Thứ Năm, 9/1/2025
Giúp nhau vượt khó
 
Việc hỗ trợ vay vốn đã giúp cho lực lượng dân quân ở huyện Càng Long,
tỉnh Trà Vinh phát triển kinh tế gia đình


Hiệu quả mô hình “Nghĩa tình đồng đội”

Chúng tôi đến gia đình anh Kim Phúc, xã Thanh Sơn, huyện Trà Cú đúng lúc anh đi cắt cỏ cho bò về. Vừa cho bò ăn vừa trò chuyện với chúng tôi, anh Phúc cho biết: “Trong đợt tập trung huấn luyện cuối năm 2018, xét thấy gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn nên Ban CHQS huyện đã hỗ trợ cho vay 15 triệu đồng từ mô hình “Nghĩa tình đồng đội”. Có được số tiền này tôi đã mua một con bò giống, đến nay chuẩn bị đẻ lứa đầu tiên. Nếu mà thuận lợi thì cuối năm nay tôi sẽ bán bê con, sau đó hoàn lại vốn để các anh em khác vay mượn”. Được biết, gia đình anh Kim Phúc hiện có hai con còn nhỏ, nhà không có đất canh tác, vợ chồng quanh năm phải làm mướn đủ thứ nghề để kiếm tiền, cuộc sống rất khó khăn. Anh Phúc thực hiện nghĩa vụ quân sự tại Trung đoàn 3, Sư đoàn 330, Quân khu 9 và xuất ngũ năm 2005.

Theo Đại úy Thạch Phú Cường, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh, hàng năm, qua xây dựng và khảo sát lực lượng DBĐV vẫn còn nhiều gia đình thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều đồng chí chỉ đi làm theo thời vụ, không có việc làm ổn định, thu nhập ngày nào chi tiêu hết ngày đó nên không tích lũy được đồng vốn. Thậm chí nhiều gia đình không có kinh phí hoặc vốn vay để mua con giống, cây trồng vật nuôi, không có đất đai canh tác, cuộc sống càng khó khăn. Trước những băn khoăn đó, Ban CHQS huyện đã phát động mỗi cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng DBĐV, hàng quý mỗi đồng chí đóng góp 30 ngàn đồng để xây dựng mô hình “Nghĩa tình đồng đội”. Số tiền quyên góp được ghi chép cẩn thận và giao cho thủ quỹ đơn vị cất giữ, tất cả phải được công khai trong các buổi sinh hoạt. Người nào khó khăn, có nhu cầu vay mượn vốn trước thì đơn vị sẽ đi khảo sát, xác minh và trong vòng 2 năm sẽ phải hoàn trả lại vốn để cho các đồng chí khác mượn. “Với cách làm ý nghĩa, thiết thực nên khi phát động ai cũng hăng hái tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Từ năm 2014 đến nay mô hình “Nghĩa tình đồng đội” đã quyên góp được trên 200 triệu đồng, hỗ trợ vốn cho gần chục gia đình, chủ yếu nuôi bò để phát triển kinh tế”, Đại úy Thạch Phú Cường, Chính trị viên phó Ban CHQS huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh nói.

Được biết, bên cạnh hỗ trợ cho lực lượng DBĐV, thời gian qua công tác chính sách, hậu phương Quân đội còn được Ban CHQS huyện Trà Cú quan tâm thực hiện bằng nhiều việc làm thiết thực. Cụ thể mới đây cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS đã góp vốn, hỗ trợ cho 03 đồng chí, mỗi người mượn 15 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình. Việc làm thiết thực này đã động viên kịp thời, giúp những đồng chí này khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Bảo lãnh cho dân quân vay vốn, phát triển kinh tế

Trao đổi với chúng tôi, Đại úy Phan Thanh Cần, Chính trị viên phó, Ban CHQS huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh cho biết, cuối năm 2015, Ban CHQS huyện đã chọn xã Mỹ Cẩm tiến hành khảo sát và xin chủ trương UBND huyện để bảo lãnh cho lực lực DQTV vay vốn chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình. Theo đó, đến nay Phòng Nông nghiệp huyện đã giải ngân trên 300 triệu đồng cho 12 đồng chí dân quân vay, mỗi người được mượn từ 20 đến 30 triệu đồng, lãi suất 0,4%/1 tháng có thời hạn 5 năm. Nhận được đồng tiền, các gia đình đều rất phấn khởi. Nhiều người sử dụng số tiền đó để mua bò sinh sản, từ 01 tới 02 con bò.

Đơn cử như trường hợp của chị Nguyễn Thị Bích Tuyền, xã Mỹ Cẩm, Trung đội Dân quân nữ huyện Càng Long. Cuối năm 2017, sau khi vay được 30 triệu đồng chị Tuyền đã mua được 02 con bò nái. Nhờ bản tính tính cần cù, chịu khó học hỏi kiến thức về kỹ thuật chăn nuôi nên việc nuôi bò của chị Tuyền ngày càng thuận lợi. 02 con bò nái đã sinh sản thêm 02 con bê, đến nay chị đã bán 02 con bê để trả vốn và lãi ngân hàng. Không chỉ dừng lại ở việc chăn nuôi bò, chị Tuyền còn tận dụng diện tích đất xung quanh nhà để trồng cỏ, nhờ đó mà tự bảo đảm được 100% thức ăn cho 4 con bò.

Ông Huỳnh Nam Chiến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh vui vẻ nói: “Mỹ Cẩm là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới năm 2016 của huyện. Từ đồng vốn với lãi suất thấp để nuôi bò sinh sản đã tạo điều kiện cho lực lượng DQTV, DBĐV có điều kiện phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Qua 02 giai đoạn triển khai, xã Mỹ Cẩm có 20 con bò được mua về nuôi, trong đó có 80% đã sinh sản, số còn lại đang thời kỳ mang thai. Bên cạnh việc đóng lãi suất đúng quy định, mỗi hộ gia đình dân quân còn gửi tiết kiệm mỗi tháng từ 500 ngàn đến 1 triệu đồng. Đến nay, tổng số tiền tiết kiệm được gần 100 triệu đồng. Số tiền tích lũy này để tạo cơ sở trả gốc nguồn vốn vay khi hết hạn”.

Còn Thượng tá Nguyễn Văn Thoàn, Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Càng Long chia sẻ: “Hàng tháng, Ban CHQS huyện đều tổ chức họp rút kinh nghiệm, thẳng thắn nhận xét, đánh giá chất lượng mô hình hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế. Từ hiệu quả của xã Mỹ Cẩm, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu cho Huyện ủy - UBND mở rộng mô hình. Có thể nói mô hình hỗ trợ vốn vay phát triển kinh tế đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện tính nhân văn sâu sắc, từ đó giúp lực lượng cho lực lượng DBĐV, DQTV an tâm công tác, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; đồng thời góp phần giảm hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn huyện”.

Bài ảnh: Quang Đức

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất