Thứ Ba, 24/12/2024
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước
 
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng báo cáo tại phiên họp 


Nhiều kết quả quan trọng trong tiết kiệm, chống lãng phí

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trình bày báo cáo của Chính phủ về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTKCLP) trong năm 2019. Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải trình bày báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Tài chính ngân sách.

Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, kết quả công tác THTKCLP trong lĩnh vực tài chính ngân sách được Thủ tướng Chính phủ điều hành chính sách tài khóa chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả; chỉ đạo các cấp, các ngành siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường minh bạch trong thu, chi NSNN. Cơ cấu chi chuyển dịch tích cực, đạt mục tiêu đề ra (chi đầu tư phát triển khoảng 27%, chi thường xuyên khoảng 61% tổng chi NSNN). Nợ công được kiểm soát chặt chẽ, góp phần ổn định vĩ mô. Nhiều bộ, ngành, địa phương báo cáo đạt kết quả tốt về tiết kiệm kinh phí NSNN năm 2019.

Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, Chính phủ ban hành chương trình hành động và tập trung triển khai thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới chính sách pháp luật, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, sử dụng đất đai. Xử lý 1.311 dự án chậm triển khai; hoàn thành rà soát 1,8 triệu ha đất của các công ty nông, lâm nghiệp. Triển khai kiểm kê, đánh giá thực trạng tình hình quản lý, sử dụng đất. Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về chính sách, quy hoạch để thúc đẩy tiến độ các dự án lớn, trọng điểm quốc gia.Giải phóng nguồn lực tài nguyên đất cho phát triển KTXH (số thu NSNN từ đất năm 2019 đạt trên 172,6 nghìn tỷ đồng).

Đưa vào vận hành Cổng Dịch vụ công quốc gia, Trục liên thông văn bản quốc gia và Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ, góp phần tiết kiệm kinh phí NSNN và thời gian xử lý công việc (ước tính tiết kiệm được khoảng 4,2 nghìn tỷ đồng và sẽ còn tăng lên, tỉ lệ thuận với số lượng dịch vụ công được tích hợp lên Cổng Dịch vụ công quốc gia).

Công tác đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, cơ chế tự chủ tài chính các đơn vị sự nghiệp công lập theo Nghị quyết số 19-NQ/TW tiếp tục đạt kết quả tốt. Việc thực hiện tinh giản biên chế trong các lĩnh vực và đổi mới khu vực sự nghiệp công đã góp phần giảm chi NSNN năm 2019 khoảng 6 nghìn tỷ đồng so với năm 2018, tạo thêm nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển, bảo đảm an sinh xã hội.

Tập trung điều tra xác định các tiềm năng tài nguyên khoáng sản chiến lược; phát hiện nhiều giá trị địa chất, tiềm năng khoáng sản mới, chuyển hóa thành nguồn lực, đóng góp vào tăng trưởng chung (năm 2019 phê duyệt tiền cấp quyền khai thác khoáng sản 2.381 tỷ đồng; lũy kế từ năm 2014 là 50.909 tỷ đồng). Hoàn thành điều chỉnh, bổ sung các quy trình vận hành liên hồ chứa, giám sát tự động. Đẩy mạnh kinh tế hoá, sử dụng tiết kiệm tài nguyên nước (năm 2019 phê duyệt tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước 1.165 tỷ đồng; lũy kế là 9.354 tỷ đồng). Năm 2019, diện tích trồng rừng tập trung là 274.000 ha; đạt tỉ lệ che phủ rừng 41,85% theo kế hoạch Quốc hội giao. Các biện pháp bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng được đẩy mạnh, rừng được bảo vệ tốt hơn. Thu dịch vụ môi trường rừng tăng từ 1.300 tỷ đồng năm 2015 lên gần 3.000 tỷ đồng năm 2019.

5 nhiệm vụ, giải pháp về THTKCLP năm 2020

Về nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP năm 2020, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể THTKCLP năm 2020, đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp THTKCLP chủ yếu.

Cụ thế, thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp, chỉ tiêu THTKCLP trong các lĩnh vực đã đề ra tại Chương trình tổng thể của Chính phủ về THTKCLP năm 2020, ban hành theo Quyết định số 166/QĐ-TTg ngày 23/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ, tăng cường THTKCLP trong sử dụng các nguồn lực của đất nước, tài nguyên thiên nhiên, góp phần thực hiện có hiệu quả, thực chất các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế và các ngành, lĩnh vực, đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6,8%, tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7%.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo THTKCLP tại các bộ, ngành, địa phương. Xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu tiết kiệm cho từng lĩnh vực, gắn với công tác thanh tra, kiểm tra thường xuyên; phân công rõ trách nhiệm của từng cơ quan, tổ chức, đơn vị. Đưa kết quả THTKCLP là tiêu chí đánh giá công tác thi đua, khen thưởng và bổ nhiệm cán bộ, công chức, viên chức.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, ý thức THTKCLP đối với các cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân và toàn xã hội. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những gương điển hình trong THTKCLP; bảo vệ người cung cấp thông tin phát hiện lãng phí theo quy định của pháp luật.

Triển khai thực hiện có hiệu quả pháp luật về THTKCLP, gắn với công tác phòng chống tham nhũng. Nâng cao công tác phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương; giữa các cơ quan của Đảng, Nhà nước, Mặt trận tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể trong công tác THTKCLP.

Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán THTKCLP; thực hiện nghiêm việc công khai các hành vi lãng phí và kết quả xử lý hành vi lãng phí theo quy định của Luật THTKCLP.


Cụ thể hoá các con số về TKCLP của các bộ, ngành, địa phương

Thảo luận về báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đánh giá công tác THTKCLP vừa qua trên nhiều lĩnh vực như cải cách TTHC, sắp xếp và đổi mới tổ chức, bộ máy, thu chi ngân sách quyết liệt nên tiết kiệm được một số tiền rất lớn để đầu tư cho phát triển…

Bên cạnh đó, ông đề nghị thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về THTKCLP của các bộ, ngành, địa phương cũng như chất lượng các báo cáo này. Qua đó, nâng cao hiệu quả đối với công tác này trong thời gian tới. Nêu kết quả cụ thể đối với việc sử dụng xe công, khoán xe công, làm rõ một số xe công có giá trị rất cao như xe Lexus 570 vẫn được sử dụng.

Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Phan Thanh Bình đề nghị báo cáo cần làm rõ xem các bộ, ngành, địa phương đã thực sự tiết kiệm được bao nhiêu phần trăm trong tổng số ngân sách được phân bổ và so sánh với các năm trước để cho dễ hình dung.Qua đó, mới có thể làm nghiêm về THTKCLP, thực hiện tốt thi đua khen thưởng và xử lý sai phạm đối với công tác này.

Cơ bản tán thành với báo cáo của Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, cần xem xét việc THTKCLP trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội về tiết kiệm thời gian như thời gian, cải cách thủ tục hành chính, tiết kiệm trong sản xuất kinh doanh, bởi sự chậm trễ trong các dự án đầu tư xây dựng gây lãng phí rất lớn về thời gian, tiền bạc, công sức của xã hội...

Chủ tịch Quốc hội cũng đề cập đến sự lãng phí rất lớn trong việc tổ chức các lễ hội vừa qua. Theo đó, tuy các lễ hội không sử dụng ngân sách nhưng lại huy động rất nhiều nguồn lực xã hội nên cũng gây lãng phí của cải của nhân dân. Lẽ ra, lấy số tiền đó để dành tài trợ xây trường học, bệnh viện, cầu cống ở nông thôn, xoá đói giảm nghèo thì tốt biết bao…

“Chính phủ cần lập lại trật tự các loại lễ hội, lấy số tiền đó để xây dựng đất nước và nâng cao cuộc sống nhân dân“, Chủ tịch Quốc hội nói.

Năm 2019, ngành thanh tra cả nước đã triển khai 6.601 cuộc thanh tra hành chính, 227.386 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm về kinh tế 173.411 tỷ đồng, 22.548 ha đất; kiến nghị thu hồi về NSNN 83.968 tỷ đồng, thu hồi 897 ha đất; đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.732 kết luận thanh tra và các quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 7.200 tỷ đồng (đạt 72,2%), 106 ha đất (đạt 31,3%); đôn đốc xử lý trách nhiệm đối với 969 tập thể, 3.170 cá nhân; chuyển cơ quan chức năng điều tra, khởi tố 17 vụ, 61 đối tượng.


(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi