Thứ Năm, 28/11/2024
‘Liều vaccine tinh thần’ cổ vũ nhân dân vượt qua đại dịch



Sức mạnh mềm của văn hóa tạo động lực tinh thần mạnh mẽ

Đó chỉ là một trong những kết quả nổi bật của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTTDL) đã đạt được trong năm 2021 vừa qua. Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tình đồng chí, nghĩa đồng bào tiếp tục được phát huy mạnh mẽ, đoàn kết, gắn bó, yêu thương, chia sẻ được nhân lên thành sức mạnh mềm của văn hóa.

Tại Hội nghị tổng kết công tác VHTTDL năm 2021 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2022 sáng nay (6/1), Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Tạ Quang Đông nhấn mạnh, ngành VHTTDL cả nước đã nỗ lực, sáng tạo, điều hành linh hoạt, thích ứng nhanh chóng, kịp thời đề xuất và tổ chức thực hiện tốt nhiều chủ trương, chính sách mới, phù hợp với diễn biến tình hình dịch bệnh, đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần cùng cả nước vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội đề ra cho năm 2021.

Ngành VHTTDL cũng nghiêm túc thực hiện chỉ đạo của Đảng, Nhà nước về thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa tập trung phát triển kinh tế-xã hội. Kịp thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn triển khai các nghị quyết của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn và lĩnh vực du lịch…

Ngành VHTTDL đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật xây dựng chương trình biểu diễn nghệ thuật phù hợp tình hình mới. Trong đó có những chương trình biểu diễn nghệ thuật không khán giả, ít khán giả, chương trình biểu diễn có sự tương tác nghệ sĩ, diễn viên trong và ngoài nước, mô hình hoạt động biểu diễn “Nhà hát online”... chương trình với chủ đề “San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch” trên các kênh youtube và nền tảng mạng xã hội.

Hình ảnh văn hóa, con người Việt Nam cũng được lan tỏa mạnh mẽ thông qua Triển lãm Thế giới EXPO 2020 Dubai. Tham gia EXPO 2020 Dubai, Việt Nam kết nối giá trị tinh hoa, trí tuệ từ quá khứ, cùng những đổi mới sáng tạo của hiện tại để kiến tạo một tương lai bền vững và tốt đẹp hơn cho những thế hệ mai sau. Ở đó, văn hóa chính là nền tảng quan trọng giúp kết nối con người với con người, giúp thế giới hiểu nhau hơn, gắn kết hơn đề từ đó hợp tác phát triển kinh tế, đầu tư, thương mại, kiến tạo một thế giới hoà bình và tốt đẹp…

Bên cạnh đó, phong trào TDTT quần chúng phát triển sâu rộng, có bước tiến bộ rõ nét. Các chỉ tiêu cơ bản về TDTT quần chúng đều đạt được. Cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được triển khai gắn với các phong trào thi đua lớn của cả nước. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh, ngành VHTTDL đã tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân tập luyện thể dục thể thao nâng cao sức khỏe, thể lực, phòng, chống dịch bệnh với chủ đề “Cả nhà tập ngay, đánh bay COVID”.

Công tác phòng, chống dịch COVID-19 và hoạt động phục hồi ngành du lịch trong tình hình mới đặc biệt được chú trọng. Triển khai Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, Bộ VHTT&DL đã kịp thời tham mưu các cấp có thẩm quyền điều chỉnh chính sách, chủ động vượt khó, phục hồi ngành du lịch. Tập trung triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành; đặc biệt chương trình kích cầu du lịch nội địa “Việt Nam: Đi để yêu!” được đông đảo nhân dân hưởng ứng, góp phần tái cơ cấu thị trường du lịch. Bộ VHTT&DL đã cùng các địa phương, các ban, ngành tổ chức nhiều hội nghị trực tuyến, hội thảo và các hoạt động kích cầu du lịch nội địa (Hà Nội, Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Khánh Hòa, TPHCM, Hà Giang, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa...). Triển khai chiến dịch xúc tiến, quảng bá để đẩy mạnh truyền thông mở cửa đón khách quốc tế “Live fully in Vietnam”. Các doanh nghiệp tích cực tham gia các chương trình kích cầu, 3/5 địa phương (Nha Trang, Phú Quốc, Quảng Nam) đã đón khách du lịch quốc tế sau 19 tháng “vắng bóng”.

Từng bước đổi mới tư duy từ ‘làm văn hóa’ sang ‘quản lý văn hóa’

Ngành VHTTDL đã kịp thời đề xuất cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương một số nội dung mang tính “đột phá, chiến lược”, tổ chức thành công Hội nghị Văn hóa toàn quốc; tham mưu và được Chính phủ giao nghiên cứu, đề xuất việc xây dựng Chương trình tổng thể quốc gia về phát triển văn hóa Việt Nam. Việc chỉ đạo điều hành, thực thi nhiệm vụ VHTTDL theo tinh thần “kiến tạo”; tập trung xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước bằng pháp luật đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành

Bên cạnh đó, ngành  tập trung xây dựng cơ chế chính sách quản lý nhà nước bằng pháp luật đồng thời tạo động lực thúc đẩy phát triển ngành, lấy công tác xây dựng thể chế là nhiệm vụ trọng tâm, xác định công tác cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch là nhiệm vụ then chốt, Bộ VHTT&DL đã trình các cấp có thẩm quyền hồ sơ Luật Điện ảnh (sửa đổi); hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ (phần nội dung quyền tác giả, quyền liên quan); dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); xây dựng, trình Chính phủ 9 nghị định, ban hành theo thẩm quyền 22 thông tư, từng bước hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật trong các lĩnh vực của ngành…

Nhiều mô hình, phương pháp tiếp cận mới trong chỉ đạo, điều hành được áp dụng. Lần đầu tiên Quy tắc ứng xử của người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật được ban hành, tạo hành lang nhận thức chuẩn mực hơn cho cộng đồng, trong đó có người nổi tiếng và người hoạt động nghệ thuật.

Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản được chú trọng, nhiều địa phương quan tâm thực hiện tốt, lan tỏa nét đẹp di sản văn hóa trong đời sống cộng đồng. Tập trung huy động các nguồn lực hỗ trợ công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tiêu biểu của các dân tộc thiểu số. Năm  2021, Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bộ VHTT&DL cũng trình Thủ tướng Chính phủ Hồ sơ đề cử di sản Vịnh Hạ Long, Quần đảo Cát Bà đề nghị UNESCO ghi danh vào Danh mục di sản thế giới; Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử và Khu di tích khảo cổ Óc Eo-Ba Thê được đưa vào Danh sách dự kiến lập hồ sơ di sản văn hóa thế giới; phê duyệt 5 quy hoạch và 8 nhiệm vụ lập quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đặc biệt. Hoàn thiện Chương trình kiểm kê, sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa của các dân tộc Việt Nam, giai đoạn 2021-2030...

Chuyển đổi số trong ngành VHTTDL phải làm mạnh hơn, quyết liệt hơn

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đặt ra yêu cầu phải nghiêm túc làm mạnh hơn, quyết liệt hơn việc chuyển đổi số trong lĩnh vực VHTTDL trong tình hình mới hiện nay. Theo Bộ trưởng, nếu chỉ chờ vào ngân sách sẽ rất khó để thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, hiện nay ngành VHTTDL đã thực hiện chuyển đổi số ở một lĩnh vực như du lịch, bảo tàng… tuy nhiên còn ở quy mô nhỏ lẻ.

Trong phương hướng, nhiệm vụ của ngành VHTTDL năm 2022 sẽ tập trung thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ trong các lĩnh vực VHTTDL; tiếp tục duy trì, phát huy vai trò của mô hình “nhà hát online”, thúc đẩy xây dựng, phát triển mô hình “bảo tàng online”, phát triển du lịch thông minh; triển khai Chương trình chuyển đổi số ngành thư viện.

Đề cập đến vấn đề này tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, những giá trị chuyển đổi số thực sự sẽ tạo sự chuyển đổi có tính cách mạng đối với ngành VHTTDL. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, chuyển đổi số cần cam kết của người đứng đầu vì nó liên quan đến sự thay đổi. Nếu người đứng đầu cam kết và hành động thì chuyển đổi số sẽ thành công.

Bộ trưởng Bộ TT&TT cho biết, Việt Nam có thuận lợi lớn là có nhiều doanh nghiệp công nghệ số lớn mạnh có thể giải các bài toán về chuyển đổi số của ngành VHTTDL. Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã công bố 35 nền tảng số quốc gia được phát triển trong năm 2022 để làm hạ tầng thúc đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia. Trong đó có 2 nền tảng thuộc ngành VHTTDL là nền tảng bảo tàng số để số hóa các di tích và nền tảng quản trị kinh doanh du lịch. Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ VHTT&DL nên công bố thêm một số nền tảng số chuyên ngành để đẩy nhanh chuyển đổi số. Bộ TT&TT sẽ phối hợp với Bộ VHTT&DL để xác định các nền tảng này và phát triển trong năm 2022.

(baochinhphu.vn) 


Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất