Thứ Năm, 19/9/2024
TP. Đà Nẵng: Xây dựng chính quyền đô thị để phục vụ người dân tốt hơn
Ðô thị Ðà Nẵng phát triển nhanh, đòi hỏi chính quyền nâng cao hiệu quả phục vụ người dân.

Phù hợp với phân cấp quản lý đô thị

Sau 18 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX về xây dựng và phát triển TP Ðà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, Ðà Nẵng đã có bước phát triển mạnh mẽ, trở thành một thành phố năng động, sáng tạo, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh, có sức lan tỏa đối với các địa phương miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Tuy nhiên, sau quá trình xây dựng và phát triển nhanh chóng, Ðà Nẵng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi sự thay đổi về chiến lược phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút đầu tư, tăng khả năng quản lý hệ thống hạ tầng và cải thiện môi trường đô thị… Mô hình tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương tại Ðà Nẵng gần đây bộc lộ nhiều hạn chế, khó đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước tại đô thị trong thời kỳ hội nhập, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức bộ máy.

Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP Ðà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, đồng ý chủ trương cần có cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng và phát triển thành phố, tạo động lực phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước; thực hiện phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm địa phương, người đứng đầu trên một số lĩnh vực quản lý về quy hoạch, đất đai, đô thị, đầu tư, tài chính - ngân sách, tổ chức, nhân sự và tiền lương...; đồng thời cho phép Ðà Nẵng thực hiện Ðề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị phù hợp yêu cầu phát triển của thành phố và quy định của pháp luật.

Ông Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Ðà Nẵng, nguyên Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy Ðà Nẵng cho rằng, từ năm 2009 đến 2016, Ðà Nẵng cùng một số địa phương được Quốc hội đồng ý cho phép thí điểm không tổ chức HÐND cấp quận huyện, phường. Ðây chính là một mô hình phù hợp tính chất quy mô của Ðà Nẵng, phù hợp việc phân cấp trong quản lý đô thị. Trên cơ sở đó, thành phố chủ động sắp xếp bộ máy quản lý nhà nước theo hướng tinh gọn, phù hợp từng vị trí việc làm, năng lực, trình độ, phẩm chất của mỗi cán bộ, công chức, viên chức. Nhờ đó, Ðà Nẵng phát triển nhanh hơn, xây dựng được mô hình chính quyền hiện đại, chuyên nghiệp; dần trở thành điểm sáng về quản lý đô thị, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, trở thành thành phố đáng sống. Tuy nhiên, đã đến lúc cần một cơ chế mới, tầm nhìn mới phù hợp với những đòi hỏi cấp thiết của thực tế.

Cải cách hành chính là nền tảng

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ðà Nẵng Lê Phú Nguyện, hơn 10 năm qua, cùng với thí điểm không tổ chức HÐND cấp quận huyện, phường (chỉ còn HÐND cấp xã), Ðà Nẵng luôn chú trọng cải cách hành chính, với nhiều cách làm năng động, sáng tạo, thể hiện rõ ở tinh thần làm việc của cán bộ công chức, viên chức cũng như tính hiệu quả trong toàn bộ hoạt động của nền hành chính. Ðà Nẵng từng bước hoàn thiện hệ thống quản lý công vụ khoa học, tuyển chọn, đào tạo công chức có thực tài. Cải thiện chính sách tiền lương nhằm tạo động lực thực thi công vụ có chất lượng và hiệu quả, đồng thời hình thành chính quyền điện tử, chính quyền số bảo đảm cung ứng ngày càng tốt hơn các dịch vụ công phục vụ nhân dân. Các chủ trương lớn, chính sách vượt trội, các nhiệm vụ do Trung ương phân cấp đều lấy ý kiến nhân dân. Từ đó tác động thúc đẩy kinh tế, xã hội của thành phố trên tất cả lĩnh vực, góp phần đưa Ðà Nẵng trở thành một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế, xã hội nhanh so với cả nước, đạt thứ hạng cao trong các bảng xếp hạng tỉnh, thành phố theo nhiều chỉ số.

Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch HÐND phường Bình Hiên (quận Hải Châu) Lê Thị Bích Loan cho biết, mỗi năm, HÐND phường tổ chức ít nhất hai kỳ họp; chuẩn bị, thông qua, ban hành 26 văn bản, báo cáo, tờ trình và nghị quyết; tiếp xúc cử tri và tổ chức các kỳ họp trong khoảng 15 ngày. Tất cả trình tự này sẽ được cắt giảm khi thực thi mô hình chính quyền đô thị, tập trung cho công tác điều hành, giải quyết công việc của chính quyền. Vai trò của chính quyền tăng lên, cán bộ công chức phải chủ động hơn trong công việc. Sự chỉ đạo của cấp thành phố đến quận huyện, xã phường sẽ trực tiếp, không cần thời gian thông qua các kỳ họp HÐND rồi mới triển khai.

Chủ tịch UBND quận Sơn Trà Hoàng Sơn Trà cho rằng: “Khi không còn HÐND quận, phường theo mô hình chính quyền đô thị, chúng tôi phải xây dựng lại bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và hoạt động của UBND quận theo hướng tinh gọn, thống nhất, thông suốt. Trách nhiệm của người đứng đầu sẽ rất nặng nề, nhưng cũng thuận lợi trong việc sớm đưa ra những quyết định cần thiết để kịp thời giải quyết các vấn đề bức xúc phát sinh. Người dân cũng dễ dàng tương tác, phản ánh trực tiếp đến người đứng đầu tất cả vấn đề liên quan đời sống đô thị. Bản thân người đứng đầu chính quyền đô thị cũng phải nỗ lực nhiều hơn, sát hơn, lắng nghe và giải quyết một cách nhanh nhất các ý kiến của nhân dân”.

Nhiều năm nghiên cứu về mô hình chính quyền đô thị, Tiến sĩ Phạm Ði, giảng viên Học viện Chính trị khu vực III cho rằng: Mô hình chính quyền đô thị mà Ðà Nẵng đang hướng tới chính là cách để mỗi người dân bày tỏ quan điểm, chính kiến đối với kế hoạch, chủ trương, quyết sách của chính quyền địa phương nơi mình sinh sống, đề cao tính tương tác giữa người dân và chính quyền. Bởi vậy việc lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng và bổ nhiệm cán bộ vẫn là nhân tố quyết định cho một chính quyền tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; hướng đến người dân, lắng nghe, giải quyết ngay những quyền lợi thiết thân của người dân.

(nhandan.com.vn)


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất