Thứ Năm, 2/1/2025
Vì mục tiêu chung phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia
 

Quang cảnh hội nghị


Tham dự có các Ủy viên Bộ Chính trị: Trần Thanh Mẫn, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; Phan Văn Giang, Bộ trưởng Quốc phòng và các đồng chí: Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Khắc Định, Nguyễn Đức Hải, Trần Quang Phương; lãnh đạo Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Hội đồng Dân tộc; một số ủy ban của Quốc hội, cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; một số bộ, ngành. 

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Hiến pháp và pháp luật đã quy định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, trong đó có Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng phải luôn rà soát, đánh giá mình đã làm tốt những nhiệm vụ được Hiến pháp, pháp luật quy định hay chưa; công tác phối hợp giữa hai cơ quan để thực hiện hiệu quả, đạt kết quả tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao về xây dựng pháp luật, lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng, an ninh…

Chủ tịch nước đề nghị các đại biểu đánh giá những mặt phối hợp công tác nào còn hạn chế, những mặt nào cần tiếp tục củng cố để tăng cường sức mạnh và nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực thi nhiệm vụ của hai cơ quan, từng lĩnh vực đều phải có sự phân công, phối hợp chặt chẽ. 

Chủ tịch nước nêu rõ: Bám sát chủ trương lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, buổi làm việc hôm nay, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả phối hợp công tác để thực hiện tốt nhất mọi nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, góp phần cùng cả hệ thống chính trị, cùng đồng bào, chiến sĩ cả nước phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. 

Chủ tịch nước luôn mong muốn được phối hợp, hợp tác với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội để thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, như: Đổi mới việc xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật, xây dựng pháp lệnh khắc phục tình trạng lợi ích ngành, ưu tiên tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân...

Về trách nhiệm của Chủ tịch nước trong phối hợp công tác, với vai trò là người đứng đầu Nhà nước theo quy định của Hiến pháp, Chủ tịch nước sẽ phối hợp, hợp tác chặt chẽ với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như các đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện mục tiêu chung của Đảng, Nhà nước về phát triển đất nước, nâng cao vị thế, uy tín quốc gia, dân tộc. 

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có mối quan hệ phối hợp công tác giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị. 

Dự kiến tại Phiên họp tháng 4/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến về Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đang nghiên cứu việc sửa đổi Nội quy Kỳ họp Quốc hội; Quy chế làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quy chế làm việc của các cơ quan của Quốc hội… 

“Nội dung quan trọng là tiếp tục đổi mới cơ chế phối hợp công tác giữa Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với Chủ tịch nước, Chính phủ, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thiết chế khác trong hệ thống chính trị; nghiên cứu xây dựng quy chế phối hợp giữa Đảng đoàn Quốc hội với các cơ quan” - Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, Chủ tịch nước là thiết chế hiến định hết sức quan trọng trong bộ máy Nhà nước, là người đứng đầu Nhà nước thay mặt nước CHXHCN Việt Nam về đối nội và đối ngoại; đồng thời là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh. 

Hiện nay, Chủ tịch nước cũng là Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Chiến lược xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. 

Hằng năm, Chủ tịch nước đều có báo cáo công tác trước Quốc hội. Nhiều công việc cụ thể của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều gắn với thiết chế Chủ tịch nước như phê chuẩn các hiệp định, điều ước quốc tế, phê chuẩn bổ nhiệm đại sứ, trưởng cơ quan đại diện ở nước ngoài. Trong công tác đối nội, đối ngoại của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội liên quan mật thiết đến Chủ tịch nước. Phó Chủ tịch nước cũng tham gia thường xuyên các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội... 

Báo cáo một số nội dung về công tác phối hợp do Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết: Trong thời gian qua, nhất là nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII (2011-2016), khóa XIV (2016-2021) và từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đến nay, quan hệ phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn được tăng cường trên tất cả các lĩnh vực công tác và được thể hiện rõ nét qua kết quả thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch nước, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. 

Những nội dung đó được thể hiện cụ thể trên các lĩnh vực quan trọng: Trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác xây dựng pháp luật, cải cách tư pháp và xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền; trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về bổ nhiệm, miễn nhiệm nhân sự cấp cao của Nhà nước; trong thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về đối ngoại; trong việc thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội…

Công tác phối hợp giữa Chủ tịch nước với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thời gian quan luôn được tăng cường, ngày càng đi vào thực chất và đạt được kết quả tích cực, toàn diện trên các mặt công tác. 

Đặc biệt, những đổi mới trong phương thức phối hợp giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước ngày càng được chú trọng đã góp phần thúc đẩy, nâng cao hiệu quả, bảo đảm tính chủ động và có chiều sâu trong việc thực hiện nhiệm vụ mỗi bên, qua đó góp phần nâng cao chất lượng các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói riêng và chất lượng hoạt động của Chủ tịch nước, Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nói chung, hướng tới mục tiêu chung là phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, hệ thống pháp luật, đóng góp một phần quan trọng vào những thành tựu chung của Đảng, Nhà nước trong thời gian qua.

Thời gian tới, Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục phối hợp hiệu quả, thường xuyên trong việc thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn trên các lĩnh vực công tác; tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013; kiến nghị tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan nhiệm vụ và quyền hạn của Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội; quan tâm, chú trọng việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. 

Bên cạnh đó, chỉ đạo các cơ quan hữu quan nghiên cứu, xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Chủ tịch nước và Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm bảo đảm triển khai kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nội dung công việc thuộc thẩm quyền mỗi bên. 

Hai bên cũng nhất trí, các ủy ban của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Văn phòng Chủ tịch nước tiếp tục phát huy tính chủ động, tích cực và phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác nắm bắt tình hình, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định; kịp thời tham mưu, tổ chức triển khai chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Chủ tịch nước... 

(nhandan.vn) 


Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất