Thứ Sáu, 27/12/2024
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2021

Vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi bị phạt đến 20 triệu đồng

Có hiệu lực từ ngày 01/03/2021, Nghị định 14/2021/NĐ-CP ban hành ngày 01/03/2021 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về chăn nuôi.

Trong đó, Nghị định quy định mức phạt tiền đối với vi phạm quy định về xử lý chất thải chăn nuôi trang trại. Theo đó, hành vi vi phạm quy định về xử lý chất thải rắn có nguồn gốc hữu cơ không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia bị phạt tiền với các mức phạt như sau: Từ 1-3 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn.

Hành vi vi phạm quy định về xử lý nước thải chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật về nước thải chăn nuôi cho cây trồng bị phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ, từ 5-7 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trại quy mô vừa, từ 7-10 triệu đồng đối với chăn nuôi trang trạng quy mô lớn (*).

Hành vi vi phạm quy định về xử lý khí thải từ hoạt động chăn nuôi không đáp ứng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về khí thải chăn nuôi sẽ bị phạt tiền với mức phạt như (*) nêu trên.

Mức phạt tiền quy định nêu trên là mức phạt tiền được áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm, mức phạt tiền gấp 2 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.

Miễn thuế hàng hóa xuất, nhập khẩu theo điều ước quốc tế

Nghị định 18/2021/NĐ-CP ban hành ngày 11/03/2021 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu có hiệu lực từ ngày 25/04/2021.

Trong đó, bổ sung Điều 29a miễn thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế. Cụ thể, hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Cơ sở để xác định hàng hóa được miễn thuế xuất khẩu, nhập khẩu gồm: Chủng loại, định lượng hàng hóa được quy định tại điều ước quốc tế; văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế, cơ quan quản lý chuyên ngành trong trường hợp điều ước quốc tế không quy định chủng loại, định lượng miễn thuế. Trường hợp cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế không phải là cơ quan quản lý chuyên ngành thì căn cứ theo văn bản xác nhận của cơ quan đề xuất ký kết hoặc gia nhập điều ước quốc tế.

Tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao mới áp dụng từ 30/4/2021

Quyết định số 10/2021/QĐ-TTg quy định tiêu chí xác định doanh nghiệp công nghệ cao có hiệu lực từ 30/4/2021.

Theo đó, doanh nghiệp công nghệ cao phải đáp ứng các tiêu chí quy định tại điểm a và b khoản 1 Điều 18 của Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được sửa đổi, bổ sung tại Điều 75 của Luật Đầu tư số 67/2014/QH13 và khoản 3 Điều 76 của Luật Đầu tư số 61/2020/QH14, đồng thời đáp ứng 3 tiêu chí, trong đó có tiêu chí doanh thu từ sản phẩm công nghệ cao phải đạt ít nhất 70% trong tổng doanh thu thuần hằng năm của doanh nghiệp.

Quy định mới về thu phí hải quan

Có hiệu lực từ ngày 5/4/2021, Thông tư số 14/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện vận tải quá cảnh.

Theo đó, việc thu, nộp, quản lý và sử dụng phí hải quan và lệ phí hàng hóa, phương tiện quá cảnh có một số điểm mới so với quy định trước đây.

Cụ thể, Thông tư bổ sung thêm đối tượng nộp phí hải quan là: Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp sổ tạm quản (sổ ATA) đối với hàng hóa tạm xuất tái nhập theo Nghị định số 64/2020/NĐ-CP ngày 10/6/2020 của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện cơ chế tạm quản theo Công ước Istanbul.

Đồng thời Thông tư cũng bổ sung quy định mức thu phí hải quan cấp sổ ATA và phí hải quan cấp lại sổ ATA như sau: Phí hải quan cấp sổ ATA, mức thu 1.000.000đ/sổ; Phí hải quan cấp lại sổ ATA, mức thu 500.000đ/sổ.

Phí Hải quan kiểm tra giám sát, hoặc tạm dừng làm thủ tục Hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu có yêu cầu bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, mức thu 200.000 đồng/01 đơn; Lệ phí đối với phương tiện vận tải quá cảnh đường thủy (gồm: tàu, ca nô, xà lan) là 500.000 đồng/phương tiện…

Sửa đổi liên quan đến đình chỉ thi trong kỳ thi tốt nghiệp THPT

Có hiệu lực từ ngày 27/4/2021, Thông tư 05/2021/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế thi tốt nghiệp THPT ban hành kèm theo Thông tư số 15/2020/TT-BGDĐT ngày 26/5/2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Thông tư này có sửa đổi, bổ sung liên quan đến đình chỉ thi. Theo đó, đình chỉ thi đối với các thí sinh vi phạm một trong các lỗi: Đã bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo một lần nhưng trong giờ thi bài thi đó vẫn tiếp tục vi phạm quy chế thi ở mức khiển trách hoặc cảnh cáo; Mang vật dụng trái phép theo quy định vào phòng thi/phòng chờ hoặc khi di chuyển giữa phòng thi và phòng chờ; Đưa đề thi ra ngoài phòng thi hoặc nhận bài giải từ ngoài vào phòng thi; Viết, vẽ vào tờ giấy làm bài thi của mình những nội dung không liên quan đến bài thi; Có hành động gây gổ, đe dọa những người có trách nhiệm trong kỳ thi hay đe dọa thí sinh khác; Không tuân thủ hướng dẫn của cán bộ giám sát hoặc người quản lý phòng chờ khi di chuyến trong khu vực thi và trong thời gian ở phòng chờ.

Cán bộ coi thi lập biên bản, thu tang vật (nếu có) và báo cáo trưởng điểm thi quyết định hình thức đình chỉ thi. Nếu trưởng điểm thi không nhất trí thì báo cáo trưởng ban coi thi quyết định.

Thí sinh bị đình chỉ thi phải nộp bài thi, đề thi, giấy nháp cho cán bộ coi thi, phải ra khỏi phòng thi ngay sau khi có quyết định và chỉ được rời khỏi khu vực thi khi hết thời gian của buổi thi.

Thí sinh bị đình chỉ thi năm nào sẽ bị hủy kết quả toàn bộ các bài thi/môn thỉ trong kỳ thi năm đó.

PV

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất