Thứ Tư, 15/5/2024
Hiệu quả từ tuyên truyền, vận động, đối thoại trong di dời dân cư, giải phóng mặt bằng Khu vực 1, Kinh thành Huế

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế - Phan Ngọc Thọ đối thoại với các hộ dân
thuộc dự án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I
hệ thống di tích Kinh thành Huế, ngày 6/3/2021

Câu chuyện được bắt đầu tại phiên thảo luận tại hội trường Diên Hồng về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2018 tại kỳ họp lần thứ 6, Quốc hội khóa XIV, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế đã báo cáo trước Quốc hội: Quần thể di tích Cố đô Huế hiện đang phải đương đầu với những tác động của thời gian, khí hậu và đặc biệt là những tác động phát sinh hằng ngày từ hoạt động của dân cư đang sinh sống tại khu vực 1, Kinh thành Huế… Nếu nói cuộc sống hàng ngàn con người này tạo ra áp lực lớn đến tiến độ bảo tồn, tôn tạo Kinh thành Huế thì cũng phải thấy rằng chính người dân nơi đây đang sống vô cùng chật vật, khó khăn khi gắn cuộc đời với một công trình di tích quan trọng đặc biệt của Quốc gia. Mong ước của nhiều thế hệ ở đây là tìm kiếm một cơ hội, một cuộc đổi đời về nơi sinh sống trong nhiều năm qua vẫn chưa thực hiện được.

Thấu hiểu nguyện vọng của người dân, lo lắng của chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã có chủ trương đồng ý cho tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng cơ chế đặc thù di dời, hỗ trợ tái định cư đối với các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 Kinh thành Huế và giao cho Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính đề xuất hỗ trợ kinh phí cho địa phương thực hiện. Đến năm 2019, khung chính sách về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên cơ sở đó UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 370, ngày 13/02/2019 về việc phê duyệt đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 hệ thống di tích Kinh thành Huế thuộc quần thể di tích Cố đô Huế nhằm gìn giữ, bảo vệ các giá trị lịch sử, bảo tồn văn hóa còn nguyên vẹn nhất của Việt Nam; di dời các hộ dân đang sinh sống tại khu vực 1 di tích đến khu dân cư mới để ổn định và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; bảo vệ, đảm bảo môi trường, chỉnh trang cảnh quan; phát huy giá trị di tích, tạo sản phẩm du lịch; tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Nhiệm vụ cụ thể của đề án là thực hiện di dời, giải phóng mặt bằng tổng cộng khoảng 4.201 hộ (2.188 hộ chính và 2.013 hộ phụ) với tổng mức đầu tư khoảng 4.097 tỷ đồng (giải phóng mặt bằng khoảng 2.735 tỷ đồng, xây dựng khu tái định cư khoảng 1.362 tỷ đồng). Xác định tính chất đặc biệt quan trọng của đề án liên quan đến cả cộng đồng dân cư, có quy mô lớn về số hộ di dời và nguồn vốn triển khai thực hiện. Chính vì vậy, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hệ thống chính trị tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đồng thời, nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt đối với các địa phương trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện di dời dân cư, giải tỏa và bố trí tái định cư; thông tin công khai rộng rãi, kịp thời các chủ trương, chính sách về di dời giải tỏa cũng như việc niêm yết công khai giá đền bù, hỗ trợ tái định cư. Thực hiện hiệu quả Quy chế dân chủ ở cơ sở gắn với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong quá trình triển khai thực hiện dự án. Tổ chức đối thoại, gặp gỡ với các hộ dân để công khai các chính sách về bồi thường, hỗ trợ tái định cư; họp định kỳ hai tuần một lần để nghe các đơn vị báo cáo tiến độ. Đồng thời, tổ chức các đoàn công tác xuống các phường có người dân trong diện di dời và các phường nơi người dân tái định cư để gặp gỡ, tiếp xúc, cung cấp trực tiếp thông tin những nội dung liên quan cho người dân, đồng thời nắm bắt tình hình, tâm tư nguyện vọng chính đáng của nhân dân.

 Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực 1 Kinh thành Huế được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ năm 2019 - 2021) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực  di tích Kinh thành Huế gồm thượng thành, các eo bầu, hộ thành hào và tuyến phòng lộ (2.938 hộ). Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2025) hoàn thành xây dựng khu tái định cư và di dời dân cư tại khu vực các di tích: Hồ Tịnh Tâm, Hồ Học Hải, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ, hệ thống hồ 4 phường nội thành và di tích Trấn Bình Đài (1.263 hộ).

Đặc biệt, lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo thành phố Huế đã tổ chức nhiều cuộc đối thoại nhằm lắng nghe ý kiến cũng như giải quyết những khó khăn, vướng mắc của người dân. Cấp ủy, chính quyền các phường đã chỉ đạo Khối Dân vận, các “Tổ Dân vận” tại địa bàn tuyên truyền cho nhân dân các chủ trương, chính sách về di dời giải tỏa, những nội dung liên quan đến quyền lợi của nhân dân trong khu vực di dời, giải tỏa. Thực hiện tốt công tác dân vận của chính quyền, phối hợp tốt với các cơ quan chức năng giải quyết những vấn đề phát sinh qua phản ánh của người dân. Lãnh đạo chính quyền các cấp thường xuyên tiếp xúc, gặp gỡ các hộ dân thuộc khu vực Dự án để lắng nghe, tháo gỡ các vướng mắc của bà con nhân dân; đồng thời kiểm tra, chỉ đạo tiến độ triển khai thực hiện dự án.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, đối thoại, đến nay, giai đoạn 1 của dự án đã thực hiện đảm bảo theo tiến độ, tỷ lệ giải ngân vốn chi trả đạt 74%; phê duyệt bố trí tái định cư 1.995 lô, bốc thăm nhận đất 1.849 lô; cấp 1.771 giấy phép xây dựng, 546 hộ đã xây dựng nhà ở; đã có 1.156 hồ sơ nộp đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện, chính quyền và các ban ngành đã giải quyết kịp thời 883/1.009 (đạt 83%) đơn phản ánh, kiến nghị, khiếu nại liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xin cấp thêm hộ phụ nhằm tạo sự đồng thuận trong nhân dân trong quá trình thực hiện dự án.

Song song với công tác di dời, giải tỏa, tỉnh đã tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện các công trình, dự án hạ tầng kỹ thuật tại khu tái định cư Hương Sơ đảm bảo phục vụ đời sống người dân trong diện di dời, tái định cư; đồng thời xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, chăm lo, hỗ trợ cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn như: Hỗ trợ hơn 40 tỷ đồng cho 776 hộ dân thuộc dự án nhưng không đủ điều kiện để bố trí đất tái định cư; xây dựng 39 căn hộ liền kề cho các hộ gia đình neo đơn (trị giá 8,175 tỷ đồng), xây dựng Trường Mầm non Hoàng Mai (trị giá 31,158 tỷ đồng), hỗ trợ hơn 2,3 tỷ đồng cho 30 hộ nghèo và 15 hộ cận nghèo xây dựng nhà ở. Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp thường xuyên quan tâm hỗ trợ, thăm hỏi động viên các hộ gia đình nghèo, cận nghèo, khó khăn, neo đơn trong khu vực tái định cư.

Thành công của việc triển khai thực hiện dự án trong giai đoạn 1 (từ 2019 - 2021), chính là tiền đề quan trọng để tỉnh xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện dự án trong giai đoạn 2 (từ 2022 - 2025). Để đạt được những kết quả quan trọng nêu trên, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rút ra một số bài học kinh nghiệm, trong đó có bài học quan trọng về công tác tuyên truyền, vận động nhằm tạo sự đồng thuận, đồng lòng trong nhân dân; đồng thời tăng cường đối thoại nhằm giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện quyết tâm cùng với hệ thống chính trị trên địa bàn toàn tỉnh thực hiện thành công dự án với tinh thần “trả lại không gian cho di tích, tôn tạo cảnh quan, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương và quan trọng nhất là người dân sau khi di dời sẽ được ổn định lâu dài để an cư lạc nghiệp trong thời gian tới”./.

Nguyễn Chí Tài - UVBTV, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất