Chủ Nhật, 24/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chính phủ luôn quan tâm, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp
 
Quang cảnh Hội nghị 


Cùng dự Hội nghị tại điểm cầu Trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; lãnh đạo các cơ quan: Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam; 36 đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. 

Dự Hội nghị tại các điểm cầu địa phương có Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên, các đồng chí Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch và Phó Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố; lãnh đạo các các sở, ban, ngành cùng khoảng 1.200 đại biểu đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn.

Phát biểu mở đầu Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính chân thành cảm ơn và chào mừng các đại biểu tham dự Hội nghị để cùng nhau chia sẻ và tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng bày tỏ đánh giá rất cao và cảm ơn các doanh nghiệp có mặt trong Hội nghị ngày hôm nay và các doanh nghiệp trên toàn quốc mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng đã cố gắng "chung tay, góp sức" hỗ trợ đồng bào gặp khó khăn, hỗ trợ cho cuộc chiến chống dịch COVID-19. Các doanh nhân đã thể hiện nét đẹp truyền thống của người Việt Nam "thương người như thể thương thân", tinh thần "tương thân tương ái", "một miếng khi đói bằng một gói khi no". Ngay sau khi Quỹ Vaccine được thành lập đến nay, số tiền các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đóng góp đã lên tới hơn 8.000 tỷ đồng. Chính phủ đã sử dụng hơn 2.000 tỷ đồng của Quỹ để mua vaccine và sẽ công khai, minh bạch việc sử dụng quỹ vaccine trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đóng góp để hỗ trợ mua vaccine, thuốc, cơ sở khám chữa bệnh, vật tư, trang thiết bị y tế, hỗ trợ lực lượng tuyến đầu chống dịch... Thậm chí có những doanh nhân còn sáng tạo cây ATM gạo, ATM oxy và bằng nhiều hình thức khác nhau để hỗ trợ Chính phủ và nhân dân.

Thủ tướng nêu rõ Hội nghị tập trung vào 8 từ "Đánh giá - Giải pháp - Thiết thực - Hiệu quả". Do thực hiện việc giãn cách cho nên Hội nghị có thành phần đến dự hạn chế, Chính phủ sẽ tiếp nhận toàn bộ ý kiến qua Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các Hiệp hội để có giải pháp chính sách phù hợp. “Thời gian tới, Chính phủ sẽ có phương án gặp doanh nghiệp theo từng lĩnh vực, từng nhóm ngành nghề để bàn sâu hơn, có giải pháp phù hợp hơn. Chính phủ luôn đồng hành, quan tâm, hỗ trợ và giúp đỡ doanh nghiệp lúc khó khăn, trên tinh thần lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tại Hội nghị, đại diện các Hiệp hội, các doanh nghiệp đã phát biểu, phản ánh những khó khăn, thách thức hiện nay và trân trọng, đánh giá cao về sự quan tâm, đồng hành và những chỉ đạo, giải pháp, chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã triển khai nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh. Đồng thời đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương những vấn đề cụ thể cần giải quyết liên quan đến các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 như kiểm soát giao thông, lưu thông hàng hóa, tiêm vaccine, nhập cảnh của chuyên gia; về các chính sách, nhất là về vốn hỗ trợ doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; về cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, chi phí tiền điện, thuế, phí, tiếp cận nguồn lực; về cải cách hành chính; sửa đổi, hoàn thiện các quy định pháp lý còn chồng chéo, gây khó khăn cho cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; về hỗ trợ thúc đẩy chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo cho doanh nghiệp...

Tại hội nghị, các Phó thủ tướng, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã báo cáo về những giải pháp đã triển khai theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp; giải đáp những đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội; đồng thời đưa ra các giải pháp tiếp theo để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian tới nhằm vừa phòng, chống dịch hiệu quả vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

Phát biểu ý kiến kết luận Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh mục tiêu cao nhất là không để xảy ra khủng hoảng y tế, bảo đảm sức khoẻ, tính mạng của người dân; không để xảy ra khủng hoảng kinh tế - xã hội; phấn đấu để đất nước ta trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất, chậm nhất là quý IV/2021 hoặc đầu năm 2022. Trong đó, cần coi trọng biện pháp chống lây nhiễm. Do đó, phải thống nhất chặt chẽ, giám sát thực hiện nghiêm túc; ý thức của người dân phải được nâng cao.

 
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận Hội nghị 


Đây là thời điểm khó khăn tác động mọi mặt đối với doanh nghiệp, nhưng không vì thế đánh mất lạc quan, bản lĩnh, niềm tin chiến thắng. Đảng, Nhà nước rất quan tâm, Quốc hội ủng hộ Chính phủ; Chính phủ cũng chủ động ban hành các Nghị định, Nghị quyết, các chính sách và cắt giảm nhiều thủ tục hành chính và hỗ trợ cho doanh nghiệp... 

Thủ tướng khẳng định, mỗi người dân khỏe mạnh, doanh nghiệp khỏe mạnh thì đất nước khỏe mạnh. Tiếp tục kiên trì thực hiện các biện pháp, mục tiêu đã đề ra. Ưu tiên ngăn chặn dịch bệnh trên phạm vi cả nước. Chỗ nào an toàn mới sản xuất. 

Về chiến lược vaccine, chúng ta phải nhập khẩu nhiều vaccine nhiều nhất, sớm nhất có thể.  Dù hiện nay vaccine đang khan hiếm trên toàn cầu, nhưng không vì khó khăn đó mà ngồi yên, phải tiếp cận bằng mọi kênh.

Về việc chuyển giao công nghệ, nghiên cứu, sản xuất vaccine trong nước, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, đơn vị liên quan “xắn tay” vào việc. Chúng ta đã xác định phải có vaccine để chống dịch. Tuy nhiên việc sản xuất phải thận trọng và bảo đảm đúng quy trình khoa học và chuyên môn.

Thủ tướng nhấn mạnh chiến dịch tiêm vaccine đã giao Bộ Y tế, khẳng định là tiêm miễn phí, khuyến khích và hoan nghênh các doanh nghiệp tiếp cận nguồn cung. Cách tiêm vaccine cũng phải thay đổi, nhất là đối tượng tiêm và địa bàn tiêm, điều chỉnh phù hợp.

Về biện pháp tài khóa, tiền tệ, Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ đang nỗ lực, làm hết sức có thể, hài hòa cân đối vĩ mô, hợp lý, phù hợp điều kiện hoàn cảnh . Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn nhất quán tinh thần "lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ".

Thủ tướng Chính phủ sẽ thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tăng cường phân cấp, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; đồng thời giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục nắm tình hình, phản ánh khó khăn, tham mưu Chính phủ, Thủ tướng đưa ra giải pháp kịp thời.

Bộ Y tế khẩn trương tiêm vaccine kịp thời; điều chỉnh quy trình phòng, chống dịch, để các doanh nghiệp tùy điều kiện thực tế áp dụng để sản xuất, kinh doanh.

Bộ Tài chính khẩn trương triển khai giải pháp miễn giảm thuế, nhanh chóng hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; bảo đảm cân đối lớn; dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực ngoài nhà nước.

Bộ Giao thông vận tải xây dựng các giải pháp bảo đảm lưu thông hàng hoá trong nước và quốc tế; mọi chính sách đưa ra phải thực hiện nhất quán; không được đẻ ra các “giấy phép con”.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đôn đốc giải pháp hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp.

Bộ Công thương làm tốt công tác kết nối tiêu thụ hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn bảo đảm sản xuất, nguyên liệu, tiêu thụ. 

Ngân hàng Nhà nước bảo đảm chính sách tiền tệ. Các địa phương đẩy nhanh thực hiện chính sách hỗ trợ, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt. Các hiệp hội doanh nghiệp phát huy, chia sẻ với doanh nghiệp cùng nhau vượt qua khó khăn. Các doanh nghiệp nâng cao chiến lược doanh nghiệp, quản trị nâng cao sức chống chịu với các cú sốc bên trong và bên ngoài...

Chính phủ và chính quyền địa phương luôn đồng hành, sát cánh, tri ân mọi nghĩa cử, hành động đẹp chung tay của cộng đồng doanh nghiệp, kể cả doanh nghiệp FDI cùng đất nước vượt qua khó khăn. Chính phủ luôn thể hiện tinh thần đổi mới, liêm chính, hành động, phục vụ người dân và doanh nghiệp; vì sự ấm no, hạnh phúc của nhân dân, nói đi đôi với làm, chú trọng hiệu quả, không phô trương hình thức; coi doanh nghiệp và người dân là chủ thể, trung tâm để phục vụ.

PV

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất