Buổi sáng
Theo chương trình kỳ họp, Quốc hội tiếp tục dành 0,5 ngày để chất vấn các thành viên Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành về các vấn đề liên quan đến việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số Nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội đã tập trung chất vấn về những lĩnh vực sau:
- Ðối với lĩnh vực xây dựng, giao thông vận tải: Các đại biểu tập trung chất vấn về vấn đề xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông; về các giải pháp đột phá xây dựng hạ tầng đồng bằng sông Cửu Long; việc thu phí trở lại cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương; về thu phí BOT ở Ðèo Cả trên quốc lộ 1; việc đầu tư, nâng cấp mở rộng đường quốc lộ 27, 28; về xã hội hóa các cảng hàng không; về quản lý nhà chung cư và xử lý các chủ đầu tư chung cư chiếm đoạt kinh phí bảo trì; việc quy hoạch, quản lý không gian ngầm đô thị…
- Ðối với lĩnh vực khoa học, công nghệ và môi trường: Các đại biểu tập trung chất vấn về việc đánh giá tác động dự án lấn biển ở Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh; các giải pháp khắc phục tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho vùng núi đá và hải đảo xa xôi; về ô nhiễm không khí và xử lý rác thải tại các đô thị…
- Ðối với lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn: Các đại biểu chất vấn về vấn đề quy hoạch thoát lũ sông Hồng, sông Ðáy; về chuyển đổi hơn 18.000 ha đất trồng lúa sang trồng cây ăn quả và thủy sản của TP Hà Nội…
- Ðối với lĩnh vực kế hoạch và đầu tư: Các đại biểu chất vấn về các giải pháp đầu tư hạ tầng cho ngành thủy sản; về đầu tư xây dựng dự án đường cao tốc; về thu hút dòng vốn đầu tư tái định vị sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia công nghệ cao; việc phân bổ vốn đầu tư công...
- Ðối với lĩnh vực tài chính: Các đại biểu chất vấn về việc xảy ra thất thu, lãng phí ngân sách thông qua đấu thầu, đấu giá đất đai; nguyên nhân và giải pháp xử lý việc chậm di dời cơ quan, bệnh viện, trường học ra ngoài ngoại ô Thủ đô Hà Nội để giãn dân; về việc triển khai lộ trình áp thuế đối với đối tượng kinh doanh bán hàng trên mạng; về việc điều chỉnh thang, bảng lương, tuổi nghỉ hưu đối với nghệ sĩ, diễn viên…
- Ðối với hoạt động tư pháp: Các đại biểu tập trung chất vấn về vấn đề chỉ đạo án giữa tòa án cấp trên với tòa án cấp dưới; về chậm xử lý án dân sự; chậm chuyển giao hồ sơ giải quyết giám đốc thẩm, tái thẩm; việc điều tra, xử lý việc sản xuất phân bón của Công ty
Thuận Phong…
- Ðối với lĩnh vực nội vụ: Các đại biểu tập trung chất vấn về việc phát hiện và xử lý cán bộ cấp cao; giải pháp khắc phục những hạn chế trong việc thi hành kỷ luật, kỷ cương cán bộ công chức; vấn đề quản lý Hội và hoàn thiện các quy định pháp luật về Hội…
- Ðối với lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch, y tế, giáo dục: Các đại biểu chất vấn về chính sách hỗ trợ cho các đoàn nghệ thuật truyền thống ngoài công lập; việc lập đề án xác định danh mục các dân tộc Việt Nam; các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo viên từ đầu vào tuyển sinh...
- Ðối với lĩnh vực lao động, thương binh, xã hội: Các đại biểu chất vấn về bồi dưỡng, phát triển lực lượng lao động qua đào tạo; chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài; về việc xây dựng Luật Tiền lương tối thiểu; về việc nâng trợ cấp cho người cao tuổi…
- Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung chất vấn về một số vấn đề khác như: xây dựng Chính phủ điện tử; các giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển các cơ chế hợp tác Mê Công - Lan Thương; về chống thất thu thuế và quản lý nội dung đối với dịch vụ cung cấp truyền hình kỹ thuật số xuyên biên giới; về tình trạng nhân dân ở các địa phương kéo về Hà Nội khiếu kiện trong các kỳ họp Quốc hội…
Tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, Thông tin và Truyền thông, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Lao động - Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Ðầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Giao thông vận tải; Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình đã trả lời các câu hỏi chất vấn liên quan đến lĩnh vực mình phụ trách. Sau đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có báo cáo giải trình, làm rõ thêm những vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm và trực tiếp trả lời các câu hỏi chất vấn.
Phát biểu kết thúc phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, sau 2,5 ngày làm việc nghiêm túc và trách nhiệm, với tinh thần tiếp tục đổi mới, Quốc hội đã hoàn thành phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV và một số nghị quyết trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII. Tham gia phiên chất vấn và trả lời chất vấn có 121 đại biểu Quốc hội chất vấn; 06 đại biểu chất vấn hai lần; có 41 đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó có 03 Phó Thủ tướng Chính phủ và 15 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã trực tiếp trả lời chất vấn về các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành của mình. Thủ tướng Chính phủ đã báo cáo làm rõ, cụ thể thêm một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời chất vấn của các đại biểu. Tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội cũng đã trả lời trực tiếp chất vấn của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, về cơ bản các câu hỏi của đại biểu Quốc hội đã được các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành trả lời, còn một số câu hỏi chưa được trả lời hoặc được phép trả lời bằng văn bản, đề nghị Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trả lời, sớm gửi văn bản đến các đại biểu Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Việc chất vấn và trả lời chất vấn đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát đến cùng những nội dung được cử tri và nhân dân quan tâm. Các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ các báo cáo, đặt câu hỏi ngắn gọn, rõ ràng, đi thẳng vào nội dung chất vấn. Các thành viên Chính phủ, các vị trưởng ngành cơ bản đã trả lời rõ, thẳng thắn về kết quả đạt được, những hạn chế, yếu kém, chỉ rõ nguyên nhân, nhận trách nhiệm và có giải pháp cụ thể để khắc phục. Tuy nhiên, cũng có vấn đề trả lời còn chưa đáp ứng được yêu cầu của đại biểu, chưa làm rõ được trách nhiệm nên còn có ý kiến tranh luận, trao đổi lại.
Qua phiên chất vấn cho thấy, cơ bản việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội đã được Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao nghiêm túc, chủ động triển khai thực hiện với nhiều giải pháp, biện pháp đồng bộ, quyết liệt; kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc thực hiện có hiệu quả các yêu cầu của Quốc hội, tạo sự chuyển biến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội, quốc phòng được giữ vững. Nhiều chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao đã được thực hiện đạt hoặc vượt yêu cầu. Kết quả đó được đại biểu Quốc hội, cử tri và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao. Quốc hội ghi nhận sự nghiêm túc, cầu thị, tinh thần trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, của các bộ, ngành trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, trả lời chất vấn và tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội. Quốc hội đề nghị Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, các bộ, ngành liên quan tiếp tục tổ chức thực hiện, hoàn thành các yêu cầu đã được Quốc hội đề ra, cũng như những giải pháp đã nêu tại phiên chất vấn hôm nay.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 10 đã thành công tốt đẹp. Tinh thần chung của phiên chất vấn đó là "dân chủ - thẳng thắn, trách nhiệm và xây dựng". Phiên chất vấn diễn ra ở thời điểm sắp kết thúc nhiệm kỳ, là thời điểm cả hệ thống chính trị, toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta đang nỗ lực phấn đấu để hoàn thành tốt nhất các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do đại dịch Covid-19 và thiên tai, bão, lũ gây ra. Kết quả của phiên chất vấn sẽ là cầu nối giữa hai khóa Quốc hội, chuyển tải những nỗ lực trách nhiệm của Chính phủ, của các bộ, ngành trong công tác chỉ đạo điều hành và trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội trong việc theo dõi, giám sát; thể hiện vai trò, chức năng của Quốc hội trong việc thực hiện thắng lợi mục tiêu đã đề ra của nhiệm kỳ khóa XIV, tạo động lực, khí thế mới để đất nước tiếp tục phát triển bền vững trong nhiệm kỳ tiếp theo.
Trên cơ sở chất vấn của các vị đại biểu Quốc hội và trả lời các thành viên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan rà soát các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao trong các nghị quyết đã ban hành, cùng các vấn đề nêu trên để dự thảo Nghị quyết về việc tiếp tục thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động chất vấn để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp, làm cơ sở để Quốc hội khóa XV tiếp tục theo dõi, giám sát việc thực hiện.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự thảo Văn kiện trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Ðảng.
Thứ tư, ngày 11/11/2020, buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường để biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; nghe Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình đề nghị phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng và thảo luận ở Ðoàn về nội dung này; Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi); Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đối với ông Chu Ngọc Anh, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đối với ông Lê Minh Hưng; Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Biên phòng Việt Nam; Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi). Từ 15 giờ 30 phút, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.