Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án 11/ĐA-MTTQ-BTT về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân của MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc, giai đoạn 2019- 2024”. Toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hiệu quả hoạt động của 146 Tổ tuyên truyền, vận động nhân dân của MTTQ ở ba cấp và 1.383 Tổ nắm bắt, phản ánh tình hình nhân dân và dư luận xã hội. Qua 5 năm triển khai đã phản ánh với cấp ủy, chính quyền hàng ngàn ý kiến, kiến nghị của nhân dân được các cấp, các ngành xem xét, giải quyết; đã tổ chức hàng trăm đợt tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành, thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách pháp luât của nhà nước, các quy định của địa phương. Đặc biệt là MTTQ các cấp đã làm tốt công tác tuyên truyền, vận động Nhân dân tham gia thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện các khu công nghiệp, các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Trong đó, Ủy ban MTTQ tỉnh được Ban Thường vụ Tỉnh ủy giao chủ trì thực hiện công tác tuyên truyền, vận động giải phóng mặt bằng bàn giao đất để thực hiện 02 dự án lớn tại huyện Bình Xuyên: Khu công nghiệp Bá Thiện II và Dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc. Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, MTTQ tỉnh thường xuyên làm việc với huyện Bình Xuyên và các xã, thị trấn để thống nhất nội dung, phương pháp, cách làm và nắm bắt, tuyên truyền, vận động Nhân dân giải phóng mặt bằng và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện. Đến hết năm 2021, dự án Trung tâm Logistics ICD Vĩnh Phúc tổng diện tích thu hồi đạt 100,3%; dự án Khu công nghiệp Bá Thiện II cơ bản hoàn thành công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, bàn giao đất để thực hiện phát triển công nghiệp.
|
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc Nguyễn Tuấn Khanh tặng quà
cho các hộ nghèo, hoàn cảnh khó khăn
|
MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên chủ trì triển khai, thực hiện phong trào Toàn dân tham gia xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước, khắc phục ô nhiễm môi trường ở khu dân cư. Sau 2 năm triển khai thực hiện, tỉnh Vĩnh Phúc đã tổ chức sơ kết phong trào và gắn biển Công trình chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn tỉnh đã hoàn thành 789,792km (đạt 157,95% chỉ tiêu đã đăng ký), với tổng kinh phí trên 1.000 tỷ đồng, trong đó Nhân dân đóng góp ước tính gần 600 tỷ đồng. Việc triển khai xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh thoát nước khắc phục ô nhiễm môi trường đã làm thay đổi diện mạo nông thôn, nâng cao chất lượng môi trường sống cho Nhân dân.
Công tác an sinh xã hội, vận động ủng hộ, giúp đỡ người nghèo và cứu trợ thiên tai, hỏa hoạn tiếp tục nhận được sự quan tâm hưởng ứng của toàn xã hội. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp đã tổ chức vận động được 111 tỷ đồng, xây dựng trên 1.921 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo; hàng nghìn hộ nghèo đã được hỗ trợ giống, vốn, tư liệu sản xuất. Từ năm 2019 đến nay, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên đã huy động và tổ chức phân bổ, thực hiện hỗ trợ 289.839 xuất quà Tết cho người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng số tiền trên 200 tỷ đồng. Bên cạnh đó, MTTQ các cấp - Thường trực Ban Cứu trợ đã chủ động, kịp thời triển khai vận động và ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho đồng bào bị thiệt hại do thiên tai, bão, lũ gây ra, nhất là các đợt bão lũ ở các tỉnh miền Trung, các vụ hỏa hoạn, sự cố nghiêm trọng tại TP. Hà Nội và một số địa phương trên địa bàn tỉnh. Từ những kết quả hỗ trợ như trên đã tạo điều kiện giúp các hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống, qua đó góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh xuống còn 0,61% năm 2023.
Thiết thực chào mừng kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (07/5/1954 - 07/5/2024), hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam với chủ đề “Triệu tấm lòng yêu thương - Nghìn mái nhà hạnh phúc”, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã xây dựng kế hoạch và tổ chức Phát động trên địa bàn tỉnh vận động hỗ trợ làm nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo của tỉnh Điện Biên. Cùng với nguồn Ngân sách tỉnh và nguồn tiếp nhận đóng góp xã hội hóa từ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân, tỉnh Vĩnh Phúc đã thực hiện hỗ trợ 5,67 tỷ đồng cho tỉnh Điện Biên để triển khai xây hơn 100 nhà Đại đoàn kết cho hộ nghèo. Đồng thời, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên phối hợp tổ chức các hoạt động gặp mặt, thăm hỏi, tri ân, tặng quà các gia đình anh hùng liệt sỹ, chiến sỹ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, tổng số 4.377 suất quà với tổng số tiền gần 2,2 tỷ đồng.
Tổ chức Ngày hội đại đoàn kết toàn dân tộc nhân kỷ niệm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11), hàng năm với nhiều nội dung, hình thức phong phú. 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh đều tổ chức tốt ngày hội. Đặc biệt, nhân kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930- 18/11/2020), Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp tổ chức thành công Liên hoan Văn nghệ quần chúng khối Mặt trận và các đoàn thể chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 với chủ đề “Sáng mãi niềm tin với Đảng”; Gặp mặt kỷ niệm 90 năm Ngày Truyền thống MTTQ Việt Nam và biểu dương khen thưởng các cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu trong hệ thống Mặt trận. Ủy ban MTTQ tỉnh tổ chức thành công Hội nghị tổng kết 20 năm Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc, giai đoạn 2003-2023. Qua tổng kết cho thấy đã có 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức tốt Ngày hội "Đại đoàn kết toàn dân tộc" đảm bảo trang trọng, tiết kiệm; hơn 80% khu dân cư tổ chức “Bữa cơm đoàn kết” tạo không khí vui tươi, phấn khởi; Đã có gần 50 nghìn lượt các đồng chí lãnh đạo cấp ủy, chính quyền, MTTQ các cấp tham dự Ngày hội ở các khu dân cư.
MTTQ các cấp tỉnh chủ trì xây dựng kế hoạch và phát động và triển khai có hiệu quả Phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng khu dân cư Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”. Phong trào đã nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp và cả hệ thống chính trị, sự đồng tình hưởng ứng, tích cực tham gia của các tầng lớp Nhân dân. Sau hơn 3 năm triển khai, đến nay toàn tỉnh đã triển khai xây dựng 4.755 tuyến đường kiểu mẫu “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp” và phong trào vẫn đang được triển khai thực hiện, phấn đấu đến năm 2025 có 100% các tuyến đường tại các xã, phường, thị trấn trong tỉnh hoàn thành các tiêu chí Sáng – Xanh – Sạch – Đẹp. Thông qua phong trào đã tạo thành nền nếp trong các tầng lớp Nhân dân thường xuyên làm sạch các đường làng, ngõ phố, thôn, xóm, vẽ tranh bích họa, trồng hoa, cây cảnh, tạo cảnh quan, diện mạo nông thôn mới kiểu mẫu; hạn chế được các tụ điểm rác thải gây mất mỹ quan, nâng cao ý thức người dân tham gia bảo vệ môi trường. Các ngõ xóm, khu dân cư, tổ dân phố trong tỉnh cơ bản đã có đèn chiếu sáng đảm bảo việc sinh hoạt và đi lại của người dân.
Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh thực hiện tốt nhiệm vụ trong công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV, đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026. Thực hiện tốt vai trò chủ trì hiệp thương, giới thiệu người tham gia ứng cử ĐBQH, đại biểu HĐND các cấp. Toàn tỉnh tổ chức 1.072 hội nghị để các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri thực hiện quyền vận động bầu cử đảm bảo dân chủ, đúng. Kết quả, có 836.349 cử tri đi bầu cử, đạt tỷ lệ 99.41%; bầu được 6 đại biểu Quốc hội, 51 đại biểu HĐND tỉnh, 301 đại biểu HĐND cấp huyện và 3.377 đại biểu HĐND cấp xã đảm bảo đủ số lượng và có cơ cấu hợp lý, là những đại biểu tiêu biểu, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân.
Hoạt động giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng, thiết thực và hiệu quả. Hàng năm, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội mỗi tổ chức chủ trì giám sát từ 01 đến 03 nội dung, đã thành lập 2.292 đoàn giám sát trên các lĩnh vực về những vấn đề quan trọng có ảnh hưởng lớn tới quyền, lợi ích của người dân và những vấn đề được xã hội quan tâm tại địa phương. Cụ thể: MTTQ tỉnh đã chủ trì, tổ chức giám sát trách nhiệm của Bí thư huyện ủy, thành ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo việc triển khai và thực hiện Quy định 124-QĐ/TW ngày 02/2/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Giám sát việc triển khai thực hiện dự án Quản lý nguồn nước và ngập lụt tỉnh Vĩnh Phúc,.... Trong nhiệm kỳ, MTTQ các cấp đã góp ý, phản biện xã hội toàn diện vào dự thảo các văn bản về công tác xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, về phát triển kinh tế-xã hội và nâng cao đời sống Nhân dân đối với 510 dự án Luật, dự thảo nghị quyết của HĐND và những chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của Nhân dân. MTTQ tỉnh tổ chức góp ý vào dự thảo Đề án và Nghị quyết của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh phúc giai đoạn 2022- 2025 và những năm tiếp theo”; Dự thảo Đề án Nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2023; dự thảo Đề án và Nghị quyết của Tỉnh ủy về “Phát triển công nghiệp theo chiều sâu, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đến năm 2030”; dự thảo Đề án “Nâng cao chất lượng công trình và tiết kiệm chi phí trong đầu tư các dự án giao thông trên địa bàn tỉnh”; 100% MTTQ các huyện, thành phố đều tổ chức các hoạt động góp ý, phản biện xã hội...
MTTQ các cấp tiếp tục kiện toàn, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (TTND), Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (GSĐTCCĐ). Trong đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành Đề án số 02/ĐA-MTTQ-BTT ngày 20/9/2022 của về “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 và những năm tiếp theo”. Hướng dẫn hoạt động giám sát của Ban Công tác Mặt trận, Ban TTND, Ban GSĐTCĐ đối với những nơi thực hiện xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu, kết quả trong nhiệm kỳ qua Ban TTND, Ban GSĐTCCĐ đã tổ chức 1.294 cuộc giám sát, phát hiện kiến nghị 5.611 vụ, việc (vượt hơn 1,5 lần so với nhiệm kỳ trước).
Thực hiện Quyết định số 55-QĐ/TU, ngày 03/02/2016 của BTV Tỉnh ủy Vĩnh Phúc về việc ban hành Quy chế đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với Nhân dân trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, 100% đơn vị cấp huyện và cơ sở tổ chức đối thoại ít nhất 01 cuộc/ năm và các cuộc đối thoại chuyên đề, đối thoại đột xuất; MTTQ tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội đều tổ chức đối thoại hàng năm. Tiêu biểu như các đơn vị: Tỉnh Đoàn thanh niên, Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội CCB tỉnh, Hội LHPN tỉnh; các huyện Vĩnh Tường, Tam Đảo, Yên Lạc, Sông Lô, Bình Xuyên,... Thông qua đối thoại, nhiều vấn đề cụ thể, những bức xúc đã được lắng nghe, được giải quyết, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
MTTQ các cấp trong tỉnh tăng cường củng cố tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động đảm bảo ngày càng thiết thực, hiệu quả. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh đã phối hợp Ban Dân vận Tỉnh ủy tham mưu với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 14/12/2022 về tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh Vĩnh Phúc đến năm 2025 định hướng đến năm 2030; đề xuất với Ban Thường vụ, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh kịp thời ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận về tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác Mặt trận. Phối hợp với UBND tỉnh trình Hội đồng nhân dân, ban hành Nghị quyết, ký kết các nghị quyết liên tịch, quy chế, chương trình phối hợp… góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý, đảm bảo các điều kiện, nâng cao năng lực cho hoạt động của Mặt trận. Công tác phối hợp giữa Mặt trận với cơ quan nhà nước cùng cấp ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Đến nay, cấp tỉnh đang duy trì gần 20 quy chế, chương trình, kế hoạch phối hợp với UBND tỉnh, HĐND tỉnh, các tổ chức thành viên, các sở, ban, ngành. Ủy ban MTTQ 9/9 huyện, thành phố tiếp tục duy trì các chương trình phối hợp đã ký kết.
Hệ thống tổ chức bộ máy, cán bộ cơ quan chuyên trách của Mặt trận từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên được củng cố, nâng lên về chất lượng, đảm bảo tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn. Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác thi đua, khen thưởng, tạo động lực quan trọng thúc đẩy phong trào từ địa phương, cơ sở. Tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, chỉ đạo điểm, nhân điển hình, giúp đỡ cơ sở tháo gỡ những khó khăn, nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của MTTQ ở mỗi cấp, nhất là ở cơ sở và Ban Công tác Mặt trận ở khu dân cư. Phát huy vai trò và sự đóng góp của các tổ chức thành viên, các vị ủy viên Ủy ban, cá nhân tiêu biểu, đội ngũ nhân sỹ, trí thức, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc tôn giáo. Củng cố, kiện toàn Hội đồng tư vấn, Ban tư vấn đảm bảo tinh gọn, đủ các lĩnh vực, phát huy vai trò, trách nhiệm, nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng tư vấn cấp tỉnh, ban tư vấn cấp huyện.
Với những kết quả đạt được trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, MTTQ các cấp tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, sứ mệnh cao cả của MTTQ Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc; phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam trong công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp các tầng lớp nhân dân; củng cố, nâng cao niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa; tăng cường đồng thuận xã hội nhằm phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
VP