Với hơn 630km đường biên giới, các tỉnh biên giới Tây Nam đang triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch (PCD) Covid-19, nhất là ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép (XNCTP). Với vai trò chủ trì, nòng cốt PCD ở địa bàn biên giới, LLVT các tỉnh biên giới và Quân khu 7 đã chủ động tăng cường các biện pháp, nâng cao sự phối hợp hiệp đồng, tạo nên phòng tuyến chống dịch vững chắc.
Những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5, vùng biên giới Tây Ninh nắng như đổ lửa. Đi trên đường tuần tra biên giới thuộc địa bàn huyện Trảng Bàng và Bến Cầu, chúng tôi thấy những tổ, trạm canh trực PCD Covid-19 được bố trí sát đường biên; cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng (BĐBP), dân quân, công an phối hợp bám trụ, vượt qua khó khăn của thời tiết, ngày đêm thực hiện nhiệm vụ tuần tra, canh trực. Thượng tá Nguyễn Văn Hạ, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Phước Chỉ cho biết: "Đồn quản lý gần 14km đường biên giới. Chỉ cần ít phút lơ là thì các đối tượng XNCTP sẽ nhanh chóng vượt qua đường biên, nhất là vào ban đêm. Đồn bố trí nhiều chốt trực cố định và cơ động bảo đảm khép kín biên giới. Thời gian qua, đơn vị đã phát hiện, xử lý 21 vụ gồm 45 đối tượng XNCTP".
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Mỹ Quý Tây (Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An)
triển khai kế hoạch tuần tra bảo vệ biên giới, phòng, chống dịch Covid-19
|
Hiện đang là cao điểm của hoạt động XNCTP vì dịch Covid-19 ở Campuchia bùng phát mạnh. Tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh dài 240km có địa hình khá bằng phẳng với nhiều đường mòn, lối mở. Nhiều đối tượng theo dõi hoạt động của lực lượng bảo vệ biên giới để tổ chức XNCTP. Theo Đại tá Lê Hồng Vương, Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh Tây Ninh, toàn đơn vị duy trì 129 chốt PCD Covid-19 cố định, 32 tổ tuần tra, kiểm soát lưu động; 12 trạm biên phòng, 27 điểm cảnh giới, quân số trực 24/24 giờ. Từ đầu năm 2021 đến nay, BĐBP tỉnh Tây Ninh đã bắt giữ 141 vụ/778 đối tượng XNCTP; khởi tố 7 đối tượng tổ chức XNCTP; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền hơn 800 triệu đồng; thực hiện cách ly tất cả đối tượng theo quy định...
Còn tại tỉnh Bình Phước, đường biên giới tiếp giáp với Campuchia dài hơn 260km, công tác PCD cũng được triển khai quyết liệt. Tỉnh đã triển khai 62 chốt và 11 tổ cơ động kiểm soát chặt chẽ biên giới, PCD Covid-19; thành lập 5 khu cách ly tập trung và có phương án sẵn sàng thành lập thêm 38 khu cách ly có khả năng tiếp nhận hơn 8.700 người; thành lập 1 bệnh viện dã chiến có sức chứa 150 giường, trang bị 1 máy xét nghiệm công suất gần 300 mẫu bệnh phẩm/ngày...
Nỗ lực khắc phục khó khăn
Thời tiết trên tuyến biên giới Tây Nam đang chuyển vào mùa mưa, nắng nóng gay gắt, nhiều mưa dông, sấm sét. Tuyến biên giới dài, địa hình đa dạng, phức tạp gồm tuyến đất liền, tuyến sông, tuyến qua rừng nguyên sinh, rừng phòng hộ, nhiều đường ngang, lối mở nên công tác canh trực, tuần tra bảo vệ biên giới, PCD Covid-19 gặp rất nhiều gian nan, vất vả. Nhiều chốt trạm, điểm canh trực dã chiến còn tạm bợ nằm trong rừng sâu, khu vực hẻo lánh, có nơi không có sóng điện thoại, nước sạch, điện... Ở tuyến biên giới tỉnh Bình Phước, UBND tỉnh đã huy động nhiều nguồn lực, đầu tư cho các tổ chốt. Bộ Quốc phòng và Bộ tư lệnh BĐBP cũng đã đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng chốt, trạm kiên cố để cải thiện điều kiện sinh hoạt, thực hiện nhiệm vụ cho cán bộ, chiến sĩ. Bình Phước đã đầu tư xây dựng được 62 căn nhà tiền chế vững chắc cho các tổ chốt thay cho các lán trại tạm bợ trước đây; lắp đặt hệ thống chiếu sáng bằng năng lượng mặt trời cho 55/62 tổ chốt...
|
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chàng Riệc (BĐBP tỉnh Tây Ninh)
tuần tra, ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép|
|
Còn ở Tây Ninh, đồng chí Dương Văn Thắng, Phó chủ tịch UBND tỉnh cho biết, UBND tỉnh Tây Ninh đã đầu tư thêm kinh phí mua sắm trang thiết bị y tế, các loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng trên tuyến đầu PCD. Tỉnh vừa phê duyệt đề án lắp đặt camera quan sát đường biên giới, tổng trị giá hơn 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, tuyến biên giới còn nhiều khó khăn như nơi ăn nghỉ của các tổ chốt canh trực, các loại thiết bị, công cụ hỗ trợ còn thiếu, công tác bảo đảm chính sách cho các lực lượng được điều động tăng cường chưa thống nhất, lượng vaccine ngừa Covid-19 dành cho lực lượng bảo vệ biên giới chưa đáp ứng nhu cầu, thiếu cột chống sét ở các điểm chốt...
Phát huy vai trò chủ trì, nòng cốt phòng, chống dịch
Nhằm nâng cao hiệu quả, tăng cường PCD Covid-19, ngay trước và trong dịp nghỉ lễ 30-4, 1-5 vừa qua, Bộ Quốc phòng đã tổ chức các đoàn công tác đi kiểm tra công tác SSCĐ, quản lý, bảo vệ biên giới, chống XNCTP, PCD Covid-19 ở các tỉnh tuyến biên giới Tây Nam. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác đã kiểm tra thực tế, làm việc với Ban chỉ đạo PCD Covid-19 tỉnh Bình Phước. Phó đô đốc Phạm Hoài Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tại tỉnh Tây Ninh. Thượng tướng Nguyễn Phương Nam, Phó tổng Tham mưu trưởng dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang...
Thiếu tướng Võ Văn Thi, Phó tư lệnh Quân khu 7 cho biết: "Dịch Covid-19 đang ở thời điểm nguy cơ bùng phát rất cao, đặc biệt là nguồn bệnh xâm nhập từ hướng biên giới Tây Nam vào nội địa. Ban chỉ huy lâm thời phòng thủ dân sự Quân khu 7 xác định 5 cấp độ dịch bệnh để chủ động phòng, chống; tập trung chuẩn bị toàn diện, chu đáo, triển khai tiếp nhận, cách ly nhanh gọn, hiệu quả và bảo đảm tuyệt đối an toàn, theo phương châm 4 tại chỗ. Thời gian qua, Bộ tư lệnh Quân khu 7 cùng Ban chỉ đạo PCD Covid-19 các tỉnh, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp, siết chặt quản lý biên giới, tăng cường, bổ sung lực lượng hỗ trợ cho lực lượng ở biên giới; điều phối đối tượng cách ly giữa các tỉnh, xây dựng phương án, sẵn sàng triển khai các khu cách ly, điều trị bệnh nhân Covid-19 tùy theo mức độ, tình huống dịch; rà soát những khó khăn, vướng mắc để hỗ trợ và báo cáo Bộ Quốc phòng kịp thời có cách xử lý nhanh nhất, tốt nhất".
Làm việc với lãnh đạo UBND các tỉnh biên giới, các đồng chí trưởng đoàn công tác Bộ Quốc phòng đều nhấn mạnh vai trò nòng cốt của LLVT, yêu cầu nâng cao toàn diện công tác phối hợp, hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng, chính quyền địa phương, thực hiện tốt nhiệm vụ kép, vừa SSCĐ, quản lý, bảo vệ biên giới, vừa PCD hiệu quả. Dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, chưa xác định được thời điểm chấm dứt, nguy cơ dịch xâm nhập qua biên giới rất cao, do đó, công tác PCD Covid-19 phải luôn nêu cao sự chủ động, có phương án xử lý hiệu quả các tình huống, đặc biệt là phải kiểm soát chặt chẽ biên giới, đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao ý thức PCD cho người dân.../.
(qdnd.vn)