Thứ Năm, 26/12/2024
Vĩnh Long: Dân vận gắn với tuyên truyền, giáo dục pháp luật
 
 Tuyên truyền pháp luật trong công nhân.


Học Bác về công tác dân vận

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”. Thấm nhuần lời dạy của Người, trong những năm qua, lực lượng Công an tỉnh Vĩnh Long luôn chú trọng đến việc đẩy mạnh công tác dân vận và triển khai nhiều mô hình dân vận điển hình trong phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc để đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Trong đó, nổi bật là mô hình thực hiện công tác dân vận thông qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, nhằm từng bước đưa pháp luật vào cuộc sống; kiến thức và hiểu biết pháp luật của cán bộ, nhân dân được nâng cao, góp phần ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật do thiếu kiến thức về pháp luật.

Trong những năm qua, Công an  tỉnh đã triển khai mô hình dân vận gắn với công tác phổ biến giáo dục pháp luật đạt được một số kết quả nổi bật như: tổ chức tập huấn bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh cho đối tượng 3, với chuyên đề “Phương pháp giải quyết các vi phạm pháp luật và tranh chấp, khiếu kiện ở địa phương. Giảng dạy kiến thức quốc phòng- an ninh cho sinh viên trường đại học trên địa bàn tỉnh với chuyên đề “Những vấn đề cơ bản trong công tác bảo vệ an ninh quốc gia giữ gìn trật tự an toàn xã hội và chuyên đề những vấn đề cơ bản về đấu tranh phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội”.

Đồng thời, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và Ban Dân tộc tỉnh bồi dưỡng kiến thức quốc phòng- an ninh cho sư sãi và người dân tộc Khmer được 11 lớp với hơn 1.800 lượt người tham dự. Tham gia báo cáo chuyên đề “Những vấn đề cơ bản trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm hiện nay” cho chỉ huy trưởng quân sự cấp xã và sĩ quan dự bị.

Phối hợp với UBMTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền cho lãnh đạo UBMTTQ các xã- phường- thị trấn trên địa bàn tỉnh, về thực tế tình hình an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, công tác phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Ngoài ra, phối hợp với Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh giảng dạy kiến thức quốc phòng- an ninh cho đối tượng 3, đối tượng 4 trong lực lượng quân sự, công an, Đảng bộ Khối Cơ quan và Doanh nghiệp tỉnh, Hội Cựu chiến binh tỉnh và tham gia giảng dạy các chuyên đề cho các lớp cao cấp, trung cấp lý luận chính trị tại Trường Chính trị Phạm Hùng. Tham gia báo cáo chuyên đề công tác xử lý vi phạm hành cho trưởng, phó Công an xã.

Qua thực hiện mô hình đã giúp cán bộ, công nhân viên các ngành, đoàn thể, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân hiểu rõ các quy định về công tác bảo vệ an ninh, trật tự; phương thức, thủ đoạn hoạt động của các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, góp phần làm giảm hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông, vi phạm pháp luật trong lứa tuổi thanh thiếu niên, tạo được sự gắn bó mật thiết giữa lực lượng Công an với nhân dân, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Đưa pháp luật đi vào cuộc sống

Có thể thấy, với mô hình dân vận thông qua công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật có vai trò rất quan trọng, là cầu nối để đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến với mọi tầng lớp người dân. Do đó, cấp ủy, lãnh đạo công an các cấp phải coi dân vận là công tác thường xuyên trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương mình. Thực tiễn đã chứng minh, ở đơn vị, địa phương nào cấp ủy, thủ trưởng đơn vị quan tâm công tác dân vận nói chung và mô hình dân vận gắn với công tác tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, thì ở đó, trình độ nhận thức và ý thức pháp luật của người dân được nâng cao, từ đó phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc có hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng vào việc thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị, địa phương đó.

Song song đó, công tác quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác dân vận, tuyên truyền vận động phải được triển khai thường xuyên, liên tục và sâu rộng đến từng cơ sở Đảng, từng đơn vị nghiệp vụ, địa phương, cán bộ chiến sĩ Công an nhân dân, mọi hoạt động dân vận đều hướng đến quần chúng nhân dân, phải biết dựa vào dân, coi nhân dân là chỗ dựa vững chắc để triến khai các mặt công tác công an. Đồng thời, quá trình thực hiện mô hình cần phải cải tiến hình thức và nội dung tuyên truyền cho phù hợp với từng đối tượng để mang lại hiệu quả cao trong thực hiện công tác dân vận. Bên cạnh đó, bản thân mỗi cán bộ làm công tác dân vận phải thường xuyên trau dồi kỹ năng nghiệp vụ và kiến thức pháp luật để công tác tuyên truyền mang lại hiệu quả.

Hơn hết, quá trình thực hiện phải biết tranh thủ người có uy tín trong tôn giáo, dân tộc để làm hạt nhân nòng cốt trong quá trình tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật. Qua đó, kịp thời cung cấp thông tin cần thiết về chính sách pháp luật nhất là các quy định của pháp luật về an ninh trật tự, tình hình chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội ở địa phương, trong nước và trên thế giới, bồi dưỡng kiến thức quốc phòng, an ninh để người có uy tín nhận thức đầy đủ hơn về âm mưu, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động, các loại tội phạm và tệ nạn xã hội, trên cơ sở đó tạo điều kiện phát huy khả năng của họ trong vận động, tổ chức quần chúng nhân dân chấp hành nghiêm quy định của pháp luật và tham gia đảm bảo tốt an ninh, trật tự ở đơn vị, địa phương.

Cấp ủy, lãnh đạo công an các đơn vị, địa phương cần nhận thức rõ vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác phổ biến giáo dục pháp luật, từ đó xây dựng mô hình dân vận gắn với công tác này để triển khai thực hiện tại đơn vị, địa phương mình. Luôn đổi mới cả về nội dung và hình thức tuyên truyền, thường xuyên cập nhật thông tin, bổ sung những kiến thức thực tế để người nghe dễ hiểu, dễ tiếp thu. Bên cạnh đó quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận trong lực lượng công an đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Bố trí đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có đủ phẩm chất, trình độ, khả năng tuyên truyền pháp luật và năng lực vận động quần chúng.

Quá trình thực hiện cần chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phương thức, thủ đoạn hoạt động của các thế lực thù địch, phản động và tội phạm, cùng như tham gia thực hiện các Chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy, phòng chống tệ nạn mua, bán người; phát hiện, tố giác tội phạm, đảm bảo trật tự, an toàn giao thông; cảm hóa, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tái hòa nhập cộng đồng, sớm ổn định cuộc sống.

(baovinhlong.com.vn)

Gửi cho bạn bè