hiện xây dựng LVHKM đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng bộ tiêu chí cụ thể, nguồn lực thực hiện, các cơ chế, chính sách có liên quan để thực hiện Nghị quyết; chủ trì tổ chức thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên, các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua, các cuộc vận động của tỉnh; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện trong quá trình thực hiện Nghị quyết.

Nhờ triển khai đồng bộ và hiệu quả với quyết tâm cao, cả hệ thống chính trị trong toàn tỉnh đã thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động về ý nghĩa và tầm quan trọng của chủ trương xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh.

Các cơ quan, đơn vị đều bắt tay vào tham gia xây dựng LVHKM, cụ thể như: Sở Khoa học và Công nghệ và huyện Vĩnh Tường đã xây dựng hoàn thành mô hình trồng sen trước cổng Di tích Quốc gia Đền Đá, xã Phú Đa, hình thành điểm du lịch và đã thu hút hàng trăm du khách trong và ngoài huyện đến tham quan, chụp ảnh. Sở Giao thông vận tải triển khai hỗ trợ xây dựng hoàn thành 02 mô hình thí điểm tuyến đường “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.  Sở Thông tin và Truyền thông, Viễn Thông Vĩnh Phúc đã tiến hành bó gọn dây cáp, dây điện, hạ tầng viễn thông tại các Làng văn hóa kiểu mẫu. Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh đã triển khai dịch vụ ngay tại các “Làng văn hoá kiểu mẫu” để bình xét vay vốn và thực hiện giải ngân ngay tại cơ sở, người dân không phải mất công sức đi lại nhiều. Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Nhà hát nghệ thuật, Trung tâm văn hóa tỉnh đã tổ chức các buổi chiếu phim, biểu diễn nghệ thuật tại các LVHKM. Đoàn TNCS tổ chức các hoạt động dọn dẹp vệ sinh đường làng, ngõ xóm; thành lập duy trì CLB Thanh niên khởi nghiệp, CLB Thanh niên bảo vệ môi trường, tham gia duy trì tuyến đường thanh niên tự quản. Thành lập nhóm Zalo; đăng tải thông tin về các Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh lên cổng thông tin điện tử của tỉnh để các cơ quan, đơn vị có thể tìm hiểu, theo dõi. Sở Xây dựng đã hoàn thành “Hồ sơ thiết kế mẫu các công trình nhà ở, định hướng kiến trúc tường rào, công trình phụ, vườn hộ, chuồng trại nông thôn phục vụ xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh”. Ban Tuyên giáo, Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH Vĩnh Phúc hằng ngày đều có tin, bài, phóng sự tuyên truyền, phản ánh việc triển khai thực hiện. Bản tin sinh hoạt Chi bộ hằng tháng đều có tin, bài về xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu”. Ban Dân vận lựa chọn 50 mô hình “Dân vận khéo” trong xây dựng “Làng văn hóa kiểu mẫu” trên địa bàn tỉnh. Hội Phụ nữ tỉnh vận động 84 hộ tự nguyện dừng hoạt động chăn nuôi không đúng quy định;trồng mới 03 đường hoa với chiều dài 3,9 km, vẽ tranh 36 bức tường với diện tích 136m2; trồng 400 cây xanh tại khuôn viên nghĩa trang; thành lập mô hình phân loại rác thải tại gia đình tại 02 làng... Ngoài ra, nhân dân cũng tự nguyện đóng góp để xây dựng LVHKM như:  Người dân tại một số làng ở Vĩnh Tường đã đóng góp kinh phí để thành lập Quỹ khuyến học và tổ chức Lễ tuyên dương khen thưởng học sinh giỏi năm 2023; Tổ dân phố Tam Quang, huyện Bình Xuyên đã ủng hộ đóng góp được trên 2 tỷ đồng để tham gia xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, vận động ủng hộ tài trợ trên 2.000 đầu sách cho thư viện...


 Mô hình nuôi gà đẻ trứng tại thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân (huyện Tam Dương)

 

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và Nhân dân nên việc xây dựng LVHKM trên địa bàn tỉnh đã đạt được một số kết quả bước đầu đáng khích lệ. 

Đến nay, 6/28 khu thiết chế văn hóa - thể thao LVHKM đã khánh thành. Các khu còn lại sẽ được hoàn thành trong tháng 10/2023, góp phần mở ra không gian văn hóa khang trang, hiện đại với đầy đủ công năng, đáp ứng nhu cầu nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân. Đã có 100% huyện, thành phố thực hiện giải ngân vốn với số tiền 80,71 tỉ đồng (đạt 80,7%). Các LVHKM đều đã xây dựng được Quỹ khuyến học với kinh phí từ 100 triệu đồng trở lên…

Để đạt được kết quả như trên, Ban chỉ đạo xây dựng LVHKM tỉnh đã phân công nhiệm vụ cho từng ngành, tổ chức thực hiện các tiêu chí, chính sách hỗ trợ: Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội được phân công đảm nhận các tiêu chí. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn các mô hình sản xuất mới; Sở Xây dựng hướng dẫn quy hoạch kiến trúc, cảnh quan; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hướng dẫn các mô hình du lịch... Đặc biệt, việc xây dựng các mô hình kinh tế để tạo ra những sản phẩm tốt, đặc trưng được các địa phương triển khai thí điểm xây dựng LVHKM nhân rộng. Có thể kể đến mô hình xây dựng vườn sản xuất và nuôi cá ở LVHKM Thụ Ích, xã Liên Châu (huyện Yên Lạc); mô hình gà đẻ trứng, vườn hoa cây cảnh, cửa hàng tiện lợi ở LVHKM thôn Viên Du Hòa, xã Thanh Vân (huyện Tam Dương); mô hình sản xuất đá mỹ nghệ LVHKM Hòa Bình, xã Hải Lựu (huyện Sông Lô)… Không ít mô hình độc đáo, sáng tạo như mô hình trồng sen ở LVHKM thôn Đông, xã Phú Đa (huyện Vĩnh Tường); mô hình du lịch cộng đồng LVHKM Lập Đinh, xã Ngọc Thanh (huyện Phúc Yên)…

Với phương châm: “Xây dựng LVHKM nhằm tạo điểm nhấn cả về kinh tế, văn hóa của các địa phương và làm chuyển biến nhận thức của nhân dân trong việc xây dựng, tạo không gian gần gũi với thiên nhiên; đồng thời là một bước cụ thể của công tác xây dựng Đảng, xây dựng bộ máy chính quyền ở cơ sở”,  Nghị quyết số 19-NQ/TU, ngày 16/3/2023 của tỉnh đã thực sự đi vào cuộc sống của người dân. Những khu dân cư hiện đại, văn minh, sạch đẹp với các mô hình kinh tế và văn hóa đa dạng. Đời sống văn hoá được nâng cao, đời sống vật chất được đảm bảo, những ngôi làng trong mơ, đáng đến, đáng ở lại, đáng sống đang dần thành hiện thực.

VP

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác