Thứ Năm, 26/12/2024
Thủ tướng mong Mặt trận Tổ quốc phối hợp giải quyết những bất cập chính sách

 


Theo báo cáo của MTTQ, cử tri và nhân dân đánh giá cao sự nỗ lực, hành động quyết liệt, quyết tâm cao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong chỉ đạo, điều hành. Nhân dân đánh giá cao sự vào cuộc quyết liệt của Thủ tướng, Phó Thủ tướng trước tình hình dịch bệnh COVID-19. Việc đề nghị hệ thống chính trị vào cuộc, bằng những việc làm cụ thể, thiết thực, từng ngày, từng giờ, hết sức khẩn cấp, xác định cấp độ "chống dịch như chống giặc", thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia và đội phản ứng nhanh… Trước diễn biến của dịch, ngày 31/1, MTTQ đã phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc để quán triệt, tuyên truyền thực hiện các chỉ đạo của Ban Bí thư, của Thủ tướng về phòng, chống COVID-19.

Mở đầu phần thảo luận, Thủ tướng đề nghị Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên báo cáo cập nhật tình hình dịch bệnh COVID-19. Ông Tuyên cho biết, đến hôm nay, Việt Nam có 16 ca nhiễm COVID-19 thì có 11 người ra viện, dự kiến ngày mai có thêm 2 người ra viện nữa. Hiện không có trường hợp tử vong, không có trường hợp lây nhiễm chéo trong bệnh viện, lây từ người bệnh sang nhân viên y tế. Việt Nam là 1 trong 4 nước phân lập được virus Corona. “Đến giờ, tình hình dịch trong tầm kiểm soát”, ông Tuyên cho biết.

Có 3 tỉnh công bố dịch là Khánh Hòa, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc thì đến nay, Khánh Hòa đã qua 31 ngày không có ca mắc mới, đang được Bộ Y tế hướng dẫn công bố hết dịch. Thanh Hóa đã qua 24 ngày không có ca mắc mới và Vĩnh Phúc 7 ngày qua không có ca mắc mới. Tại Vĩnh Phúc, hiện nay đang kiểm soát tốt tình hình, việc khoanh vùng, dập dịch được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Kết quả này có sự phối hợp rất tốt của MTTQ. Ông Tuyên đánh giá cao việc MTTQ tổ chức hội nghị trực tuyến ngày 31/1.

Các ý kiến tại cuộc họp nhất trí đánh giá Chính phủ và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc bằng các hoạt động cụ thể, thiết thực. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương luôn lắng nghe, nắm bắt tình hình nhân dân thông qua ý kiến phản ánh của đại diện MTTQ. Tại kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã tiếp nhận 2.127 kiến nghị của cử tri; đến nay đã trả lời 2.105/2.127 kiến nghị, đạt 99%. Riêng đối với 223 kiến nghị cử tri gửi đến Thủ tướng đã được giao các bộ, ngành cơ quan xem xét, giải quyết và có văn bản trả lời cử tri đạt tỷ lệ 100%.

Các ý kiến mong muốn hai cơ quan tiếp tục phối hợp tốt trong xây dựng cơ chế chính sách để các văn bản được ban hành có tính khả thi cao như Nghị định 100 về xử phạt vi phạm an toàn giao thông, mà theo MTTQ, có sức lan tỏa và đi vào cuộc sống, hiệu quả rõ rệt.

Theo Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Trần Thanh Mẫn, trong năm 2020, MTTQ sẽ tập trung giám sát 5 chuyên đề: Công tác cán bộ; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo ở cơ sở; đo lường sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước; việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, thành quả đất nước trong thời gian qua có sự đóng góp trực tiếp của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, là “thắng lợi của ý Đảng, lòng dân, là kiềng 3 chân: Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam”. Đó là sự sát dân, gắn bó với nhân dân với tinh thần tiến công, đưa đất nước tiến lên. Điều đặc biệt, đó là sự đoàn kết của toàn dân, đã góp công, góp sức cho sự phát triển của đất nước.

Nhấn mạnh việc chủ động, nêu cao tinh thần trách nhiệm trước nhân dân, lắng nghe ý kiến nhân dân, Thủ tướng lấy ví dụ về tình trạng hạn mặn năm nay ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là rất nghiêm trọng, có thể hơn cả đợt hạn mặn kỷ lục năm 2016. Lắng nghe ý kiến các nhà khoa học, của nhân dân, các tỉnh ĐBSCL, từ tháng 9/2019, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị với các tỉnh ĐBSCL, các bộ, ngành liên quan để bàn giải pháp, chủ động xử lý vấn đề hạn mặn. Do đó, năm nay, hạn mặn lớn nhất trong những năm qua nhưng thiệt hại lại nhỏ nhất, đặc biệt là bảo đảm nước sinh hoạt cho nhân dân.

Hay nói về phòng chống dịch COVID-19, Thủ tướng cho biết, chúng ta đã phát động nhân dân, chủ động ngay từ đầu với nhiều chỉ đạo, thông điệp rõ ràng, đặc biệt là sự hưởng ứng đầu tiên của MTTQ với việc tổ chức hội nghị trực tuyến có trên 2.000 người tham dự.

Những ví dụ này phần nào nói lên công tác phối hợp tốt giữa MTTQ với Chính phủ bởi những công việc đó không có sự hưởng ứng của người dân thì không thể thành công.

“Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương luôn luôn lắng nghe ý kiến của MTTQ qua việc tổng hợp ý kiến của cử tri”, Thủ tướng nói. “Tại tất cả những phiên họp của Chính phủ thường kỳ hằng tháng, chúng tôi đều mời đồng chí Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phát biểu ý kiến, đánh giá, phản ánh tình hình nhân dân, nói lên nguyện vọng, trăn trở của nhân dân hiện nay như thế nào, để Chính phủ nắm bắt sát hơn, chỉ đạo kịp thời hơn”. Khi quyết một chính sách thì phải nghe nhiều kênh, trong đó có kênh MTTQ.


Trong thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trọng tâm phối hợp công tác là tập hợp, khơi dậy sức mạnh toàn dân tộc vượt qua khó khăn với ý chí, khát vọng vươn lên của Việt Nam. Trước mắt, phối hợp tiếp tục vận động tổ chức, nâng cao nhận thức của nhân dân trong việc chủ động, tự giác phòng, chống dịch COVID-19 để bảo đảm sức khỏe cho bản thân và cộng đồng xã hội. Đây là vẫn là việc lớn cần quan tâm, không thể chủ quan. Không có sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc thì không bao giờ thành công.

Nhất trí cho rằng MTTQ đã lăn xả vào thực tiễn, không còn hành chính hóa, không còn chậm đổi mới, Thủ tướng nêu rõ, cần đa dạng hóa phương thức hoạt động, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành của mặt trận các cấp, tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương, nắm bắt dư luận, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, lưu ý dư luận trên mạng xã hội. Đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội năm 2020 và 5 năm 2016-2020. Phối hợp phát huy dân chủ, giám sát, phản biện xã hội.

“Tôi rất mong MTTQ Việt Nam cùng với Chính phủ xem xét, giải quyết, điều chỉnh chính sách bất cập, chưa phù hợp, chú trọng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, những bức xúc của nhân dân ngay từ các cấp mặt trận, chính quyền cơ sở”, Thủ tướng bày tỏ. Cần phải tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn nữa vai trò của mặt trận trong việc xây dựng, hoạch định chính sách pháp luật phục vụ phát triển đất nước.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi