Thứ Tư, 24/4/2024
Tổng kết hoạt động điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế

Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, những năm qua, tình hình tham nhũng, tiêu cực ở nước ta diễn ra phức tạp và có những đặc điểm nổi bật là: tham nhũng có dấu hiệu gia tăng về số lượng; quy mô lớn, tính chất và thủ đoạn ngày càng tinh vi; tham nhũng diễn ra khá phổ biến ở các cấp, các lĩnh vực; tham nhũng thường xảy ra trong công tác quản lý tài nguyên, đất đai, ngân hàng, tài chính, phát triển dự án xây dựng đô thị, giao thông, công nghiệp, mua sắm tài sản công; tham nhũng có tổ chức chặt chẽ và hình thành đường dây, kéo dài trong nhiều năm; có sự tham gia của doanh nghiệp vào các hoạt động hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chủ trương đầu tư, bố trí nhân sự, phân bổ nguồn lực tài chính, phê duyệt dự án và chủ trương mua sắm công.

Thực trạng tham nhũng đã gây nên nhiều bức xúc trong xã hội. Trước tình hình đó Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo đã tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, tăng cường phát hiện và điều tra, truy tố xét xử nghiêm minh các vụ án tham nhũng. Chính vì vậy, từ đầu nhiệm kỳ Ðại hội XII của Ðảng đến nay, hàng loạt các vụ án tham nhũng lớn đã bị phát hiện, làm sáng tỏ và lần lượt đưa ra xét xử.

Phát biểu ý kiến tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hòa Bình nêu rõ, mục đích của hội nghị là tổng kết thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử các vụ án kinh tế, tham nhũng điển hình để nhìn nhận, đánh giá khách quan, toàn diện kết quả đạt được, những kinh nghiệm hay, bài học tốt. Ðồng thời, nhìn nhận thấu đáo những tồn tại, hạn chế để đẩy mạnh hơn nữa hiệu quả công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Ðồng chí Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, những vụ án nêu trong báo cáo tại hội nghị là những vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt lớn, tồn tại nhiều năm, gắn với các quyền lực cao cấp, gây ra các tổn thất to lớn về tài sản, cán bộ và uy tín của Ðảng, Nhà nước. Việc điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ án này đã khẳng định những thành tựu nổi bật của công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Khẳng định vai trò và hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo trong công tác phòng, chống tham nhũng và tội phạm tham nhũng, kinh tế. Công tác phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan chức năng đã kịp thời xác minh, điều tra, truy tố, xét xử và xử lý dứt điểm, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế, nhất là phối hợp giữa các cơ quan kiểm tra, nội chính với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử.

Ðồng chí Nguyễn Hòa Bình khẳng định, có được kết quả nêu trên, trước hết phải bắt đầu bằng sự quyết tâm chính trị cao của Ðảng và Nhà nước; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, bài bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiếp đó là những nỗ lực rất đáng hoan nghênh của các cơ quan: thanh tra, kiểm tra, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; sự đồng lòng ủng hộ, tham gia góp sức tích cực của nhân dân và các cơ quan báo chí. Bên cạnh đó, còn những tồn tại, hạn chế cần tổng kết, rút kinh nghiệm là: các hoạt động phát hiện, thu thập chứng cứ chứng minh tội phạm; truy bắt đối tượng tham nhũng, vận dụng pháp luật; phong tỏa, truy nguyên tài sản có được từ tham nhũng.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất