Kết quả và hạn chế
Xác định làm tốt công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) có ý nghĩa quan trọng trong việc đẩy mạnh thu hút đầu tư, tạo môi trường thông thoáng, góp phần bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và ổn định cuộc sống cho người dân trong vùng DA, giảm thiểu tình trạng tranh chấp, khiếu nại trong nhân dân, Ủy ban MTTQ Việt Nam (MTTQ) và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh đã phát huy vai trò, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách liên quan đến công tác GPMB.
Thực tế cho thấy, ở một số CT tại các huyện, Ban Dân vận Huyện ủy, Thành ủy đã chủ động tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ với UBND cùng cấp và chủ trì, phối hợp với MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, vận động, thuyết phục phù hợp từng nhóm đối tượng. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đề xuất của các hộ dân; đối thoại trực tiếp, giải đáp những thắc mắc để đoàn viên, hội viên vận động gia đình, người thân bị ảnh hưởng bởi GPMB ủng hộ chủ trương của địa phương, bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công các CT, DA triển khai trên địa bàn. Có thể khẳng định, thời gian qua, công tác GPMB ở tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng, trong đó công tác dân vận góp phần không nhỏ vào nhiệm vụ quan trọng này.
Tuy nhiên, công tác GPMB ở một số CT, DA vẫn còn khó khăn, hạn chế. Còn một số hộ dân trong diện GPMB không đồng tình với các phương án đền bù do nhiều nguyên nhân khác nhau. Có trường hợp chưa chấp hành chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bồi thường, GPMB; thực hiện việc tách, nhập hộ khẩu, lấn chiếm, mua bán đất đai trong vùng DA, xây dựng thêm CT, trồng thêm cây cối… nhằm trục lợi; thậm chí có trường hợp cố tình cản trở quá trình thu hồi đất, không chịu bàn giao mặt bằng khi đã có quyết định thu hồi đất. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, quản lý, điều hành của chính quyền ở cơ sở chưa thực sự tích cực, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ngay từ cấp cơ sở đạt hiệu quả chưa cao…
Nguyên nhân chủ yếu của những hạn chế trên là do chưa làm tốt và phát huy hết vai trò công tác dân vận trong GPMB; nhận thức của một số cấp ủy, chính quyền, sự tham gia của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội trong tuyên truyền, vận động nhân dân về quy trình GPMB chưa được chú trọng. Ở nhiều DA, hệ thống dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội còn đứng ngoài cuộc. Cách giải quyết của một số địa phương chưa linh hoạt, thiếu quan tâm đến quyền và lợi ích thiết thực của người dân. Bên cạnh đó, nhận thức của một bộ phận người dân về chủ trương, chính sách còn hạn chế, ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt…
Bài học kinh nghiệm
Từ thực tế những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân về GPMB các CT, DA trên địa bàn tỉnh thời gian qua, có thể rút ra một số kinh nghiệm sau:
Một là, cần xác định công tác GPMB là việc làm khó, phức tạp ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của người dân và tiềm ẩn nguy cơ gây mất an ninh, trật tự tại cơ sở. Do đó cần có sự tập trung vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó, công tác dân vận phải đi trước và xuyên suốt quá trình triển khai DA, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai một cách đồng bộ, nhất quán, kịp thời, nhất là trong công tác tuyên truyền, vận động nhân dân.
Hai là, tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước với phương châm “Kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, liên tục và xuyên suốt”; tăng cường đoàn kết, phát huy dân chủ, quan tâm đảm bảo lợi ích chính đáng của nhân dân, đi đôi với nâng cao ý thức trách nhiệm, tạo sự đồng thuận cao của nhân dân đối với công tác GPMB.
Ba là, để tạo lòng tin của nhân dân trong việc thu hồi đất, bồi thường GPMB, huyện tăng cường kiểm tra, rà soát và xử lý nghiêm các vi phạm. Đồng thời, giải quyết thỏa đáng, kịp thời các trường hợp khiếu nại, tố cáo để đảm bảo an ninh nông thôn, trật tự an toàn xã hội, với quan điểm “Dân chủ phải đi liền với kỷ luật, kỷ cương”. Ngăn chặn kịp thời các trường hợp lấn chiếm đất đai, xây dựng, tạo lập trái phép tài sản trên đất nhằm mục đích trục lợi; thực hiện nghiêm việc cưỡng chế kiểm đếm, cưỡng chế thu hồi đất và bảo vệ thi công đối với các trường hợp cố tình chống đối, không chấp hành quyết định thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Bốn là, cấp ủy các cấp phải chủ động, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo; chính quyền phải quyết liệt, cụ thể trong quản lý, điều hành, linh hoạt trong xử lý tình huống; Mặt trận, đoàn thể phải kiên trì, sáng tạo, nhạy bén trong tuyên truyền, vận động. Tăng cường trách nhiệm của chính quyền; trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương; tích cực cải cách thủ tục hành chính, đảm bảo dân chủ, công khai, minh bạch. Quan tâm đến công tác chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người lao động trong diện phải thu hồi đất.
Năm là, các cơ quan, ngành chức năng (tài nguyên môi trường, xây dựng, giao thông, tài chính, Ban Quản lý các khu công nghiệp…) và các bộ phận, cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về đất đai, được giao nhiệm vụ đo đạc, thống kê, áp giá đền bù… phải đề cao trách nhiệm, thực hiện chặt chẽ, chính xác, đúng pháp luật, đúng chính sách, hạn chế thấp nhất tình trạng sai sót dẫn đến khiếu nại, phải giải quyết, xử lý nhiều lần.
Hàng năm, các cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong tỉnh đã tiếp nhận đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai, đền bù, giải phóng mặt bằng chiếm tỷ lệ khá cao trên tổng số đơn khiếu nại, tố cáo. Nội dung đơn khiếu nại tập trung chủ yếu vào một số vấn đề liên quan đến việc xác định nguồn gốc, quá trình sử dụng đất, chính sách hỗ trợ tiền đất, đơn giá bồi thường, hỗ trợ đất và vật kiến trúc, hỗ trợ tiền di dời…
|
Thống nhất nhận thức và hành động
Trong việc triển khai các công trình, dự án thì công tác GPMB là khâu mở đầu cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định đến tiến độ thực hiện dự án, nhưng cũng là khâu khó nhất trong quá trình triển khai dự án. GPMB vốn là công việc khó khăn, liên quan đến nhiều người và thường nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, khó lường. Do đó, công tác dân vận trong GPMB cần phải đi trước để tháo gỡ những “nút thắt” trong quá trình triển khai, nhất là khâu đầu tiên, nhằm đảm bảo tiến độ công trình và tạo được sự đồng thuận của người dân.
Công tác GPMB phải được coi là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị; đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa mang tính thường xuyên, liên tục, trong quá trình thực hiện, tuyệt đối không được nóng vội, hành động duy ý chí dẫn đến phát sinh mâu thuẫn, điểm nóng, khiếu kiện đông người tại các địa phương mà dự án đi qua. Trong đó, có sự chỉ đạo thường xuyên của cấp ủy, vai trò của công tác dân vận đồng hành cùng với chính quyền tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận trong nhân dân.
Công tác tuyên truyền, vận động phải được coi trọng và phải đi trước một bước trước khi triển khai dự án. Mỗi công trình, dự án theo phân cấp, cần thành lập tổ tuyên truyền, vận động với thành phần phù hợp (tỉnh, huyện, xã, cơ quan chức năng). Kỹ năng thuyết phục, vận động của các thành viên tổ tuyên truyền, vận động theo hướng “Khéo trong vận động - Linh hoạt trong cách làm”; vừa mềm dẻo, linh hoạt, vừa đảm bảo đúng nguyên tắc của pháp luật là yếu tố hết sức quan trọng. Đồng thời, các thành viên trong tổ phải nắm chắc những nội dung của dự án, am tường lĩnh vực cần vận động, qua đó dễ thuyết phục; lắng nghe kiến nghị chính đáng của người dân để phối hợp chính quyền địa phương đề xuất hướng giải quyết kịp thời, đảm bảo quyền lợi tối đa cho người dân.
Việc tổ chức công tác tuyên truyền, vận động phải làm từng bước chặt chẽ, kiên trì, chắc chắn từng bước một; theo phương châm: “Đến từng ngõ - Gõ từng nhà - Rà từng đối tượng”; “Đối tượng nào, phương pháp nấy”, “Mưa dầm thấm sâu”; từ khảo sát thu thập thông tin về hoàn cảnh, điều kiện sống đến tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị, phản ánh của người dân; từ đó, xác định nội dung, cách thức tuyên truyền, vận động, thuyết phục thích hợp; phân công nhiệm vụ chặt chẽ cho từng thành viên trong tổ tuyên truyền, vận động; xác định thời gian, địa điểm tuyên truyền, vận động phù hợp; tham khảo ý kiến những người cao tuổi, có có uy tín, lực lượng nòng cốt ở địa phương; phân loại đối tượng theo nhóm để có biện pháp tuyên truyền, vận động phù hợp, trên nguyên tắc “Dễ làm trước, khó làm sau”.
Tạo thành phong trào thi đua
MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội quần chúng trên địa bàn phải có kế hoạch tuyên truyền, vận động gia đình, người thân, hội viên, đoàn viên gương mẫu thực hiện. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; đồng thời, tăng cường mạnh mẽ công tác giám sát, phản biện xã hội; phát huy hiệu quả hoạt động của ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư cộng đồng, tổ hòa giải cơ sở trong công tác này. Việc thực hiện quy chế “Dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật” là một yếu tố quan trọng trong suốt quá trình GPMB. Thông qua tuyên truyền, vận động, kịp thời kiến nghị chính quyền điều chỉnh những bất cập trong công tác định giá, áp giá đền bù, hỗ trợ tái định cư… cho phù hợp với quy định của pháp luật và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Từng ngành, huyện nên đưa thành một nội dung thi đua trong phong trào thi đua “Đồng khởi mới”, trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” ở từng cấp. Đề cao vai trò nêu gương của đảng viên cùng gia đình để có tác dụng lan toả.
Trên cơ sở kết quả, kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả của các ngành, địa phương, cần kịp thời sơ kết, biểu dương khen thưởng rút kinh nghiệm để nhân rộng. Nghiên cứu xây dựng và ban hành Quy trình thực hiện dân chủ trong triển khai các dự án đầu tư để áp dụng chung trong toàn tỉnh trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, GPMB, tái định cư các dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Tóm lại, để thực hiện có hiệu quả công tác GPMB đảm bảo cho việc triển khai các dự án, công trình đúng tiến độ, thì công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án là nhiệm vụ rất quan trọng, đòi hỏi phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của cấp ủy, sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ, nhịp nhàng của chính quyền và khối vận ở từng cấp.
Bùi Văn Bia
Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Bến Tre
(baodongkhoi.vn)