Thứ Sáu, 19/4/2024
TP Hồ Chí Minh: Ðột phá trong cải cách hành chính
 

Người dân làm thủ tục hành chính tại UBND quận 3, TP Hồ Chí Minh 


Văn phòng không giấy mực

Nghi ngờ một nhóm người rao bán đất bất hợp pháp trên đường Phan Chu Trinh - Chu Văn An (phường 12, quận Bình Thạnh), một người dân đã chụp ảnh gửi đến phần mềm Bình Thạnh trực tuyến. Chỉ 30 phút sau, lực lượng thanh tra, quản lý đô thị quận đã có mặt để kiểm tra pháp lý rồi đăng thông tin cảnh báo người dân. Theo thông tin được đăng tải trên trang thông tin điện tử của quận, khu đất nêu trên trực thuộc Học viện Cán bộ thành phố. Ðơn vị rao bán là một doanh nghiệp không có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, còn có một số cá nhân (để lại số điện thoại) cũng rao bán đất trên mạng xã hội. Thủ đoạn là lợi dụng khu đất đang triển khai xây dựng công viên và ký túc xá đã được dựng tôn che chắn, những cá nhân, đơn vị này chụp ảnh và đăng lên mạng để rao bán với mục đích lừa đảo. Anh Nguyễn Tiến Thành (ngụ phường 22, quận Bình Thạnh) cho biết, nếu không sớm đọc được cảnh báo thì anh và nhiều người dân đã mất oan tiền cọc vì tin lời môi giới. Tương tự, được cán bộ UBND quận Bình Thạnh hướng dẫn tra cứu phần mềm thông tin quy hoạch, bà Nguyễn Thị Hương (55 tuổi) đã biết được miếng đất muốn mua để xây nhà cho con trai thuộc quy hoạch đất công viên, không thể chuyển đổi mục đích sang đất ở.

Ứng dụng Bình Thạnh trực tuyến được quận Bình Thạnh thí điểm vận hành từ tháng 4-2017 nhằm hỗ trợ người dân gửi các phản ánh, đóng góp ý kiến cũng như theo dõi, giám sát kết quả xử lý những phản ánh, góp ý của mình. Các vi phạm được phản ánh trong vòng 5 giây, sẽ được xử lý trong vòng 120 phút. Các cơ quan chức năng của quận căn cứ vào hình ảnh được phản ánh để lập biên bản xử lý vi phạm (phạt nguội). Kết quả xử lý được phản hồi cho người dân. Thống kê cho thấy, kể từ khi ứng dụng đến tháng 6-2019, phần mềm này đã tiếp nhận và xử lý 14.270 tin báo của người dân.

Không chỉ Bình Thạnh, nhiều quận, huyện khác trên địa bàn TP Hồ Chí Minh cũng đã ứng dụng công nghệ thông tin để cải cách hành chính (CCHC) và đạt được hiệu quả cao. Ðến nay, tất cả cán bộ, công chức trên địa bàn quận 1 đã sử dụng thư điện tử của thành phố để trao đổi thông tin, toàn bộ gửi thư mời họp điện tử và toàn bộ các văn bản trao đổi chính thức giữa UBND quận với các cơ quan nhà nước được thực hiện dưới hình thức thư điện tử. Chủ tịch UBND quận 1, Nguyễn Văn Dũng cho biết: Hiện quận đang cung cấp tám loại dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và doanh nghiệp tại Trang thông tin điện tử quận, trên các lĩnh vực: Cấp giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh, cấp phép bán lẻ sản phẩm rượu, cấp phép bán lẻ sản phẩm thuốc lá, cấp phép xây dựng, thông tin quy hoạch, nộp hồ sơ đăng ký báo cáo khai trình sử dụng lao động, hồ sơ tư pháp - hộ tịch, hồ sơ cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm.

Những con số biết nói

Theo Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong, công tác CCHC của thành phố trong năm 2019 đã tạo được sự đột phá. Thành phố đã triển khai nhiều giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin trong CCHC như thiết lập hệ thống phòng họp không giấy, ứng dụng giao việc tức thời - nhắc việc thông minh. Công tác triển khai đánh giá sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước được triển khai nghiêm túc, có sự tham gia khảo sát độc lập của Ủy ban MTTQ thành phố, Viện Nghiên cứu phát triển thành phố. Chất lượng giải quyết TTHC được nâng cao rõ rệt. Cơ chế một cửa, một cửa liên thông tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức theo hướng công khai, minh bạch, thuận tiện.

Tại quận 12 tỷ lệ giải quyết hồ sơ hành chính đúng hẹn bình quân trên các lĩnh vực đạt 83,32% năm 2016; 95,03% năm 2017; 95,53% năm 2018; 94,73% năm 2019. Tỷ lệ thực hiện "Thư xin lỗi" khi giải quyết hồ sơ hành chính trễ hẹn đạt 70% năm 2016; 95,9% năm 2017; 89,67% năm 2018; 96% năm 2019.

Phó Chủ tịch UBND quận 7 Ðào Gia Vượng cho biết: Ðiểm nhấn của quận là đã triển khai xây dựng Ðề án chi tiết thí điểm rút gọn quy trình dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 về cấp giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ tại một số tuyến đường trên địa bàn. Nhờ vậy, người dân quận 7 chỉ chờ ba ngày làm việc là nhận được giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ; hơn nữa, các thủ tục đã trở nên đơn giản, chủ yếu thực hiện qua in-tơ-nét. Giờ đây, người dân chỉ cần chạy phần mềm, rồi điền số tờ, số thửa khu đất là biết ngay thông tin công trình được phép xây dựng như thế nào, chiều cao tối đa... Ba ngày sau khi đăng ký cấp phép, người dân sẽ có giấy phép xây dựng mà không cần phải đến trụ sở UBND quận nộp hồ sơ, cũng không phải lập bản vẽ như trước đây.

Nhận xét về công tác CCHC của thành phố trong năm 2019, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho biết: Ðến nay, một số nội dung nhiệm vụ CCHC cơ bản đã hoàn thành, công tác cải cách và kiểm soát TTHC được thực hiện chủ động và thường xuyên trên các lĩnh vực, bảo đảm tiến độ và chất lượng theo quy định. Công tác ứng dụng công nghệ thông tin theo quy trình kết nối liên thông đã mang lại hiệu quả thiết thực. Thành phố đã giới thiệu năm mô hình và 251 giải pháp hay về CCHC, nhân rộng mô hình Bình Thạnh trực tuyến, Hóc Môn trực tuyến ra nhiều quận, huyện khác. Ngoài ra, lần đầu thành phố ban hành quy chế phối hợp, quy định thời gian và quy trình cụ thể về giải quyết TTHC liên quan các quận, huyện, sở, ngành, thực hiện chi thu nhập tăng thêm gắn với việc hoàn thành nhiệm vụ của người đứng đầu đơn vị, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc. Theo đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, CCHC đã đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng chính quyền vì dân, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, thu hút nhân tài, khuyến khích tinh thần làm việc, đưa TP Hồ Chí Minh phát triển nhanh và bền vững, xứng đáng là thành phố văn minh - hiện đại - nghĩa tình.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất