Thứ Sáu, 10/1/2025
Thông cáo số 16 kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIV

Về nội dung phiên họp buổi sáng:

Nội dung 1:

Quốc hội làm việc tại hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Ðỗ Bá Tỵ. Quốc hội đã nghe Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2020. Kết quả cụ thể như sau: Số đại biểu Quốc hội tham gia xin ý kiến là 447 (bằng 92,36% tổng số đại biểu Quốc hội); số đại biểu Quốc hội đồng ý: 446 đại biểu (bằng 92,15%); số đại biểu Quốc hội không đồng ý: 0 đại biểu (bằng 00,00%); số đại biểu Quốc hội không tham gia ý kiến: 1 đại biểu (bằng 0,21%).

Nội dung 2:

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Trong quá trình thảo luận đã có 24 đại biểu phát biểu ý kiến, 2 đại biểu tranh luận. Ða số ý kiến đại biểu đồng tình với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; đồng thời, khẳng định việc sửa đổi, bổ sung Luật này sẽ góp phần kịp thời thể chế hóa Nghị quyết của Ðảng, của Quốc hội và khắc phục những vướng mắc, bất cập trong quá trình thi hành Luật. Bên cạnh đó, các đại biểu còn thảo luận, cho ý kiến về những nội dung sau:

Ðối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức Chính phủ: Trong quá trình thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu tập trung vào các vấn đề, như: Về nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ trong việc quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; tiêu chí thành lập, số lượng biên chế tối thiểu, số lượng lãnh đạo cấp phó tối đa; quyết định thực hiện thí điểm những mô hình mới về tổ chức bộ máy của bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện; về nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ và nhiệm vụ, quyền hạn của bộ trưởng;...

Ðối với việc sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức chính quyền địa phương: Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tập trung vào các nội dung cụ thể, như: Việc giảm số lượng phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện và giảm số lượng phó trưởng ban chuyên trách của hội đồng nhân dân cấp tỉnh; cơ cấu tổ chức của ủy ban nhân dân và tăng số lượng phó chủ tịch ủy ban nhân dân cấp xã loại II; vấn đề phân quyền, phân cấp và ủy quyền; nhiệm vụ của thường trực hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp; phiên họp của hội đồng nhân dân và hoạt động của hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, đại biểu hội đồng nhân dân; bộ máy giúp việc của chính quyền địa phương; thẩm quyền quy định tổ chức chính quyền địa phương ở hải đảo; việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị hành chính không đủ diện tích tự nhiên và quy mô dân số; việc thôi làm nhiệm vụ đại biểu, tạm đình chỉ và mất quyền đại biểu hội đồng nhân dân;...

Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ thêm ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của các đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật trước khi trình Quốc hội tiếp tục cho ý kiến, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

Về nội dung phiên họp buổi chiều:

Nội dung 1:

Quốc hội nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân. Sau đó, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết này. Kết quả biểu quyết như sau: Số đại biểu tham gia biểu quyết: 445 (bằng 91,94% tổng số đại biểu Quốc hội); số đại biểu đồng ý: 420 (bằng 86,78%); số đại biểu không đồng ý: 19 (bằng 3,93%); số đại biểu không tham gia ý kiến: 6 (bằng 1,24%).

Như vậy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 21/11/2014 của Quốc hội về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Nội dung 2:

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu. Trong quá trình thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu ý kiến, 5 đại biểu tranh luận. Nhiều ý kiến đại biểu tán thành với Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về sự cần thiết và phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật; một số ý kiến đề nghị nghiên cứu sửa đổi, bổ sung thêm một số nội dung để tiếp tục thể chế hóa chủ trương của Ðảng và giải quyết các vướng mắc trong quá trình thi hành. Bên cạnh đó, các đại biểu đã tập trung cho ý kiến về một số nội dung cụ thể sau: Quy định về đối tượng là công chức; việc tuyển dụng công chức; kiểm định chất lượng đầu vào công chức; việc tổ chức thi, xét nâng ngạch công chức; phân loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức; những tiêu chí cơ bản xác định người có tài năng và chính sách thu hút, trọng dụng đối với người có tài năng; các hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức; việc nâng ngạch, quy hoạch, bổ nhiệm đối với cán bộ, công chức bị kỷ luật; quy định về xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức đã nghỉ hưu; về liên thông trong công tác cán bộ; thực hiện chế độ hợp đồng có thời hạn đối với viên chức được tuyển dụng mới...

Sau khi thảo luận, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan thẩm tra phối hợp tiếp thu, làm rõ thêm các ý kiến của đại biểu Quốc hội để bổ sung, hoàn thiện dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Ðoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét quyết định tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV.

Thứ ba, ngày 11/6/2019: Buổi sáng, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm thẩm phán tòa án nhân dân tối cao và thảo luận tại các đoàn đại biểu Quốc hội về nội dung này. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 và Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019; thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thư viện.

(quochoi.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất