Thứ Hai, 29/4/2024
Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La: Đến từng nhà nói để dân nghe

Khéo vận động để dân theo

Từ ngày anh Vì Văn Vương, ở xã Lóng Sập (Mộc Châu) vướng vào ma túy, của cải trong nhà dần đội nón ra đi. Sau những cơn nghiện, anh Vương thường suy nghĩ tiêu cực “không thể vượt qua nổi cơn thèm thuốc”. Nhưng rồi một lần được cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập về bản Bó Sập tuyên truyền phổ biến cách phòng, chống tác hại ma túy, anh Vương quyết tâm làm theo, đi cai nghiện rồi thoát được “nàng tiên nâu”.

 

Tuyên truyền giáo dục pháp luật lồng ghép vào các lớp học xóa mù chữ


Sau đó một thời gian, anh Vương không những trở thành công dân tốt, mà còn trở thành “tình nguyện viên” tích cực đồng hành với cán bộ, chiến sĩ BĐBP trong tuyên truyền, vận động người dân bản Bó Sập về tác hại ma túy. Anh Vương tâm sự: “Bản mình trước đây nhiều người nghiện lắm. Từ ngày được cán bộ biên phòng về bản phát tờ rơi, tuyên truyền về tác hại ma túy, vận động mọi người bỏ ma túy, bà con ai cũng biết sợ. Tôi muốn đi cùng bộ đội để nhắc nhở người thân, dân bản biết mà tránh xa loại thuốc độc giết người này”.

Xã Lóng Sập từng là điểm nóng về tệ nạn ma túy và các loại tội phạm. Những năm qua, cùng với công tác nghiệp vụ đấu tranh trên biên giới, cán bộ Đồn Biên phòng cửa khẩu Lóng Sập thường xuyên xuống địa bàn, gần dân, nắm bắt tâm tư nguyện vọng, cùng với cấp ủy, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền PBGDPL cho dân bản, nhờ đó tình trạng vi phạm pháp luật ngày càng giảm. Cũng nhờ biết dựa vào dân nên BĐBP đã phát hiện, ngăn chặn kịp thời các loại tội phạm trên biên giới.   

Theo Đại tá Vũ Đức Tú, Phó chính ủy BĐBP tỉnh Sơn La, đơn vị quản lý đoạn biên giới dài hơn 270km, trong đó có 17 xã biên giới thuộc 6 huyện của tỉnh Sơn La. Địa bàn quản lý rộng, trình độ nhận thức của bà con còn nhiều hạn chế. Những năm qua, tại một số điểm khu vực biên giới vẫn xảy ra các vụ việc phức tạp, như: Vượt biên trái phép, truyền đạo trái pháp luật, đặc biệt là tội phạm ma túy. Thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh đã xây dựng kế hoạch, chỉ đạo các đồn biên phòng tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL cho nhân dân bằng nhiều cách làm sáng tạo.

Giỏi tuyên truyền để dân tin

Thời gian gần đây, người dân bản Huổi Luông, xã Mường Lèo (Sốp Cộp) đã quen thuộc với hình ảnh cán bộ Đội Vận động quần chúng (VĐQC) Đồn Biên phòng Mường Lèo khoác chiếc loa lưu động đi xe máy đến khắp các tuyến đường nội bản để tuyên truyền công tác phòng, chống dịch (PCD) Covid-19 và xuất, nhập cảnh trái phép. Nói về ý tưởng “tiếng loa biên phòng”, Thiếu tá Mai Thế Cảnh, Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Mường Lèo chia sẻ: "Bản Huổi Luông có 70 hộ dân, 100% đồng bào dân tộc Mông, chưa có điện lưới, chưa có sóng điện thoại, bà con ít có điều kiện tiếp cận với thông tin, nhận thức về pháp luật còn hạn chế. Tranh thủ thời gian bà con chuẩn bị lên nương và lúc trở về nhà, chúng tôi sử dụng xe máy, mang theo loa tuyên truyền lưu động bằng tiếng Mông”. Với phương châm “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà” tiếng loa biên phòng đã phát huy hiệu quả PCD và giữ vững an ninh trật tự trên địa bàn.

Cùng với đó, các đồn biên phòng trên tuyến biên giới Sơn La đã phối hợp với bộ phận tư pháp các huyện, xã biên giới tham mưu cho cấp ủy, chính quyền thành lập các câu lạc bộ (CLB) tư vấn pháp luật, tổ hòa giải, tổ tư vấn tại chỗ. Thành viên CLB bao gồm cán bộ đồn biên phòng, cán bộ tư pháp, văn hóa các xã biên giới. Hiện nay, 6 huyện, 17 xã biên giới có hơn 300 tổ hòa giải; 17 CLB, qua đó đã tư vấn, giải đáp nhiều vấn đề pháp luật cho đồng bào các dân tộc khu vực biên giới. Tại nhiều đồn biên phòng ở Sơn La đều có ngăn sách pháp luật, tủ sách pháp luật ở đơn vị. Tiêu biểu như ở Đồn Biên phòng Chiềng Tương đã đưa nội dung học tập các điều luật, chế tài xử lý an ninh trật tự khu vực biên giới vào chương trình giáo dục chính trị, nhờ đó, cán bộ, chiến sĩ nắm vững, thực thi đúng quy định.

Theo Thượng tá Đào Mạnh Tưởng, Phó chủ nhiệm Chính trị BĐBP tỉnh Sơn La, thực hiện Đề án “Tăng cường PBGDPL cho cán bộ, nhân dân vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2017-2021”, BĐBP tỉnh đã xây dựng nhiều mô hình hiệu quả như: “Tiếng loa biên phòng”, “Buổi tuyên truyền bên bếp lửa”, "Lớp học xóa mù chữ"... Hình thức tuyên truyền linh hoạt, sáng tạo như: Phát thanh loa lưu động, phát tờ rơi, lồng ghép vào các lớp học xóa mù chữ, các buổi họp bản; tuyên truyền bằng tiếng dân tộc đến từng bản, từng nhà, từng lán nương và từng người dân. Qua 4 năm thực hiện đề án đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức và chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân khu vực biên giới, thế trận biên phòng toàn dân ngày càng vững chắc.

(qdnd.vn) 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất