Thứ Hai, 28/10/2024
Vĩnh Phúc: tăng trưởng xanh vì sự phát triển bền vững

Sau gần 3 thập kỷ tái lập, Vĩnh Phúc đã thành một điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. 



 Tỉnh Vĩnh Phúc tiếp tục là địa chỉ dừng chân của nhiều nhà đầu tư từ các quốc gia hàng đầu trên thế giới



Năm 1998, trên địa bàn tỉnh có 8 dự án FDI và 1 dự án DDI. Đến nay, toàn tỉnh có 493 dự án FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 8,3 tỷ USD và 841 dự án DDI với tổng vốn đầu tư hơn 142.000 tỷ đồng; 17 khu công nghiệp được quyết định chủ trương đầu tư, cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với tổng diện tích hơn 3.160ha, trong đó có 9 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động; giải quyết việc làm cho hơn 140.000 lao động, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Thu ngân sách Nhà nước của tỉnh luôn thuộc nhóm dẫn đầu cả nước, từ năm 2004 đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp điều tiết về ngân sách Trung ương.

Tiêu biểu như công ty Toyota Việt Nam đặt tại phường Phúc Thắng, thành phố Phúc Yên. Sau gần 30 năm đi vào hoạt động, công ty đã không ngừng phát triển cả về quy mô sản xuất và doanh số bán hàng. Tháng 9/2024, doanh số bán hàng của công ty đạt 7.143 xe, tăng 50% so với tháng trước. Hiện công ty giải quyết việc làm ổn định cho hơn 1.600 lao động trong và ngoài tỉnh.

Không chỉ tập trung phát triển sản xuất kinh doanh, công ty còn không ngừng chú trọng đến việc bảo vệ môi trường để đảm bảo sự phát triển bền vững. Cụ thể, công ty đã thành lập Ủy ban Môi trường, chia thành các tiểu ban chuyên môn để quản lý hiệu quả các hoạt động; triển khai chu trình xanh khép kín trên toàn hệ thống, từ khâu sản xuất đến phân phối, nhằm giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực đến môi trường đất, nước và không khí, đồng thời giảm lượng khí CO2 thải ra. Nhờ những nỗ lực này, trung bình mỗi năm, công ty đã giảm được gần 6.300 tấn khí CO2, 23 tấn chất thải và 25.500 m3 nước thải. Bên cạnh đó, công ty không ngừng nghiên cứu, đầu tư và ứng dụng các công nghệ thân thiện với môi trường; tổ chức thường xuyên các khóa đào tạo nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho toàn thể cán bộ công nhân viên; đồng thời duy trì và cải tiến hệ thống quản lý môi trường theo tiêu chuẩn ISO 14001.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã thành công trong việc mời gọi nhiều nhà đầu tư chiến lược, các dự án lớn sở hữu công nghệ cao, hướng tới phát triển bền vững. Thành quả này là nhờ tỉnh đã ban hành và triển khai đồng bộ các chính sách, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tuy nhiên, trên thực tế, Vĩnh Phúc cũng đang phải đối mặt với những thách thức liên quan đến môi trường và biến đổi khí hậu, như thiếu nhà máy xử lý rác thải, nước thải; một số lượng lớn các dự án sản xuất nhỏ lẻ được triển khai bên ngoài các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, tập trung vào các ngành nghề sản xuất nguyên liệu thô như thép, sắt, vật liệu xây dựng... 

Do đó, tỉnh Vĩnh Phúc đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. Trong đó, tỉnh tiếp tục đồng hành cùng các doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp hoạt động và phát triển bền vững. Tập trung xây dựng các chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số, sản xuất xanh và thân thiện với môi trường. Tổ chức các diễn đàn, hội thảo để các doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm, cập nhật xu hướng mới nhất trong phát triển bền vững, từ đó tìm ra giải pháp phù hợp để ứng dụng vào thực tiễn. Bên cạnh đó, tỉnh chú trọng thu hút các nguồn lực tài chính xanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, đổi mới hoạt động xúc tiến đầu tư và thu hút đầu tư có chọn lọc; đồng thời, xây dựng và phát triển hạ tầng đồng bộ, thúc đẩy hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

VP

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất