|
Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. |
Quản lý, sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích
Sáng hôm qua (5-6), Bộ trưởng Xây dựng tiếp tục trả lời chất vấn về lĩnh vực quản lý xây dựng. Về việc đầu tư xây dựng các công trình tâm linh kết hợp du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chiếm diện tích đất rất lớn, trong khi người dân thiếu đất sản xuất, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết: Hiện các dự án tâm linh kết hợp du lịch sinh thái đã được quy định, điều chỉnh trong Luật Đất đai, Luật Tín ngưỡng tôn giáo, Luật Di sản văn hóa, Luật Xây dựng và pháp luật liên quan Luật Bảo vệ môi trường. Một số dự án này chưa quy định cụ thể nằm trong quy hoạch du lịch hay quy hoạch đô thị, cho nên một số địa phương vận dụng không thống nhất. Theo Bộ trưởng, sắp tới sẽ bổ sung quy định cụ thể vấn đề này, bảo đảm chặt chẽ việc quản lý, sử dụng đất hiệu quả, đúng mục đích.
Về câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) quan tâm chính sách hỗ trợ và bảo đảm về nhà ở cho người dân ở các vùng thường xuyên chịu tác động bất lợi của thiên tai, Bộ trưởng cho biết: Chính phủ đã ban hành và đang thực hiện các chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo khu vực nông thôn, bao gồm cả vùng bị tác động thiên tai, chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng tránh bão lũ tại khu vực miền trung. Ngoài ra, còn có chương trình hỗ trợ nhà ở cho người có công và đến nay đã hỗ trợ xây mới hoặc sửa chữa gần 650 nghìn căn hộ, bảo đảm chỗ ở cho hơn 2,5 triệu người dân. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xây dựng đề án di dân khẩn cấp ở các vùng chịu thiệt hại nặng nề của thiên tai, sạt lở đất. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiến hành lập bản đồ khu vực có nguy cơ sạt lở cao để các ngành liên quan xây dựng quy hoạch, nhất là quy hoạch điểm dân cư.
Tại phiên chất vấn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm. Chung quanh việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại tòa nhà 8B Lê Trực, theo Phó Thủ tướng, vụ việc này thuộc trách nhiệm của TP Hà Nội. Thủ tướng đã yêu cầu TP Hà Nội xử lý nghiêm sai phạm của công trình này; Hà Nội cũng đã tập trung xử lý, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xong. Đề nghị Bộ Xây dựng, các cơ quan liên quan phối hợp TP Hà Nội xử lý dứt điểm những sai phạm trong xây dựng công trình, bảo đảm tuyệt đối an toàn cho người dân trong quá trình xử lý và sử dụng công trình, bảo đảm không gian kiến trúc, cảnh quan khu vực.
Với câu hỏi của một số đại biểu cho rằng áp lực về tăng dân số nội đô có nguyên nhân từ công tác xây dựng và quy hoạch, Phó Thủ tướng cho biết: Xu hướng tập trung hóa đô thị đang tăng nhanh. Thực tế quá trình đầu tư hạ tầng không theo kịp tốc độ tăng dân số, do đó gây ùn tắc giao thông, tạo áp lực lên hệ thống hạ tầng kỹ thuật, gây ô nhiễm môi trường, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của người dân. Để khắc phục, Phó Thủ tướng cho rằng phải kiểm soát chặt chẽ nhà cao tầng, mật độ xây dựng; quy hoạch các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng với hạ tầng đồng bộ, hiện đại để thu hút người dân. Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu TP Hà Nội điều chỉnh quy hoạch phía bắc để xây dựng các khu đô thị mới với hạ tầng hiện đại, giảm áp lực cho các quận nội thành. Đối với việc điều chỉnh quy hoạch tùy tiện, sẽ tăng cường việc thanh tra, kiểm tra và rà soát tất cả các quy hoạch điều chỉnh.
Nhiều dự án giao thông quan trọng chậm tiến độ
Sau Bộ trưởng Xây dựng, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Trong báo cáo gửi QH trước phiên chất vấn, Bộ trưởng cho biết, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông có nguy cơ tiếp tục kéo dài. Dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp; 99% vật tư, thiết bị đã chuyển đến công trường; lắp đặt đạt 90% khối lượng thiết bị; đang vận hành, chạy thử để đưa vào khai thác thương mại trong năm 2019. Tuy nhiên, dự án vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần giải quyết và có nguy cơ kéo dài do tổng thầu triển khai thực hiện công việc chưa theo đúng cam kết. Các phương án được Bộ GTVT đưa ra là tiếp tục chỉ đạo quyết liệt tổng thầu và các bên liên quan thực hiện, hoàn thiện hồ sơ nghiệm thu, hồ sơ hoàn công công trình; hoàn thành việc cung cấp một số tài liệu chứng minh an toàn, chứng nhận an toàn tích hợp để đăng kiểm và chứng nhận an toàn hệ thống; hoàn thiện quy trình vận hành, bảo dưỡng...
Ngoài ra, báo cáo cũng nêu những dự án chậm tiến độ, tăng mức đầu tư khác như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh, tuyến số 1 Bến Thành - Suối Tiên và tuyến số 2 Bến Thành - Tham Lương; đường sắt đô thị Hà Nội tuyến số 1 (Yên Viên - Ngọc Hồi). Theo báo cáo, một trong những nguyên nhân của tình trạng chậm tiến độ ở các dự án nêu trên do các dự án hầu hết là dự án quy mô lớn và công nghệ phức tạp lần đầu được xây dựng tại Việt Nam, do đó chúng ta chưa có kinh nghiệm quản lý thực hiện; năng lực và kinh nghiệm quản lý thực hiện của chủ đầu tư còn hạn chế. Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành nêu các tư vấn tham gia thực hiện dự án còn thiếu kinh nghiệm về quy trình, thủ tục ở Việt Nam. “Do chưa có kinh nghiệm với loại hình công trình đường sắt đô thị cho nên cả chủ đầu tư và tư vấn lập dự án tính toán tổng mức đầu tư chưa xác thực với tình hình thực tế, phải điều chỉnh nhiều nội dung thiếu sót và chưa phù hợp trong thiết kế cơ bản ban đầu”, Bộ trưởng phân tích thêm.
Trả lời chất vấn của các đại biểu: Bùi Văn Xuyền (Thái Bình), Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu về thực trạng chậm tiến độ, đội vốn của dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: Dự án này thực hiện theo hiệp định vay vốn giữa Việt Nam và Trung Quốc, trong đó tổng thầu do Trung Quốc chỉ định. Quá trình triển khai dự án, tổng thầu xây dựng đường sắt tốt, nhưng vận hành đường sắt thiếu kinh nghiệm, công tác thi công và vận hành tàu đường sắt đô thị là hai việc khác nhau. Bộ GTVT nhiều lần làm việc với các đơn vị liên quan của Trung Quốc để cải thiện tình hình, cố gắng đưa dự án sớm đi vào vận hành. Hiện, dự án đã hoàn thành 99% khối lượng xây lắp, còn 1% là một số hạng mục nhỏ và tổng thầu đang triển khai công tác chứng minh an toàn hệ thống…
Các đại biểu đề nghị Bộ trưởng chỉ rõ trách nhiệm của các cá nhân để xảy ra tình trạng dự án giao thông chậm tiến độ, đội vốn hàng nghìn tỷ đồng. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể giải thích, việc dự án chậm tiến độ có nguyên nhân khách quan như giải phóng mặt bằng, bố trí vốn không kịp thời, hơn nữa do trách nhiệm chủ quan thuộc về chủ đầu tư, ban quản lý dự án và đều được xử lý nghiêm. Bộ GTVT và cơ quan chức năng sẽ vào cuộc kiểm tra; cá nhân, tổ chức nào vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Sau phần trả lời của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể, một số đại biểu bày tỏ chưa hài lòng, cho rằng nội dung trả lời “còn tránh né”. Thực tế cho thấy, ngoài năm dự án đường sắt đô thị đội vốn lớn, thì đường ven biển Dung Quất - Sa Huỳnh đã sáu lần điều chỉnh, tăng vốn đầu tư lên hơn 3.950 tỷ đồng; dự án hệ thống thủy lợi Tân Mỹ (Ninh Thuận) tăng hơn 2.680 tỷ đồng; dự án tỉnh lộ Lộ Tẻ - Rạch Sỏi tăng 147 tỷ đồng và các dự án đội vốn này đã được nêu rất rõ trong báo cáo của Kiểm toán Nhà nước (KTNN). Vì vậy đề nghị Bộ trưởng phải truy trách nhiệm tới cùng cá nhân để xảy ra thất thoát. Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết, trong số ba dự án kể trên, có hai dự án do địa phương quản lý, căn cứ vào kết quả KTNN, các đơn vị liên quan rà soát, xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm…
Tham gia trả lời chất vấn của các đại biểu QH về lĩnh vực giao thông, vận tải, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: Trong những năm qua, ngành giao thông đối diện, giải quyết nhiều vấn đề lớn trong cuộc sống, được cử tri và dư luận đặc biệt quan tâm và đặt câu hỏi tại phiên chất vấn lần này. Thời gian qua, Nhà nước đã huy động nhiều nguồn lực, dành nhiều ngân sách để đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nhanh chóng, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, trong lĩnh vực giao thông, vận tải tồn tại nhiều hạn chế, khó khăn. Đáng chú ý là hạ tầng giao thông phát triển chưa mạnh, thiếu đồng bộ; hệ thống sân bay quá tải; hệ thống đường sắt đã cũ và lạc hậu; giao thông đường thủy nội địa chưa được khai thác hiệu quả; việc kết nối các loại hình giao thông, các khu vực giao thông còn nhiều khó khăn; công tác đầu tư phát triển hạ tầng giao thông khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, đồng bằng sông Cửu Long chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển thực tế… Đặc biệt, tình trạng các công trình, dự án tăng vốn, đội vốn, chậm tiến độ, chất lượng thấp; dự án BOT nảy sinh nhiều vấn đề bất cập; các nhà thầu kém năng lực… đã gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xã hội, có nơi tạo thành điểm nóng.
Theo Phó Thủ tướng, để khắc phục những thực trạng nêu trên, trong thời gian tới, ngành giao thông vận tải cần triển khai nhiều công việc, trọng tâm là: Đẩy nhanh tiến độ các dự án của ngành giao thông đã được bố trí vốn; trong đó đẩy nhanh việc lựa chọn các nhà thầu dự án đường cao tốc bắc - nam, sân bay Tân Sơn Nhất, theo tiêu chí: Công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật; ưu tiên nhà thầu, nhà đầu tư trong nước đủ năng lực… Cần đặc biệt lưu ý không để xảy ra tình trạng như dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Tiếp tục giải quyết dứt điểm các vấn đề bất cập trong các dự án giao thông theo hình thức BOT theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, của chủ đầu tư và của nhân dân. Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp tuyến vận tải thủy nội địa; cải tạo, nâng cấp đường sắt và các tuyến giao thông hiện có; xây dựng cơ chế đặc thù để thu hút nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông…
Phát biểu ý kiến tổng kết phần chất vấn và trả lời chất vấn của Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thể, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn; các đại biểu QH đặt câu hỏi ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung. Bộ trưởng nắm chắc vấn đề, trả lời chất vấn rõ ràng, thẳng thắn nhận trách nhiệm những tồn tại, hạn chế của ngành; lý giải rõ ràng những bất cập và đưa ra nhiều giải pháp khắc phục cụ thể. Thời gian qua, ngành giao thông vận tải đã đạt được những thành quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, cần có những nỗ lực, giải pháp quyết liệt hơn nữa để tạo ra những chuyển biến tích cực. Trong thực tế của ngành, có không ít vấn đề đã diễn ra nhiều năm, đã được giám sát, chất vấn trong thời gian trước đây nhưng sự chuyển biến chậm, khiến dư luận, cử tri bức xúc. Đề nghị Chính phủ, Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến, đề xuất của các đại biểu QH để điều hành ngành, lĩnh vực hiệu quả tốt hơn nữa. Trong đó, cần tập trung vào những lĩnh vực như sau: Rà soát, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về giao thông, vận tải cho phù hợp yêu cầu thực tiễn, khắc phục những hạn chế trong thời gian qua. Làm tốt công tác thanh tra, kiểm tra, qua đó xử lý nghiêm những sai phạm. Phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, vừa có bước đi phù hợp, vừa có bước đột phá, tạo nên mạng lưới giao thông liên hoàn, liên kết. Tập trung huy động nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, ùn tắc giao thông. Bên cạnh đó, cần chú trọng nâng cao năng lực vận tải, bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn; giải quyết dứt điểm các dự án dở dang; chú ý lựa chọn các nhà thầu có năng lực; tiếp tục cải cách hành chính trong lĩnh vực giao thông vận tải theo hướng cắt giảm các thủ tục theo lộ trình…
Nâng cao năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam
Chiều hôm qua, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện đã trả lời chất vấn của các đại biểu QH. Báo cáo trước QH, Bộ trưởng cho biết: Ngành văn hóa, thể thao và du lịch là một ngành khá rộng, là nền tảng tinh thần của xã hội, là ngành luôn có nhiều việc, có nhiều vấn đề và “vấn đề nóng” được dư luận xã hội quan tâm.
Chất vấn Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các đại biểu QH quan tâm nội dung: Diễn đàn kinh tế thế giới đã xếp hạng năng lực du lịch của 136 nền kinh tế thế giới, trong đó Việt Nam xếp thứ 30 về tài nguyên văn hóa, 34 về tài nguyên thiên nhiên, 37 về tài nguyên nhân lực nhưng tổng thể tính cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ đứng thứ 67. Vậy đâu là nguyên nhân và giải pháp nào để đưa Việt Nam cải thiện thứ hạng đứng vào nhóm đầu các nước ASEAN về du lịch? Trả lời vấn đề nêu trên, Bộ trưởng cho biết: Việc năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam chỉ đứng 67 là vị trí rất thấp, vì có các chỉ số hạn chế, như: hạ tầng du lịch chỉ đứng 113 trong số 136, thị thực đứng 116 trong số 136. Thị thực của Việt Nam chỉ mở cửa cho 24 nước, cấp thị thực điện tử cho 80 nước, đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới năng lực cạnh tranh du lịch còn thấp. Giải pháp để khắc phục những hạn chế nêu trên là phải nâng cao quy mô và chất lượng cơ sở hạ tầng du lịch, tăng cường mở cửa, cấp thị thực và phát triển bền vững về môi trường… Đối với vấn đề du lịch tăng trưởng chậm lại trong 5 tháng đầu năm nay, Bộ trưởng cho biết: Một trong những nguyên nhân là do lượng khách du lịch từ Trung Quốc giảm. Giải pháp khắc phục là nâng cao phát triển du lịch, quảng bá du lịch tại thị trường Trung Quốc, vì đây là thị trường tiềm năng, đông người.
Các đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) và Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cùng một số đại biểu chất vấn, trong Báo cáo số 126 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch không thừa nhận khái niệm du lịch tâm linh, vậy Bộ có quan điểm gì về việc thương mại hóa trong việc xây dựng một số công trình tâm linh? Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, trong việc phân loại sản phẩm du lịch Việt Nam có bốn loại chính, gồm du lịch: biển, văn hóa, sinh thái, đô thị, ngoài ra có du lịch thể thao, mạo hiểm... Vì vậy, khái niệm du lịch tâm linh nằm trong du lịch văn hóa. Liên quan đến thương mại hóa tâm linh hay lợi dụng tâm linh để thương mại hóa thu lời, đây là hành vi vi phạm pháp luật, cần phải lên án và xử lý theo quy định của pháp luật.
Một vấn đề được các đại biểu QH quan tâm là việc nở rộ các tua du lịch “0 đồng” đã, đang gây thiệt hại về kinh tế và gây những hệ lụy xấu đến xã hội. Về nội dung này, Bộ trưởng cho rằng, du lịch 0 đồng là một vấn đề ngành du lịch đã quan tâm và có giải pháp thích hợp. Bản chất của du lịch 0 đồng là du lịch giá rẻ, xuất phát từ chiến lược cạnh tranh của các công ty làm nảy sinh nhiều tiêu cực như cắt chương trình của khách, đưa vào các khu mua sắm để ép mua đồ. Hiện nay, Bộ đã làm việc với các cơ quan quản lý du lịch của các nước khác để cùng quản lý hình thức du lịch này, chấm dứt các tiêu cực. Ở trong nước, Bộ đang kiến nghị các cơ quan chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra các công ty lữ hành…
Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cùng một số đại biểu đặt câu hỏi về tính chính xác của thống kê tổng thu chi tiền công đức mỗi năm, số tiền này sử dụng vào mục đích gì và Bộ có quy định hay không? Về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: Về quản lý nhà nước, chưa có một văn bản pháp quy nào điều chỉnh, quy định về tiền công đức. Tuy nhiên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Bộ Nội vụ đã có văn bản hướng dẫn việc sử dụng tiền công đức. Hiện nay, Chính phủ đã ban hành quy định về quản lý, tổ chức lễ hội, trong đó giao Bộ Tài chính hướng dẫn việc thu, chi. Đối với việc đặt các hòm công đức, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có hướng dẫn nhưng mới chỉ dừng ở mức khuyến cáo các khu di tích chỉ nên có khoảng ba hòm công đức, tránh việc tràn lan gây phản cảm. Vấn đề các đại biểu QH nêu ra, Bộ xin tiếp thu ý kiến để sớm phối hợp các bộ, ngành đưa ra giải pháp hợp lý…
(nhandan.com.vn)