Chủ Nhật, 24/11/2024
Thông cáo báo chí số 07 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá XV
Kỳ họp thứ Nhất, Quốc hội khoá XV, ngày 26/7/2021

Buổi sáng:

Nội dung 1

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng, nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn và giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Chủ tịch nước. Sau đó, Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả có 484 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 484 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 96.99% tổng số ĐBQH).

Quốc hội bầu Chủ tịch nước bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Chủ tịch nước và biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả: có 483 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 483 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 96.79% tổng số ĐBQH).

Vào 8 giờ 40, dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiến hành thủ tục tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Lễ tuyên thệ được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Nội dung 2

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019 và công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Tại phiên thảo luận đã có 14 đại biểu phát biểu, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đều thống nhất với nhiều nội dung trong Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Báo cáo kiểm toán quyết toán của Kiểm toán Nhà nước. Cụ thể:

- Về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2019: đa số các ý kiến đại biểu đánh giá cao việc thực hiện chính sách tài khóa năm 2019 dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự giám sát, quyết định của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ cùng nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, nhiệm vụ phát triển KT-XH năm 2019 đã hoàn thành toàn diện với 12/12 chỉ tiêu kế hoạch đạt và vượt mục tiêu đề ra. Chính phủ đã có nhiều giải pháp điều hành thu chi ngân sách để phục vụ phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng, an ninh, thu ngân sách nhà nước vượt dự toán, giảm nợ công trong giới hạn cho phép... Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng, kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách có tiến bộ nhưng nhìn chung còn chưa nghiêm như giao dự toán, thu chi không sát, phân bổ giải ngân vốn đầu tư công chậm, thu từ sản xuất kinh doanh không đạt dự toán, kê khai thiếu thuế vẫn diễn ra, vẫn còn tình trạng chi sai chế độ, định mức, khả năng trả nợ chưa được cải thiện… Các ý kiến đại biểu đề nghị Chính phủ cần có giải pháp để nâng cao chất lượng quản lý, điều hành ngân sách, thực thi chính sách tài khóa, tiết kiệm chi thường xuyên, sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, cơ cấu lại ngân sách, nợ công theo hướng bền vững; chỉ đạo nghiên cứu rút ngắn quy trình quyết toán ngân sách nhà nước so với hiện nay để trình Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước vào kỳ họp cuối năm, làm cơ sở cho việc lập và phân bổ dự toán ngân sách năm sau, góp phần quản lý, sử dụng tiết kiệm hiệu quả nguồn lực tài chính, ngân sách của nhà nước.

- Về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020: các ý kiến đại biểu cơ bản thống nhất cho rằng mặc dù gặp nhiều khó khăn do thiên tai, dịch bệnh nhưng với quyết tâm cao và sự sát sao trong chỉ đạo, điều hành, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí  năm 2020 đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần huy động thêm nhiều nguồn lực từ ngân sách Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách, hệ thống pháp luật và các quy định chưa phù hợp với thực tiễn; khắc phục tình trạng lãng phí, bất cập trong quản lý, khai thác, sử dụng đất, tài nguyên; rà soát, thống kê lại diện tích đất nông nghiệp để hoang hóa, nhà ở, đất đô thị chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích, đất, nhà công sản, các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài bị đội vốn, các dự án treo kéo dài nhiều năm, không có hiệu quả hoặc hiệu quả thấp để có giải pháp quản lý, sử dụng hợp lý tránh lãng phí, nâng cao hiệu quả quản lý ngân sách nhà nước. Nhiều ý kiến đại biểu nhấn mạnh, vấn đề tiết kiệm, chống lãng phí đã được thể hiện trong các văn kiện Đại hội lần thứ XIII và các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội và Chính phủ, do đó, việc thể chế hóa và tổ chức thực hiện phải quyết liệt hơn nữa, phải coi đây là quốc sách, trở thành ý thức, lối sống văn hóa, đạo đức của mỗi con người và toàn xã hội.

Kết thúc nội dung thảo luận, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc thay mặt Chính phủ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Nội dung 3

Từ 11 giờ 00, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nghe Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trình bày các Tờ trình về dự kiến nhân sự để Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Sau đó Quốc hội thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân tối cao.

Buổi chiều

Dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội họp riêng nghe Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Thủ tướng Chính phủ.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả: có 484 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 484 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 96.99% tổng số ĐBQH).

Quốc hội bầu Thủ tướng Chính phủ bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày dự thảo Nghị quyết bầu Thủ tướng Chính phủ và biểu quyết thông qua Nghị quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả: có 479 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 479 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 95.99% tổng số ĐBQH).

Vào 14 giờ 40, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tiến hành thủ tục tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Lễ tuyên thệ được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Tiếp đó, Quốc hội họp riêng, nghe: Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày Báo cáo kết quả thảo luận tại Đoàn về dự kiến nhân sự để bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội về dự kiến nhân sự để bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Quốc hội thảo luận, biểu quyết thông qua danh sách để bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả như sau:

+ Đối với danh sách bầu Phó Chủ tịch nước: có 484 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 484 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 96.99% tổng số ĐBQH).

+ Đối với danh sách bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: có 478 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 478 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 95.79% tổng số ĐBQH).

+ Đối với danh sách bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: có 472 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 472 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 94.59% tổng số ĐBQH).

Quốc hội bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bằng hình thức bỏ phiếu kín. Sau khi Ban kiểm phiếu công bố kết quả kiểm phiếu, Quốc hội nghe Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường trình bày các dự thảo Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và biểu quyết thông qua các Nghị quyết bằng hệ thống biểu quyết điện tử, kết quả như sau:

+ Nghị quyết bầu Phó Chủ tịch nước: có 483 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 483 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 96.79%   tổng số ĐBQH).

+ Nghị quyết bầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao: có 480 đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 480 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng 96.19% tổng số ĐBQH).

+ Nghị quyết bầu Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao: có 480    đại biểu tham gia biểu quyết, trong đó có 480 đại biểu tán thành (bằng 100% đại biểu có mặt và bằng  96.19% tổng số ĐBQH).

Vào 16 giờ 10, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình tiến hành thủ tục tuyên thệ và phát biểu nhậm chức. Lễ tuyên thệ được Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam phát thanh, truyền hình trực tiếp.

Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, nghe: Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính trình bày Tờ trình về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ.

Sau đó, Quốc hội họp riêng, nghe: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra về đề nghị Quốc hội phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Từ 16 giờ 55, Quốc hội thảo luận ở Đoàn về: cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ; đề nghị phê chuẩn việc bổ nhiệm nhân sự Tòa án nhân dân tối cao.

Thứ Ba, ngày 27/7/2021: Buổi sáng, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường nghe Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu nhân Ngày Thương binh - Liệt sỹ (27/7). Sau đó, Quốc hội thảo luận về: chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025; chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Buổi chiều, Quốc hội thảo luận tại hội trường về: kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2021-2025; kế hoạch vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025; kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025. Từ 17 giờ 00, Quốc hội biểu quyết thông qua: Nghị quyết về Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021; các Nghị quyết về việc thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2022./.  

(quochoi.vn)

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất