Những năm qua, các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều đổi mới, sáng tạo trong triển khai và tổ chức thực hiện công tác dân vận, góp phần tập hợp và phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố niềm tin của nhân dân với các cấp ủy đảng, chính quyền, tạo đồng thuận để phát triển.
|
Lãnh đạo tỉnh cùng người dân xã Hóa Thượng, huyện Đồng Hỷ (Thái Nguyên) trồng cây,
tham gia tháng hành động vì môi trường.
|
Công tác dân vận của các cấp chính quyền tỉnh Thái Nguyên từng có những hạn chế, bất cập. Trước tình hình đó, cấp ủy, chính quyền các cấp của tỉnh đã triển khai nhiều chủ trương biện pháp tập trung vào mục tiêu chính quyền phục vụ nhân dân hiệu quả. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh thực hiện nghiêm túc việc phân công cán bộ lãnh đạo phụ trách công tác dân vận của các cơ quan nhà nước, chính quyền các cấp.
Tỉnh xây dựng, ban hành, chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án Cải cách hành chính nhà nước tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2020. Quá trình này, tỉnh coi trọng yêu cầu phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Chính quyền các cấp thực hiện nghiêm các quy định về đạo đức công vụ, tác phong làm việc, quy tắc ứng xử trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh. Các cơ quan, đơn vị kiên quyết xử lý những cán bộ, công chức, viên chức quan liêu, tham nhũng, hách dịch, cửa quyền, gây phiền hà cho người dân; hướng tới xây dựng và thực hiện phong cách “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin” trong đội ngũ cán bộ, công chức. UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành rà soát, triển khai thực hiện 170 thủ tục hành chính (TTHC) liên thông đối với một số lĩnh vực như: Đất đai, chính sách xã hội (từ cấp xã lên cấp tỉnh), liên thông các TTHC về đăng ký khai sinh, thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế, đăng ký khai tử, xóa đăng ký thường trú, hưởng chế độ tử tuất/hỗ trợ chi phí mai táng/hưởng mai táng phí, liên thông đối với hồ sơ xác nhận lý lịch tư pháp, lĩnh vực đầu tư, chính sách xã hội, đăng ký kinh doanh, xây dựng, thuế, cấp dấu… Hiện nay, tỷ lệ hồ sơ giải quyết đúng hạn của các cơ quan hành chính đạt hơn 99,3%. Thông qua đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), toàn tỉnh có 19 trong tổng số 20 sở, ban, ngành và toàn bộ UBND cấp huyện, cấp xã tiếp nhận, giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông, tất cả 9 đơn vị cấp huyện được đầu tư một cửa hiện đại, toàn bộ 180 xã, phường, thị trấn áp dụng một cửa điện tử. Nhiều năm nay, tỉnh Thái Nguyên được Bộ Nội vụ đánh giá là tỉnh có những cải thiện vượt bậc về chỉ số CCHC, nhiều năm đứng trong tốp 10 tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).
Nhiều năm qua, việc cụ thể hóa phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” có nhiều chuyển biến, tiến bộ. Tất cả các nội dung điều hành của chính quyền đều được công khai, xin ý kiến người dân. Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Vũ Hồng Bắc cho biết, tỉnh đã tạo nhiều diễn đàn, xây dựng nhiều phương thức để phát huy dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân trực tiếp, gặp gỡ, tiếp xúc phản ánh tình hình và đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Việc thực hiện Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền các cấp với người dân trên địa bàn tỉnh được các địa phương, đơn vị quan tâm chỉ đạo thực hiện, từng bước đi vào nền nếp và đạt những kết quả quan trọng. Năm 2017, lãnh đạo UBND tỉnh đã tổ chức đối thoại trực tiếp với hơn 500 lao động và người sử dụng lao động tại Công ty TNHH BokwangVina - Khu công nghiệp Điềm Thụy, huyện Phú Bình; đối thoại trực tiếp với người dân thị xã Phổ Yên; toàn bộ 9 huyện, thành phố, thị xã đã tổ chức được hội nghị đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền với nhân dân. Năm 2018, toàn tỉnh đã tổ chức được 303 cuộc tiếp xúc, đối thoại với người dân và doanh nghiệp. Cuối năm 2018, tỉnh tổ chức hội nghị đối thoại chuyên đề với hơn 200 doanh nghiệp, doanh nhân, được dư luận và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao.
Trước tình hình công tác nắm bắt và dự báo tình hình nhân dân, dư luận xã hội; việc giải quyết những vấn đề nổi cộm, bức xúc ở cơ sở tại một số địa phương có lúc, có nơi chưa kịp thời, hiệu quả thấp,Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản nhằm chấn chỉnh kỷ luật, kỷ cương trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo. Tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành thường xuyên tiếp công dân định kỳ và đột xuất; giải quyết kịp thời các vụ việc thuộc thẩm quyền, mới phát sinh ngay tại cơ sở; nhất là giải quyết triệt để các vụ việc tồn đọng, kéo dài trên địa bàn, vì thế đã khắc phục được tình trạng khiếu kiện vượt cấp, kéo dài, không để xảy ra điểm nóng. Trong 5 năm, từ năm 2014 đến năm 2018, các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh đã tiếp 17.984 lượt công dân và tiếp nhận 9.241 đơn thư. Tỷ lệ đơn thư, kiến nghị đúng thẩm quyền được giải quyết đạt hơn 82%, số còn lại đều được chuyển xử lý đúng quy trình. Thực tế Thái Nguyên cho thấy, quá trình đổi mới công tác dân vận của các cấp chính quyền, thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội đã kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém để kiến nghị, góp ý với chính quyền sửa đổi, bổ sung các chính sách, quy định phù hợp, sát với thực tiễn cuộc sống; góp phần tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền. Tỉnh cũng tập trung xây dựng kế hoạch và triển khai sắp xếp, tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả để phục vụ người dân tốt hơn. Hai năm liền gần đây, chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh đạt hơn 94%. Hiện Thái Nguyên là một trong ba tỉnh dẫn đầu cả nước về chỉ số này.
(nhandan.com.vn)